Phú Quốc “thời trở mình”

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Thời trở mình”, đảo Phú Quốc không chỉ nổi tiếng với nước mắm, hồ tiêu, ngọc trai, chó xoáy... mà đang vươn lên thành một trung tâm du lịch- vui chơi- nghỉ dưỡng của quốc gia và khu vực. Hàng loạt công trình với nguồn vốn đầu tư nhiều tỷ đồng đang được đổ vào. Nhưng thời trở mình, Phú Quốc cũng đang chứa đựng nhiều nỗi trăn trở về dân sinh.
Phú Quốc “thời trở mình”
Ảnh minh họa

“Chiếc áo mới” cho đảo ngọc
Tàu Superdong III từ Rạch Giá đi Phú Quốc trên hải trình dài 120km mất 2,5 giờ. Trên tàu, trong số hàng trăm hành khách có đến khoảng 20% là du khách nước ngoài. Nhiều người  trong số họ đã hơn một lần đến với hòn đảo được mệnh danh là “đảo ngọc” này. Susan Croije, 36 tuổi, du khách người Pháp nói rằng đây là lần thứ hai chị đến Phú Quốc. Điều làm chị và nhiều bạn bè nước ngoài  thích thú khi đến Phú Quốc là vẻ đẹp hoang sơ của đảo, sự êm đềm của những bãi biển cát trắng mịn và con người rất thân thiện. “Tôi thích đi trong những vườn hồ tiêu xanh mướt, tham quan cơ sở làm ngọc trai, nuôi chó xoáy, trò chuyện với người dân địa phương và chiều đến thả mình trên ghế bố ở bãi biển để tận hưởng mùi của gió và biển”- Susan Croije tâm sự. Sức hút của Phú Quốc với du khách trong và ngoài nước ngày càng tăng.

Tàu cao tốc cập bến ở Bãi Vòng đã thấy nhiều người đến mời gọi đi xe ôm, đi du lịch theo tour tự thiết kế. Bất kỳ anh xe ôm nào cũng có thể chỉ đường, hướng dẫn cho bạn những chỗ ăn uống từ bình dân đến cao cấp. Có lẽ Phú Quốc là một trong ít nơi mà người thuê xe dù lạ hoắc vẫn không cần thế chấp giấy tờ tùy thân. “Anh cứ đi thăm thú, khám phá đi, khi nào xong thì điện cho tôi đến lấy xe và thanh toán. Ở đảo này đâu dễ gì đưa xe vào đất liền mà sợ”. Phan Quốc Bình - một  xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư ở thị trấn Dương Đông- vừa nói vừa chìa cho chúng tôi tấm danh thiếp để tiện liên hệ. Nhiều tài xế xe ôm còn nhiệt tình chở bạn đi vòng vòng thị trấn Dương Đông để tìm nhà trọ, khách sạn vừa ý và chỉ lấy phí đúng 5.000 đồng.
Nhiều con suối đã cạn nước
dịch vụ, du lịch phát triển mạnh những năm gần đây giúp Phú Quốc tạo nên một sức hút nguồn nhân lực từ nhiều nơi khác đến. Đông đảo nhất vẫn là những người từ các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
“Chiếc áo cũ” giờ đã chật, không còn phù hợp với “đảo ngọc” trong thời kỳ hội nhập. Nhà nước và tỉnh Kiên Giang đang giúp huyện đảo Phú Quốc khoác lên mình “chiếc áo mới”. Theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, Phú Quốc có 2.300 ha đất xây dựng đô thị, 100 ha đất công nghiệp, 3.800 ha đất phát triển du lịch, 1.020 ha đất dành cho vui chơi giải trí – thể dục thể thao, 600 ha đất xây dựng dân cư nông thôn. Những ngày này, từ bến tàu cao tốc ở Bãi Vòng hay từ sân bay Phú Quốc đi vào thị trấn Dương Đông, theo tuyến đường trục Bắc –Nam hay đi vòng quanh đảo sẽ thấy nơi đây mang khung cảnh của một đại công trường xây dựng. Cảnh yên tĩnh, vắng lặng của  5-7 năm trước đã bị đánh thức. Hoành tráng nhất là công trình xây dựng Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc. Gắn kết với Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc là hệ thống các cảng biển, cụm công nghiệp dịch vụ đã và đang được xây dựng như An Thới, Vịnh Đầm; hệ thống đường giao thông vòng quanh đảo gần 100km (tổng vốn đầu tư hơn 2.650 tỉ đồng), đường trục chính Bắc đảo-  Nam đảo từ thị trấn Dương Đông đi Bãi Thơm và cảng An Thới dài gần 50km...
Khung cảnh núi rừng yên tĩnh đang lùi dần, thay vào đó là tiếng động cơ máy ủi đất, đào đất, xe lu, xe tải... Nhiều vùng rừng núi âm u như bừng tỉnh. Hòa với nhịp độ xây dựng khẩn trương đó,  các cơ sở dịch vụ du lịch, vận tải, nhà nghỉ, phòng trọ đua nhau mọc lên. Nhiều nhà đầu tư đã đua nhau đến Phú Quốc “xí phần” để đón đầu cơ hội kinh doanh.
Phía sau sự hào nhoáng
Trong cái sôi động của thời trở mình tăng tốc phát triển, Phú Quốc cũng đang ẩn chứa trong mình nhiều nỗi trăn trở về dân sinh, môi trường.
Chiều tối.  Trong một quán ăn ven đường Nguyễn Trung Trực ở thị trấn Dương Đông, chúng tôi mời cả Lê Quang, 48 tuổi- “tài xế” xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, ngồi nhâm nhi món ghẹ luộc tươi vừa mua từ xã ven viển Hàm Ninh (cách trung tâm huyện 14km). Khi tôi bảo giá 100.000 đồng/kg ghẹ là rẻ thì Quang bảo rằng tôi đã mua lầm. “Giá đúng chỉ 70.000 đồng/kg nhưng vì bạn là khách du lịch ở xa đến nên phải trả thêm 30.000 đồng/kg”. Quang kể, anh không phải là dân đảo chính hiệu mà là dân từ Cần Thơ ra đây cưới vợ và lập nghiệp đã 19 năm. Trong suốt thời gian đó, anh đã trải qua nhiều nghề để mưu sinh như phụ hồ, hái tiêu, đi tàu, bốc vác và nay đang trụ lại với nghề chạy xe ôm kiêm hướng dẫn viên du lịch. Một mình Quang phải nuôi vợ và hai con nhỏ nên mỗi tháng chắt chiu lắm cũng chỉ dư được chừng 1 triệu  đồng. Quang bộc bạch: “Tháng nào đám tiệc nhiều hay vợ đau, con bệnh, xe hư thì coi như huề”.
Câu chuyện của Quang làm tôi nhớ lại buổi trò chuyện với một nhóm thợ bốc vác ở bến tàu thị trấn Dương Đông. Nhiều người trong số họ là dân tứ xứ đến Phú Quốc. Những dãy nhà trọ bình dân trong khu phố 4, khu phố 8  đường Nguyễn Trung Trực là nơi họ trở về mỗi buổi chiều sau một ngày lao động vất vả. Tư Trung, một công nhân bốc vác, quê Đồng Tháp, ra Phú Quốc đã 5 năm nói rằng anh và nhiều người khác không sợ thiếu việc làm ở đảo vì vùng đất này đang trong thời kỳ nở rộ nhiều dịch vụ ăn theo ngành du lịch, hải sản, xây dựng... “Nhưng dân lao động chân tay như tụi tui thì không dễ gì có dư dù ngày nào cũng kiếm ra tiền với mức 80.000-100.000 đồng/người, tùy công việc”. Giá cả đắt đỏ là một nguyên cớ làm nhiều người lao động khó thoát nghèo. Giá một phòng trọ 10-12m2 ở khu phố 4, khu phố 8  đường Nguyễn Trung Trực, thị trấn Dương Đông hiện ở mức 500.000 -700.000 đồng/tháng, chưa kể điện nước.  Riêng giá điện sinh hoạt lên đến gần 6.000 đồng/KWh. Tính cả tiền ăn, ở, xăng xe đi lại, các dịch vụ sinh hoạt thiết yếu khác thì với mức thu nhập khoảng 2,4- 3 triệu đồng/ lao động/ tháng xem như chỉ vừa đủ, khó dành dụm, tích lũy.
Khung cảnh núi rừng yên tĩnh được thay thế bằng những đại công trường
Với người lao động giá cả đắt đỏ đã ngán nhưng ngán ngẩm nhất có lẽ là việc cúp điện dù giá điện kinh doanh hiện đã trên 5.000 đồng/KWh. Trong khi chờ công trình điện cáp ngầm Hà Tiên- Phú Quốc, nhà máy nhiệt điện Phú Quốc khởi công, nhiều người dân, doanh nghiệp, cơ quan đã và đang thường xuyên sống chung với cảnh bỗng dưng... cúp điện.
Chúng tôi thuê xe chạy vòng quanh thị trấn rồi thả xuống Bãi Sao cách Dương Đông 25km. Nhiều con suối trên đảo đã dần kiệt nước vì các khu rừng đang bị chặt phá để nhường chỗ cho các công trình xây dựng. Ở khu du lịch Suối Tranh (ấp Suối Mây, xã Dương Tơ), nhiều du khách lắc đầu ngao ngán sau khi hụt hơi leo lên 300m theo triền núi cao chỉ để thấy một dòng suối nhỏ đang cạn kiệt chứ không đẹp như tranh giống như tên gọi của nó.  Người bán vé ở khu du lịch này cho biết, mấy năm gần đây suối ngày càng ít nước dần nhiều con suối gần như khô cạn. Rời Suối Tranh, chúng tôi tiến về Bãi Sao ở Nam Đảo. Nhà cửa ở đây còn thưa thớt, nhiều cư dân còn nghèo, dọc đường thiếu vắng những dịch vụ thiết yếu như sửa xe, quán ăn, bưu chính viễn thông...
Đằng sau những công trình, đằng sau sự hào nhoáng của Phú Quốc thời trở mình, quả thật vẫn còn nhiều nỗi trăn trở...
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật