Ăn Tết kháng chiến trong hầm ở quê nhà Sơn Mỹ

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hôm ấy đã là ngày đầu xuân, trời se lạnh và mây mù. Má tôi, bác Đoàn Cổ, tôi, anh Vàng trưởng thôn và các bạn an ninh trẻ vào một căn lều nhỏ, có hầm do du kích đào tạm trên nền nhà cũ. Một bữa cơm gà và rau tập tàng để gia đình vui xuân. Cũng chẳng thịt mỡ, dưa hành, cũng chẳng cây nêu, bánh chưng.
Ăn Tết kháng chiến trong hầm ở quê nhà Sơn Mỹ
Tác giả trước tượng đài Sơn Mỹ năm 2009.

LTS: Mùa xuân 2011 là tròn 43 năm ngày giặc Mỹ tàn sát hàng loạt hơn 500 đồng bào ta, phần lớn là phụ nữ, người già và trẻ em ở làng quê Sơn Mỹ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Đó là tội ác xâ‌m lượ‌c làm chấn động lương tri loài người và là nỗi đau không dễ gì hàn gắn trong lòng dân tộc ta.

Năm nay, chúng ta sẽ tưởng niệm ngày này trong tình hình đất nước đổi mới và cũng để nhắc nhở mọi người rằng trên đường thắng lợi oanh liệt, dân tộc ta cũng đã chịu bao hy sinh, mất mát.

Năm cuối cùng của chiến tranh, mùa xuân năm 1974, tôi từ chiến khu Trung Trung Bộ ở Trà My về Sơn Mỹ công tác cho Đài phát thanh khu. Đi đường bao gian lao, nguy hiểm vì phải vượt qua quốc lộ - con đường "độc đạo" không qua không được! Con đường số 1 giặc nống ra đồn bót dày đặc. Muốn qua phải chờ giao liên trinh sát, có khi chờ cả tuần mới đi được.

Từ cửa bể Sa Kỳ, sau khi chia tay anh Nguyễn Nghĩa - Trưởng ban An ninh tỉnh và anh Võ Trọng Nguyễn, Thường vụ Tỉnh ủy (1) phụ trách khu Đông lúc bấy giờ, anh Lý Thường Anh ở Mặt trận Dân tộc giải phóng Quảng Ngãi đưa chúng tôi đi xuồng máy về đảo Lý Sơn và sau đó vài ngày về Sơn Mỹ.

Đúng như lời thơ Thanh Hải "Xa nhau chỉ một mái chèo, mà đi trăm núi vạn đèo đến đây!". Đầu xuân gió rét dữ dội, cả một vùng cửa biển đẹp tươi này bao trùm trong mây mù. Mỹ - ngụy đã lấn chiếm trái phép sau Hiệp nghị Paris, nhưng Sơn Mỹ đã thuộc về ta. Đêm đêm tiếng pháo, tiếng cối từ đồi Ông Rau, từ Núi Voi, từ quận lỵ Sơn Tịnh nã về cầm canh.

Tôi và anh Trưởng thôn Trương Quang Vàng theo giới thiệu của anh Hoài Hải (1) - Thường vụ Huyện ủy đến đầu thôn Cổ Lũy đón má tôi ở Sài Gòn vượt bao đồn bót ra vùng giải phóng. Gần 20 năm kể từ ngày tập kết trở về chiến đấu ở miền Nam, nay mới được gặp má, gặp em. Má phải giả một bà lão ăn mày đội nón mê, mang bị gậy. Bà đã ngoài 70, tóc trắng bông theo giao liên lặn lội về.

Đúng là "nước mắt dành cho ngày gặp mặt". Mẹ con ôm nhau, rờ rẫm mặt mày mà không còn đủ nước mắt để khóc mừng. Tuổi già héo hon, sau bao năm bị kìm kẹp trong ấp Tân Sinh, trong khu dồn dân, bị bắt bớ, tr‌a tấ‌n mỏi mòn, nhưng một lòng mẹ vẫn trung kiên với cách mạng. Giờ đây trước mặt con mà mẹ vẫn tưởng như một giấc mơ, những tưởng không bao giờ còn gặp lại!

Tôi cõng mẹ trên lưng về căn hầm của Xã đội Tịnh Khê, cô Xuân du kích xã; anh Trương Mười, Bí thư Đảng bộ; bác Đoàn Cổ gia đình cơ sở cách mạng, con nuôi của nội tôi, mừng mừng tủi tủi cho ngày tái hợp có một không hai này.

Cả làng Sơn Mỹ bị giặc giết hại hàng ngàn người gia đình nào cũng tang tóc, chỉ riêng một sáng mùa xuân 16/3/1968, lính Mỹ do Đại úy Ernest Media và Trung úy William Cally chỉ huy đã cùng lúc xả súng vào hơn 500 đồng bào Sơn Mỹ, phần lớn là người già và trẻ em vô tội.

Dấu vết tội ác của chúng vẫn còn in đậm trên thân thể đội du kích nơi đây: anh Trương Mười chỉ còn một tay, anh Vàng thương tật đầy người đã mất, cô Xuân bị bom pháo vùi chết đi sống lại, anh Tính cụt mấy ngón tay và chân bị thương. Thím Chín, gia đình anh Ngộ canh gác bảo vệ cán bộ bị địch đánh đập, tra khảo.

Má tôi đã yếu lắm rồi, năm ấy mắt đã lòa, bà không còn nhận ra căn nhà của nội tôi để lại (2). Đường về làng thì đạn bom cày xới không lần ra lối đi. Mẹ và tôi lách trong cỏ dại, theo con đường mòn do cô du kích đưa đường.

Cả một vùng sầm uất Tư Cung, Mỹ Khê, Cổ Lũy xưa kia xanh rợp bóng dừa về đến tận thôn, nhà ngói san sát, nay chỉ còn lại hố bom, hố đạn, gạch ngói đổ vỡ và gai góc mọc đầy. Má tôi tìm mãi mới thấy cây bàng cổ thụ gãy cụt ngọn và mảnh đạn bom chi chít găm vào thân cây nứt nẻ toác ra từng mảnh. Nơi ấy là căn nhà nơi sinh ra chúng tôi, nền nhà trước cao đến đầu tôi năm tôi lên 6 học ê a…, xe ủi đất san thành bình địa.

Cả một dãy nhà thờ họ Trương tòa ngang dãy dọc, những biệt thự lớn không còn nguyên vẹn một tảng đá vì giặc đã bảy lần chà đi xát lại. Má tôi, anh Vàng và tôi ngồi trên một thân dừa đứt đoạn đi nhặt vài cành thông mục làm củi. Không tìm được một viên gạch lành để bắc bếp thổi cơm chiều. Bác Đoàn Cổ đem đến cho một con gà vừa biết gáy và mấy chiếc chén mẻ để đãi bà chị từ Sài Gòn ra vùng giải phóng thăm em, thăm con.

Chúng tôi hái hoa dại và hoa ngũ sắc mọc khắp vườn đem ra mộ thắp hương cho đồng bào trong thôn bị giặc Mỹ giết ngày 16/3/1968, kể từ lâu giặc càn đi quét lại hương tàn khói lạnh.

Hôm ấy đã là ngày đầu xuân, trời se lạnh và mây mù. Má tôi, bác Đoàn Cổ, tôi, anh Vàng trưởng thôn và các bạn an ninh trẻ vào một căn lều nhỏ, có hầm do du kích đào tạm trên nền nhà cũ của bà nội tôi để làm trạm trú chân khi nắng mưa, khi pháo dập và không quân Sài Gòn ra bắn phá vùng giải phóng.

Một bữa cơm gà và rau tập tàng để gia đình vui xuân. Cũng chẳng thịt mỡ, dưa hành, cũng chẳng cây nêu, bánh chưng. Em Hằng, em gái tôi từ Tịnh Thành về, đến chốt dân vệ của giặc, chúng ngăn cản không cho qua, cuối cùng chỉ biết đứng khóc rồi quay về thị xã với lòng nặng trĩu nhớ thương anh.

Thị xã Quảng Ngãi nằm bên hữu ngạn sông Trà Khúc, những tháng ngày qua nhất là Xuân 1974 đầy mưa bão. Các cuộc biểu tình, xuống đường bão táp cách mạng ở các Trường Trung học Trần Quốc Tuấn, Bồ Đề, Quảng Ngãi nghĩa thục… khẩu hiệu đòi tự do dân chủ treo cao, biểu ngữ kéo dọc, giăng ngang khắp các phố phường, đường Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Phan Bội Châu…

Có lẽ từ sau cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân đến nay, chưa có mùa xuân nào cuộc đấu tranh dữ dội trong lòng thị xã đến vậy! Thị xã Quảng Ngãi cách Sơn Mỹ hơn 10km thôi. Chiều xuân, cơn bão của 20 ngàn nhân dân thị xã xuống đường. Các đường phố đông nghịt người không còn lối đi, xe cộ dừng lại, chợ Tết tan sớm, các công sở của ngụy quyền đóng cửa, trường học bãi khóa…

Ngụy quyền tỉnh huy động hết cảnh binh, cảnh sát dã chiến, phối hợp cùng Cảnh sát áo trắng đàn áp cuộc biểu tình. Các khẩu hiệu hô to: "Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức", "Còn Nguyễn Văn Thiệu là còn chiến tranh"! Bởi vậy cho nên em gái tôi về Sơn Mỹ mấy ngày sau, chúng không cho đi là thế!

Lần đầu tiên tôi và má tôi đón xuân sau Tết Mậu Thân ở quê nhà Sơn Mỹ sau bao năm chiến tranh tàn phá. Bữa chiều xuân đầm ấm xen lẫn đau thương mất mát của một thời kỳ đạn bom ác liệt. Sau đó chúng tôi qua Cổ Lũy về Thu Xà, anh Tám Mau, anh Mười Qua bí thư và chủ tịch xã đón má tôi là cán bộ cũ của xã và dì Bảy tôi cho người vào chợ tỉnh mua một đầu heo về liên hoan ngày xuân. Thịt đầu heo luộc ăn bánh tráng, còn nước thì nấu nồi cháo to ăn cả hai ngày mới hết.

Ở vùng giải phóng tuy nghèo mà ấm cúng chan chứa tình xóm làng, mặn mà tình đồng chí. Khi về lại chiến khu Ba Tơ, đồng chí Nguyễn Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Từ Tân Vũ - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã cho giao liên đưa tôi trở về khu an toàn. Má tôi lại về Sài Gòn và đến mùa xuân đại thắng 1975, bà xuống tóc nguyện cầu cho đến ngày bà về cõi Phật: hòa bình cho đất nước, cho mùa xuân vĩnh cửu, cho Tổ quốc thanh bình, thịnh vượng của chúng ta…

Nhớ mẹ, nhớ quê, Xuân đến, tôi viết đôi dòng kỷ niệm. Và cuối xuân 2001, khi họp ở Đà Nẵng, tôi và nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu có về thăm lại Sơn Mỹ. Trước tượng đài Sơn Mỹ của nhà điêu khắc Châu Đình Du, chúng tôi đã mặc niệm đồng bào Sơn Mỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Chỗ nhà Bưu điện Tịnh Khê hôm nay là nền nhà đổ nát của bà nội tôi. Con đường từ thị xã về Sơn Mỹ dài hơn 10km đã rải nhựa. Chiều chiều, hàng ngàn du khách từ khắp nơi về hưởng gió mát và tắm biển Mỹ Khê.

Mùa xuân 2011, nhân dân Sơn Mỹ cũng như nhân dân Quảng Ngãi vẫn còn nghèo nhưng cuộc sống đã đổi thay. Màu xanh của ruộng vườn, màu xanh của no ấm, điện sáng nhà nhà đang lấp dần những đau thương ngày cũ

(1) Anh Nghĩa sau làm Chủ tịch và anh Nguyễn là Phó Bí thư Nghĩa Bình, anh Hải sau là Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi.
(2) Nền nhà ấy giờ là Bưu điện xã Tịnh Khê.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật