Trưởng trạm CIA tại Islamabad bị ISI “bóc vỏ”?

Abcviet Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Quan hệ không mấy êm ấm giữa Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) với Cục Tình báo liên cơ quan (ISI) của Pakistan vừa bị giáng thêm một cú sốc nữa sau khi CIA quyết định rút Trưởng trạm tại Islamabad về nước hôm thứ năm, 16/12 vừa qua.
Trưởng trạm CIA tại Islamabad bị ISI “bóc vỏ”?
Trạm CIA được đặt bên trong khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad.

Dư luận xung quanh vụ việc này có 2 luồng ý kiến khác nhau, tựu trung đều có liên quan đến một vụ kiện của thân nhân các nạn nhân vụ oanh kích bằng máy bay không người lái của CIA trong các cuộc truy quét phiến quân Taliban ở Pakistan.

Một quan chức CIA giấu tên nói với các tờ báo Mỹ rằng, nguyên nhân dẫn đến quyết định cấp bách này là vì vấn đề an ninh. Vị này cho biết, gần đây Trưởng trạm CIA - Islamabad đã nhận được nhiều lời đe dọa giết chết do tên tuổi của ông đã bị tiết lộ công khai trên một số tờ báo Pakistan, do liên quan đến vụ kiện của gia đình các nạn nhân vùng bộ lạc North Waziristan bị chết oan trong các vụ oanh kích bằng máy bay không người lái của CIA.

Vấn đề trở nên phức tạp khi nhiều quan chức CIA đặt nghi vấn ISI đã chơi trò "ném đá giấu tay" trong vụ này. Cách đây vài tuần, tên tuổi của vị Trưởng trạm CIA - Islamabad đã bị tiết lộ trên báo chí Pakistan khi các tờ báo đưa tin về các vụ oanh kích bằng máy bay không người lái vào vùng North Waziristan làm chết nhiều thường dân vô tội, gây bất bình trong dân chúng Pakistan.

Sự nghi ngờ của CIA tập trung vào ISI với lý do là chỉ có người "bên trong" từng có quan hệ hợp tác mới biết được công việc và danh tính của vị này. CIA nghi ngờ rằng, người của ISI đã xúi giục gia đình nạn nhân ở North Waziristan kiện CIA, đồng thời cố tình làm lộ danh tính người đứng đầu cơ quan đại diện của CIA tại Pakistan.

CIA cho rằng, đây là hành động của ISI nhằm "trả thù" cho việc người đứng đầu ISI là Ahmed Shuja Pasha bị một phiên tòa dân sự ở New York, Mỹ hồi tháng 11/2010 cáo buộc tội liên quan trong vụ đánh bom liên hoàn ở Mumbai tháng 11/2008 làm chết gần 170 người.

Tuy nhiên, Luật sư Mirza Shahzad Akbar, người giúp các gia đình nạn nhân kiện CIA lại kể một câu chuyện khác. Ông Akbar kể rằng, khi chuẩn bị lập hồ sơ kiện CIA, ông ta đã đi tìm các nhà báo ở Islamabad để "hỏi thăm" tên tuổi người đứng đầu trạm CIA tại Pakistan để điền vào đơn. Và có đến 2 nhà báo Pakistan cung cấp cho ông Akbar cùng một cái tên. Như vậy, rất có thể tên tuổi của vị Trưởng trạm CIA đã bị rò rỉ ra ngoài trước khi có vụ kiện của người dân North Waziristan.

Ngày 18/12, Cơ quan Tình báo ISI của Pakistan đã cực lực phủ nhận các nghi vấn của CIA và phản pháo lại rằng, chính các hoạt động của Trưởng trạm CIA tại Pakistan đã làm lộ danh tính của mình; đó là các cuộc tiệc tùng, quan hệ "sâu sát" với các cộng đồng địa phương và tham gia nhiều sự kiện công cộng, tiếp xúc quá gần gũi với nhiều thành phần khác nhau, mà một vài người trong số đó rất có thể đã biết được tên tuổi và chức vụ của ông ta.

Mặc dù danh tính bị tiết lộ ở Pakistan, nhưng theo luật tình báo của Mỹ thì các tờ báo Mỹ vẫn không được phép nêu danh tính điệp viên chưa chính thức bị "bóc vỏ".

Theo báo Mỹ, vị Trưởng trạm bị triệu hồi về nước là một tài năng trẻ đang lên trong làng tình báo của Mỹ, năm nay khoảng 43 tuổi, từng có thời gian công tác bí mật tại Stockholm (Thụy Điển) và Baghdad (Iraq) với thành tích khá nổi bật. Tại Pakistan, ông này hoạt động bí mật với vỏ bọc là nhân viên ngoại giao bên trong Đại sứ quán Mỹ ở Islamabad - một trong những khu cơ sở ngoại giao lớn nhất của Mỹ trên thế giới.

Với tư cách là Trưởng trạm CIA, ông này chịu trách nhiệm chính trong việc tuyển lựa các mục tiêu oanh kích bằng máy bay không người lái Predator. Thường thì các Trưởng trạm CIA ở Islamabad chỉ làm việc và sinh hoạt bên trong, hiếm khi ra khỏi khuôn viên khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ, vốn được xây dựng kiên cố và được bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt như một pháo đài thực thụ để ngăn ngừa khủ‌ng b‌ố.

Theo quy định của chính quyền Pakistan, các nhân viên ngoại giao và cứu trợ nhân đạo của Mỹ bị hạn chế tối đa việc đi lại ra ngoài khu vực Islamabad vì lý do an ninh. Nhưng với phong cách hoạt động của vị trưởng trạm này, khả năng ông ta gặp nguy hiểm là rất cao, nhất là sau khi lớp vỏ bọc tình báo của ông ta đã bị "bung".

Ở một khía cạnh khác, theo Luật sư Akbar, việc CIA cấp tốc đưa Trưởng trạm Islamabad về nước không phải hoàn toàn do bị tiết lộ danh tính mà thực sự là CIA sợ rằng, nếu tiếp tục để người này ở lại Islamabad thì ông ta có nguy cơ bị bắt giam trong nay mai, nếu tòa án phê chuẩn đơn kiện của gia đình các nạn nhân. Vụ kiện này là một bước đi mới nhất trong làn sóng phản đối gay gắt chính sách truy quét khủ‌ng b‌ố bằng máy bay không người lái của CIA.

Theo ghi nhận, từ đầu năm đến nay, CIA đã gia tăng cường độ truy lùng khủ‌ng b‌ố ở Pakistan, thực hiện khoảng 107 vụ oanh kích bằng máy bay không người lái vào các vùng núi tây bắc Pakistan giáp với Afghanistan, nơi mà người Mỹ gọi là các "thiên đường" dành cho bọn khủ‌ng b‌ố. Vấn đề là các cuộc oanh kích đó không chỉ tiêu diệt các phần tử bị nghi là khủ‌ng b‌ố, mà trong nhiều trường hợp còn gây thương vong cho những người dân vô tội sống trong vùng, gây nên làn sóng bất bình trong công chúng Pakistan.

Với mục tiêu phải xóa sạch các "thiên đường" để nhổ tận gốc các phần tử khủ‌ng b‌ố, nhưng các hoạt động truy lùng khủ‌ng b‌ố của CIA đã gặp phải nhiều trở ngại do ISI lẫn quân đội Pakistan không nhiệt tình trong việc phối hợp hỗ trợ. Vì vậy Mỹ đã không ngừng thúc ép Pakistan cho mở rộng phạm vi mục tiêu. Chính sự tăng cường các vụ oanh kích của CIA bên trong lãnh thổ Pakistan là ngòi nổ cho làn sóng chống Mỹ ngày càng dâng cao ở Pakistan, từ đó khiến cho các hoạt động của nhân viên CIA tại Islamabad khó tránh khỏi nguy hiểm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật