Tại sao Nga chuyển giao S-300 cho Syria?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Động thái này diễn ra sau khi máy bay trinh sát Il-20 của Nga bị tên lửa S-200 của phòng không Syria bắn rơi.
Tại sao Nga chuyển giao S-300 cho Syria?
S-300 của Nga có tầm bắn 250 km, có thể bắn chặn cùng lúc 24 máy bay hoặc 16 tên lửa đạn đạo. Ảnh: AP

Phòng không Syria được triển khai đối phó một đợt không kích của Israel ngày 17-9 và một tên lửa S-200 của phòng không Syria đã bắn trúng một máy bay trinh sát Il-20 của Nga làm 15 quân nhân Nga thiệt mạng. Nga cho rằng nguyên nhân do máy bay chiến đấu F-16 của Israel cài bẫy chiếc Il-20. Giữa bối cảnh ấy, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đầu tuần này tuyên bố sẽ đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không S-300 đến Syria và sẽ hoàn tất trong hai tuần tới.

Chuyên gia Kevork Almassian, nhà sáng lập trang tin Syriana Analysis (Syria) với Sputnik về lý do tại sao Nga quyết định chuyển S-300 cho Syria vào lúc này và tác động của việc này lên Israel.

Thời điểm không thể thích hợp hơn

Trước tiên, về vụ Il-20 bị bắn rơi, theo ông Almassian, Israel ban đầu thông báo với Nga sẽ không kích các vị trí của Iran ở tỉnh Latakia nhưng thực tế lại đánh bom một trung tâm nghiên cứu Syria. Các máy bay Israel trong khi thực hiện vụ không kích đã bay vào không phận Syria, lợi dụng chiếc Il-20 đang trong một chiến dịch trinh sát ở tỉnh Idlib như một lá chắn bảo vệ mình trước hệ thống tên lửa đời cũ S-200 Nga bán cho Syria trước đây.

Nga ngưng chuyển giao S-300 cho Syria từ năm 2013 vì vấp phải sự phản đối của Israel. Theo ông Almassian, không chỉ vì sự phản đối của Israel mà còn vì thời điểm đó chiến tranh Syria rất hỗn loạn. Phe nổi dậy thắng thế, chiếm các vị trí của quân đội Syria, hủy hoại hoặc chiếm các hệ thống phòng không.

Đó cũng là lý do Nga đã không chuyển giao S-300, theo ông Almassian, vì “thử tưởng tượng các hệ thống S-300 rơi vào tay những kẻ khủ‌ng b‌ố”. Nga đã kiên nhẫn đợi tình hình Syria ổn định hơn và hiện tại khi quân chính phủ Syria thắng thế là thời điểm thuận lợi. Phần mình Syria hứng thú với S-300 từ thập niên 1980 nhưng vì áp lực ngoại giao mà Syria chỉ mới được nhận các hệ thống S-200.

Ngăn Israel và phương Tây không kích Syria

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, “S-300 có thể ngăn chặn các mối đe dọa trên không ở tầm xa trên 250 km và có thể bắn cùng lúc đồng thời nhiều mục tiêu trên không”. Thời gian phản ứng kể từ khi phát hiện mục tiêu ở S-300 chỉ vài phút, nhanh hơn nhiều các hệ thống hiện tại Syria đang sử dụng. S-300 cũng có khả năng bắn chặn các tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu tốt hơn các hệ thống phòng không hiện nay của Syria.

Theo chuyên gia Almassian, việc Nga chuyển giao S-300 cho Syria “sẽ có ảnh hưởng lớn” đến Israel. Vì Israel sẽ không còn có thể không kích Syria từ các địa điểm gần Syria như Lebanon, nơi hiện các máy bay Israel vẫn có thể an toàn so với tầm bắn hạn chế của phòng không Syria hiện tại. Almassian phân tích: “Nếu các hệ thống S-300 được lắp đặt ở Latakia, mọi thứ sẽ khó khăn hơn cho Israel, vì một khi muốn không kích Syria, các máy bay Israel phải bay đến đảo Cyprus hay nơi nào khác cách Syria tối thiểu 200 km”.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn TRT World, một tướng quân đội Syria về hưu nhận định: “S-300 sẽ thay đổi tình thế, đặt dấu chấm hết cho khả năng không kích của Israel”.

Theo cựu sĩ quan này, một khi Syria có S-300, “Israel sẽ chỉ có thể thực hiện không kích vào ban đêm vì chỉ thế mới có khả năng tránh S-300. Bởi vào ban ngày, một khi các máy bay cất cánh từ sân bay Tel Aviv sẽ bị S-300 phát hiện ra ngay, không thể trốn được”.

Israel sẽ đối phó thế nào?

Trong khi đó, hãng tin Haaretz (Israel) cho biết các quan chức quốc phòng Israel đã không ít lần thảo luận khả năng Nga cung cấp S-300 cho Syria, lạc quan quân đội Israel có thể đối phó được.

Cũng theo Haaretz, chuyển giao S-300 chưa hẳn là điều tốt với chính phủ Syria hiện nay. Quân đội Syria sẽ phải cần tiền và phương tiện huấn luyện các chuyên gia kỹ thuật để sử dụng S-300. Hơn nữa, Israel từng cảnh cáo nếu Syria dùng S-300 bắn máy bay Israel, nước này sẽ phá hủy các hệ thống S-300 ở Syria. Hậu quả về kinh tế và quân sự của việc này Syria chịu chứ không phải Nga. Theo dự đoán của Almassian thì để đối phó với S-300 có thể tới đây quân đội Israel sẽ thay thế các máy bay F-16 cũ kỹ bằng các máy bay chiến đấu tinh vi hơn, nhiều khả năng hơn “chẳng hạn F-35”.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu một chiếc F-35 - tiêm kích tàng hình tối tân nhất của Mỹ vốn rất được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cao về khả năng tàng hình - bị bắn rơi vì S-300? Theo ông Almassian, nếu điều này xảy ra, chắc chắn sẽ có rất nhiều nước nghĩ tới việc mua S-300 vì tính hiệu quả của nó.

Mỹ lên tiếng cảnh báo Nga

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 24-9 cảnh cáo việc Nga chuyển giao S-300 cho Syria là “một sự leo thang”. Tuy nhiên, nói với Sputnik, chuyên gia Almassian cho rằng đây “không phải là leo thang, mà thực chất là giảm leo thang”. Theo ông, với các hệ thống S-300 - phối hợp với các hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến hơn S-400 mà lực lượng Nga đang sử dụng ở Syria sẽ giúp Syria không chỉ ngăn chặn được sự không kích của Israel mà cả của Mỹ, Anh, Pháp cũng như nhiều nước khác. Đây là điều mà hệ thống phòng không S-200 không làm được. S-200 là tên lửa đã bắn rơi chiếc máy bay trinh sát Il-20 của Nga.

Một tướng quân đội Syria về hưu nhận định: “S-300 sẽ thay đổi tình thế, đặt dấu chấm hết cho khả năng không kích của Israel”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật