Người giải mã những bí ẩn từ lòng đất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nửa thế kỷ gắn bó với ngành khảo cổ học, chủ trì và tham gia khai quật trên 300 mộ cổ trong và ngoài nước, nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật vừa được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam thông báo sẽ chính thức xác lập kỷ lục Việt Nam về người chủ trì và tham gia khai quật mộ cổ nhiều nhất vào tháng 12/2010. Thế nhưng, ông lại bảo rằng, đó chỉ là cái đến sau…
Người giải mã những bí ẩn từ lòng đất
Nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật.

Với ông và các nhà khảo cổ xưa nay, sức cuốn hút lớn nhất vẫn là những sự thật không nằm trong sử sách, lớp lớp trầm tích văn hóa vẫn đã, đang chất chứa sâu trong lòng đất của những cổ mộ, vết tích của cỏ cây, dinh thự, đền đài. Nếu may mắn "bắt đúng mạch" thông tin có thể phát hiện được nhiều điều lý thú, có ích cho công tác nghiên cứu khoa học thậm chí được vận dụng trực tiếp vào cuộc sống. Nhưng, để có được những phát hiện ấy luôn cần những cuộc hành trình nhiều tâm huyết, chất xám và kể cả việc đối mặt với những tình huống tưởng chừng đã "ngàn cân treo sợi tóc"…

Theo dấu người xưa

Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật kể rằng ông đến với ngành từ những câu chuyện và các đợt theo chân Giáo sư Nguyễn Văn Giáp khám phá "tàng thư về Việt Nam" trong thư viện ở Côn Minh, Trung Quốc. Ngày ấy, ông mới là người thanh niên miền Nam, tập kết ra Bắc, được Bác Hồ cho sang Trung Quốc học tập, chuẩn bị về phục vụ quê hương đất nước. Tiếp cận ngày càng nhiều với các thông tin tư liệu lưu trữ, Đỗ Đình Truật nhận ra có rất nhiều bí mật vốn thuộc dạng "thâm cung bí sử" của dân tộc Việt Nam, về những "hồn thiêng" vẫn đang gửi lại đất lạnh xứ người: Nguyễn Phi Khanh, Hồ Quý Ly, Nguyễn Thiện Thuật…

Trở về nước, ông là một trong những thành viên đội khảo cổ học đầu tiên của Bảo tàng Lịch sử tại Hà Nội. Sau đó là liên tục những chuyến đi dài triền miên hàng tháng trời qua nhiều vùng miền đất nước vừa giải phóng. Một ngày, đoàn khảo cổ lên đảo Quang Lạng, tỉnh Quảng Ninh, Đỗ Đình Truật lang thang ngoài bờ biển thì bắt gặp một viên gạch tàu cổ bị bể. Vừa phán đoán các khả năng, vừa lần mò theo các dấu vết để lại, sau 2 ngày, ông cũng tìm được những hàng gạch tàu cổ đã lộ thiên bởi nước biển xô vào. Nhân lực thiếu, đoàn phải thuê người đào.

Thì ra đây là một ngôi mộ cổ từ thời Đông Hán, chỉ có điều, mộ đã bị các tên trộm mộ "khua khoắng" trước đó nên không còn nguyên vẹn song dấu tích kiến trúc và đặc biệt là các hiện vật cổ còn khá nhiều. Kết quả, một ghe lường hiện vật, trong đó có tượng đồng dành cho mộ táng nặng đến 2 người khiêng được chở về bảo tàng…

"Thắng lợi" đầu tiên này cũng mở ra một loạt các cuộc khảo sát khác dọc bờ biển với nhiều phát hiện thú vị quanh thời điểm nhà Trần chống quân Nguyên Mông xâ‌m lượ‌c, đặc biệt là từ Thanh Hóa trở ra. Tuy nhiên, cuộc khai quật cổ mộ có tác động và "đeo" theo gần như suốt cuộc đời làm khảo cổ, nghiên cứu khoa học của nhà khảo cổ lão thành Đỗ Đình Truật là ngôi cổ mộ khai quật tại Chợ Hôm, Hà Nội. Đó là vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, ông và các đồng nghiệp được triệu tập gấp vì có một "thành trì" nằm chắn chình ình giữa công trường xây dựng. Nhìn sơ qua, các thành viên biết ngay là một ngôi mộ cổ nhưng điều khiến mọi người đều thắc mắc là không hiểu người xưa dùng vật liệu gì mà chắc đến nỗi búa tạ đập vào cũng chỉ sứt mẻ mảnh nhỏ. Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng ngôi mô cổå cũng được khai mở.

Các dấu tích cho thấy, đây là ngôi mộ của một vị quan nhà Lê. Tiếc rằng bia ký không còn, hiện vật còn sót chỉ là các đồ vật bằng gốm nên không xác định được danh tính rõ ràng. Kết quả thu về không như mong muốn song ngôi mộ cổ này hé mở ra một hướng đi mới cho nhà khảo cổ học trẻ tuổi: giải mã bí ẩn hợp chất mà người xưa dùng xây lăng mộ, sau này là đề tài về Mộ hợp chất Việt Nam.

Mộ hợp chất và thông điệp của tiền nhân từ lòng đất

Đất nước thống nhất. Ông Đỗ Đình Truật trở lại quê nhà nhận công tác tại viện Khoa học xã hội TP HCM. Hàng trăm ngôi mộ đã được ông tham gia khai quật. Mộ có danh tính, mộ vô danh cũng nhiều song những khúc mắc chưa có lời giải về hợp chất người xưa dùng xây mộ cổ vẫn là câu hỏi treo lơ lửng. Đem mẫu đi phân tích, kết quả thu về cho thấy hợp chất được tạo thành từ khá nhiều thành phần: than, vôi, mật ong, nước của cây dây tơ hồng… Tuy nhiên, hầu hết các lần pha chế thử đều thất bại.

Khi tất cả vẫn còn là bí ẩn thì vào năm 1994 - 1995, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật tiếp tục được "triệu" đến xóm Củi, quận 5, TP.HCM. hiện trường là một khu lăng mộ đã bị biến dạng bởi bàn tay con người. Xác định ngay đây là mộ hợp chất nhưng chỉ có điều, ngôi mộ này đặc biệt hoành tráng, lớn hơn cả mộ hợp chất của tầng lớp quan lại phía Bắc. Hơn chục con người "đánh vật" tại hiện trường, vật dùng toàn là búa tạ, đục sắt to như cổ tay mà gần như cứ 1 tuần lại thay. Sau gần 3 tháng, một âm thanh trầm đục hơn cũng vang lên. Một con gà sống được chuẩn bị sẵn lập tức được đưa đến quanh lỗ hổng nhỏ xíu vừa bị phá. Vài phút sau, khi gà vẫn lục cục khỏe mạnh, tất cả mới thở phào tiến lại gần.

 

Ông Đỗ Đình Truật bên các bình thí nghiệm bằng chất liệu tự pha chế theo thành phần người xưa dùng xây mộ hợp chất.

Quách vừa mở ra, không gian chỉ toàn một mùi hương nhẹ. Phía bên trong là một người phụ nữ trạc 60 tuổi, da dẻ đỏ sạm nhưng mịn màng, như đang ngủ say. Quanh xác ướp là những hợp chất đông cứng, thoảng mùi dầu thông. Người phụ nữ được mặc đến cả chục lớp áo lụa là, vòng vàng đeo đầy hai tay, nhiều vật dụng quý giá khác kèm đôi hài bằng vàng được sắp xếp trong quách. Lật giở từng lớp áo, các nhà khảo cổ bắt gặp một tấm pháp danh nhà Phật, ghi rõ tên xác ướp. Theo đó, người nằm trong quách lúc sinh thời là bà Nguyễn Thị Hiệu, cô của vua Gia Long.

Nhớ lại thời điểm khai quật mộ bà Nguyễn Thị Hiệu, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật chia sẻ rằng chỉ cần nhìn qua cách thức chôn đồ tùy táng và dấu hiệu trên các hiện vật sẽ thấy người được an táng được trọng vọng lúc sinh thời như thế nào. Đơn cử như vòng vàng trên tay bà Hiệu, rất nhiều vòng có dấu của Campuchia, được quốc gia láng giềng triều cống. Phải là người có vị trí nhất định như thế nào trong triều thì mới được dâng tặng những vật như thế. Nhưng sâu xa hơn, qua ngôi mộ được khai quật còn thấy được phần nào mức độ thịnh trị của triều Gia Long thời điểm ấy. Bởi, chỉ có thể làm chủ một đất nước giàu mạnh hơn, người trị vì mới được công hầu các nước triều cống.

Qua kinh nghiệm khai quật các mộ cổ cũng cho thấy điểm khác biệt. Đó là mộ hợp chất phía Nam đã không còn là "đặc quyền" của tầng lớp quan lại như ở phía Bắc mà khá nhiều chủ nhân mộ hợp chất được khai quật chỉ là người giàu có. Ngay quy mô của mộ hợp chất cũng nói lên nhiều điều. Đầu tiên là vật lực. Chắc chắn phải giàu có mới xây được mộ hợp chất nhưng mộ hợp chất phía Nam còn lớn hơn mộ hợp chất được phát hiện ở miền Bắc, miền Trung. Hơn thế, việc xây lăng mộ cũng như thành quách xưa nay luôn được các quốc gia coi trọng như một cách phô trương thanh thế. Đặt trong bối cảnh của những người đi khai hoang, mở cõi thời điểm ấy càng hợp lý. Có thể coi, việc xây lăng mộ cũng làm một cách để thị uy với người dân bản địa…

Đến lai lịch và giai thoại về những vật trấn yểm

Trở lại việc khai quật ngôi mộ của bà Nguyễn Thị Hiệu, cho đến nay, nhiều thông tin vẫn cho rằng đó là nguyên nhân dẫn đến tai nạn thập tử nhất sinh của ông Đỗ Đình Truật sau này. Theo ông Truật, sau khi công tác khai quật mộ hoàn thành, lãnh đạo quận 5 tiếp tục thông báo vẫn còn một ngôi mộ khác bên cạnh, yêu cầu tiếp tục khai quật thêm.

Chỉ có điều, khi nấm mồ mở ra, trong đó không có quan quách hay đồ tùy táng mà chỉ có vài chuỗi đồng xu đục lỗ, có xâu bằng các sợi tóc, được cho là của các thầy pháp dùng để trấn yểm. Người đụng vào mộ này sẽ bị tai họa. Điều trùng lặp là vài ngày sau, ông Truật bị ngã lộn từ trên lầu hai xuống, tưởng chừng không qua khỏi.

Vài năm sau, khi khai quật ngôi mộ được cho là của hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh tại quận Phú Nhuận, ông Truật cũng "xém mang họa". Khi lỗ hổng đầu tiên của quan quách vừa hé lộ, bị ảnh hưởng của khí độc, ông Truật lăn ra đất bất tỉnh. May có Giáo sư, bác sĩ Phan Bảo Khánh đang có mặt, cấp cứu kịp thời nên không việc gì. Chia sẻ về sự việc này, nhà khảo cổ lão thành Đỗ Đình Truật lý giải rằng: khi xưa, hoàng tử Cảnh bị cho là chết vì bệnh đậu mùa. Đây là bệnh nan y thời ấy nên khi chôn cất, chắc chắn phải sử dụng nhiều chất khử trùng, không kể có thể là chất độc. Quan quách nằm dưới lòng đất lâu năm, khi khai quật rất dễ có khí độc. Thông thường, nhà khảo cổ đều dùng gà, vịt để thử trước, an toàn mới tiến hành mở rộng thêm, nhưng vì lỗ hổng bật ra khá đột ngột, không kịp phản ứng nên mới gặp nạn.

Riêng về các lời nguyền, trấn yểm, ông Truật cho rằng, xưa nay, những người quyền thế thường không chỉ xây một mộ mà thường làm nhiều mộ, trong đó có mộ thật, mộ giả. Tất nhiên, những mộ giả thường trống không là điều tất yếu. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là đã làm nghề này thì không bao giờ được để lòng tham làm lu mờ lý trí. Thứ nhất là vì các hiện vật trong mộ cổ thường là tài sản quốc gia. Điều thứ hai nữa là vì quan niệm "có kiêng có lành". Xét cho cùng, nhà khảo cổ chỉ làm công tác khoa học, phục vụ đất nước, con người

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật