Vệ tinh F1 đang chờ ngày “cất cánh”

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm qua, nhóm nghiên cứu không gian Fspace, FPT đã đánh dấu một sự kiện quan trọng khi đặt “viên gạch” đầu tiên của Việt Nam cho nền công nghiệp vũ trụ trong tương lai, đó là nghiên cứu thiết kế chế tạo, thử nghiệm và vận hành vệ tinh có tên gọi F1.
Vệ tinh F1 đang chờ ngày “cất cánh”
F1 được đưa lên không gian sẽ mở ra cho Việt Nam một cơ hội mới trong ngành công nghiệp vũ trụ

Nếu thành công, FPT sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước chế tạo thành công vệ tinh nhỏ, mở ra hướng phát triển ngành công nghiệp không gian của Việt Nam.  Ông Trần Thế Trung - viện trưởng viện nghiên cứu Công nghệ FPT cho biết, năm 2011, chúng tôi sẽ phóng vệ tinh này lên quỹ đạo. Những công việc cuối cùng để F1 cất cánh đang hoàn tất.

Trên thế giới việc chế tạo vệ tinh không có gì xa lạ, nhưng với Việt Nam đây vẫn là lĩnh vực rất mới. Bởi vậy khi bắt tay vào công việc này từ năm 2009,  nhóm FSpace phải tự nghiên cứu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài cũng như nhờ tư vấn của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Đầu tiên nhóm nghiên cứu xây dựng trạm thu tín hiệu vệ tinh. Việc thu tín hiệu rất khó bởi vệ tinh bay rất xa trái đất, khoảng cách tới trạm mặt đất trung bình khoảng 2.000 km trong khi công suất phát sóng của vệ tinh thấp. FSpace đã thiết kế, lắp đặt trạm mặt đất đặt tại tòa nhà FPT đường Phạm Hùng, Hà Nội và thử nghiệm liên lạc với các vệ tinh khác trên quỹ đạo. Sau hai tháng mày mò, nhóm đã thu thành công tín hiệu vệ tinh khí tượng NOAA của Mỹ, Cute 1 CO-55 của Nhật và Lusat Oscar LO-19 của Argentina.

Sau thành công này, FSpace đã bước vào giai đoạn thiết kế cơ khí, điện, điện tử và phát triển phần mềm điều khiển cho vệ tinh F1. Nhóm sẽ tiến hành chế tạo lần lượt 3 mô hình của vệ tinh F1: mô hình kiểm tra chức năng (BreadBoard Model - BBM), mô hình kỹ thuật (Engineering Model – EM) và cuối cùng là mô hình bay (Flight Model – FM). FSpace được Cục Tần số - Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cấp Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện cho trạm mặt đất và được Ủy ban quốc tế về vô tuyến điện nghiệp dư IARU giúp đỡ đăng ký tần số trên băng VHF, UHF để tránh nhiễu với các vệ tinh khác trên quỹ đạo sau này.

Với những thuận lợi đó, mô hình thử nghiệm BBM của vệ tinh F1 đã hoàn thành với kích thước 10 x 10 x 20 cm, nặng khoảng 2kg, được trang bị camera để chụp ảnh trái đất và một số cảm biến đo nhiệt độ, từ trường trái đất nhằm tìm hiểu môi trường trên quỹ đạo. Vệ tinh được thiết kế để hoạt động trên quỹ đạo mặt trời, nghiêng 98o so với mặt phẳng xích đạo, độ cao 500-800 km.

Hiện tại, FSpace đang từng bước thử nghiệm nhằm đảm bảo vệ tinh hoạt động đúng thiết kế khi bay trên quỹ đạo. Ông Trần Thế Trung cho biết, “Chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng để đưa vệ tinh F1 lên quỹ đạo vào năm 2011. Nói là việc cuối cùng nhưng thực ra là rất nhiều việc. Đặc biệt là công tác chuẩn bị. Bởi vệ tinh là một thứ đã đưa lên là không thể “rút về”, không thể sửa chữa. FPT đang trong quá trình đàm phán với đối tác Hà Lan về các dịch vụ phóng vệ tinh lên quỹ đạo. Đồng thời cũng đang chuẩn bị những mô hình, chuẩn bị mặt đất để tiến hành quá trình kiểm thử môi trường - môi trường giống với môi trường không gian. Việc này sẽ mất nhiều thời gian”.

Nếu thành công, FPT sẽ trở thành doanh nghiệp tư nhân đầu tiên trong nước chế tạo thành công vệ tinh nhỏ, mở ra hướng phát triển ngành công nghiệp không gian của Việt Nam. “FSpace đã nghiên cứu công nghệ chế tạo vệ tinh nhỏ tiến tới làm được những vệ tinh lớn hơn, đủ sức tham gia các dự án trong lĩnh vực không gian của nước ngoài. Có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới về công nghệ vũ trụ là tham vọng của chúng tôi. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ bắt đầu bằng việc cung cấp vệ tinh nhỏ với giá rẻ hơn thị trường...”, ông Trung khẳng định.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật