Thừa Thiên - Huế: Nổ mìn khai thác đá làm hàng loạt nhà dân rạn nứt

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hoạt động nổ mìn khai thác đá làm nguyên liệu ở mỏ đá vôi của nhà máy xi măng Đồng Lâm khiến hàng trăm hộ dân xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) bất an, đá bay tứ tung, nhà cửa rạn nứt và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Thừa Thiên - Huế: Nổ mìn khai thác đá làm hàng loạt nhà dân rạn nứt
Khu vực nổ mìn chỉ cách nhà dân khoảng 200 - 500m.

Hàng trăm hộ dân sống trong sợ hãi

Mỏ đá vôi ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy phép số 1708/GP-BTNMT ngày 31/8/2009 cho Cty CP Xi măng Đồng Lâm khai thác, với diện tích 90ha.

Thời gian khai thác trong thời hạn 30 năm, với trữ lượng khai thác trên 1 triệu tấn/năm. Hiện nay, Cty đang triển khai giai đoạn 1, với diện tích là 57ha.

Khoảng đầu năm 2013, mỏ đá vôi bắt đầu đi vào khai thác, hoạt động nổ mìn gây rung chuyển, đá bay tứ tung, nhà cửa nứt nẻ làm ảnh hưởng tới hàng trăm hộ dân ở thôn Xuân Lộc, Cổ Xuân (xã Quảng Lộc) và thôn Xuân Điền Lộc, Vinh Phú, Bình An (xã Phong Xuân) khiến người dân hết sức lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Nam ở thôn Xuân Điền Lộc cách mỏ đá vôi hơn 200m cho biết: Từ khi mỏ đá vôi của nhà máy xi măng Đồng Lâm triển khai nổ mìn, các vết nứt trong nhà bắt đầu xuất hiện. Khi có tiếng mìn nổ, mặt đất, cây cối rung chuyển dữ dội như bị động đất. Bụi đá, bụi đất lẫn lộn bao phủ khắp vùng.

Chỉ tay lên các góc tường xuất hiện nhiều vết nứt, ông Hoàng Phương ở thôn Cổ Xuân – Quảng Lộc lo lắng: Nhà xây mấy năm nay làm gì có vết nứt, mỗi lần nổ mìn rung chấn lớn tường cứ nứt rộng ra.

Hoạt động khai thác đá còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân do đất đá văng khắp mặt ruộng gây khó khăn cho việc canh tác. Hoa màu chết héo do khói thuốc nổ và cạn kiệt nước ngầm.

Ông Nguyễn Đình Trì ở thôn Xuân Lộc bức xúc: Cứ khoảng 11h bắt đầu nổ mìn thì nhà cửa, vật dụng rung lắc, chao đảo... bụi bay mù mịt. Hoạt động khai thác đá âm dưới lòng đất khiến khi nổ mìn gây chấn động lớn, nhiều nhà dân ở gần mỏ đều nứt tường, nứt sảnh dầm, nứt tại vị trí liên kết các góc tường, thấm nước hư hỏng sơn tường, sạt nứt các lớp vữa trát tường... ảnh hưởng nghiêm trọng khiến người dân ai cũng lo lắng.

“Cứ gần đến giờ nổ mìn cả nhà phải tìm cách đi lánh nạn, với tình trạng này còn tiếp diễn, ở làng này chẳng ai dám ở. Cuộc sống của người dân ở Phong Xuân sau giải phóng đến nay đều bình yên, từ ngày nhà máy xi măng cho nổ mìn khiến cuộc sống của người dân đảo lộn”, ông Trì thêm.


Hàng loạt nhà dân bị rạn nứt, hư hỏng.

Hoạt động nổ mìn khai thác đá không chỉ gây nứt nhà, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân mà còn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Xuân Điền Lộc cho biết: Nhà có 3 sào ruộng ở đồng Mõm Lang cách mỏ đá vài trăm mét đã bỏ hoang nhiều năm nay. Cận đó, hộ ông Đoàn Vĩnh Trúc, ở cùng thôn có 2 sào ruộng gần khu vực mỏ đá cũng bỏ hoang. Ở cánh đồng Mõm Lang, thôn Xuân Điền Lộc có gần 1ha ruộng của gần 10 hộ dân phải bỏ hoang nhiều năm này khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Dân muốn di dời đến nơi an toàn

Ông Trần Văn Cân - Chủ tịch UBND xã Phong Xuân cho biết: Nhiều lần tiếp xúc cử tri đại biểu quốc hội tỉnh, người dân đã phản ánh. Năm 2017, các sở, ban, ngành đã về kiểm tra, sau đó cho rằng nằm trong mức độ cho phép.

Trước kiến nghị, bức xúc của người dân, UBND xã đã phối hợp với Cty CP Xi măng Đồng Lâm tổ chức khảo sát các nhà bị rạn nứt, hư hỏng cách mỏ đá khoảng cách từ 150 - 500m.

Trong đó có 127 nhà dân, nhà thờ dòng họ, nhà văn hóa thôn trên địa bàn xã bị nứt nẻ, hư hỏng và 24 hộ dân ở gần tuyến đường băng tải, trạm đập đá của nhà máy xi măng Đồng Lâm. Ngoài ra, có hàng chục hộ dân thôn Xuân Điền Lộc có đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, với diện tích hơn 11ha.

Khi khảo sát xong, Cty CP Xi măng Đồng Lâm đã phối hợp với UBND xã Phong Xuân tổ chức hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân, mỗi hộ cao nhất cũng khoảng 16 triệu đồng, hộ thấp cũng vào triệu. Những hộ nào tự sửa chữa Cty sẽ hỗ trợ tiền, hộ nào không tự sửa chữa, Cty sẽ đứng ra sửa chữa các hạng mục hư hỏng cho các hộ dân có nhu cầu.

Tuy nhiên đến nay vẫn còn 4 hộ chưa đồng ý với mức hỗ trợ và phương án sửa chữa. UBND xã cũng đã có văn bản kiến nghị UBND huyện xin di dời 127 nhà dân, nhà thờ dòng họ, nhà văn hóa thôn nằm cách mỏ đá từ 150 – 500m và 24 hộ dân gần tuyến đường băng tải nhà máy xi măng Đồng Lâm.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: Việc khắc phục sửa chữa nhà nứt, hư hỏng chỉ là phương án tạm thời. Lâu dài phải di dời các hộ dân nằm trong phạm vị 500m ra khỏi khu vực mỏ đá để người dân ổn định cuộc sống, doanh nghiệp hoạt động không gây ảnh hưởng đến người dân.

Tới đây, UBND huyện sẽ mời các sở, ngành kiểm tra mức độ ảnh hưởng của các hộ dân, công trình trong phạm vi cách mỏ đá 500m, sau đó tính toán phương án để trình UBND tỉnh xin chủ trường và làm việc với Cty CP Xi măng Đồng Lâm về phương án di dời. Dự kiến phương án đầu tư hạ tầng, khu tái định cư để di dời hơn 150 hộ dân, với kinh phí hơn 200 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật