Khám phá cánh đồng Chum Xiêng Khoảng

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong vô số điều bí ẩn trên đất nước Lào, bí ẩn lớn nhất có lẽ là cánh đồng với hàng ngàn chiếc chum đá có tuổi đời hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm tuổi mà cho đến tận ngày nay, người ta vẫn chưa xác định chính xác nó ra đời như thế nào và mục đích thực sự của nó ra sao?
Khám phá cánh đồng Chum Xiêng Khoảng
Ảnh minh họa

Nằm cách tỉnh lỵ Phôn Xô Vanh của tỉnh Xiêng Khoảng khoảng 10km, cách cố đô Luông Phra Băng huyền thoại trên dưới 300km, cánh đồng Chum (theo cách gọi của người Việt) có diện tích hàng chục km2, nằm trải dài trên một triền núi thuộc điểm cuối cùng của dải Trường Sơn hùng vĩ. Do ảnh hưởng của chiến tranh nên rẻo đất vùng cao tọa lạc của cánh đồng Chum ngày nay vẫn được xem là vùng đất nguy hiểm bởi một lượng lớn bom, mìn còn sót lại và đó là lý do mà cho đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu toàn diện, cũng như thống kê chính xác có bao nhiêu chiếc chum đá thực sự tồn tại trên cánh đồng này. Tuy nhiên, với những gì đã được phát lộ, các nhà khoa học ước tính có đến hàng ngàn chiếc chum với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, có niên đại hoàn toàn không đồng nhất.

Qua khảo sát kỹ thuật lý tính tại hiện trường, các nhà khoa học cho biết, những chiếc chum đầu tiên ra đời cách đây trên dưới 2.500 năm, thời điểm mà những công cụ bằng sắt sơ khai bắt đầu xuất hiện ở khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, những chiếc ra đời muộn nhất được phát hiện có niên đại cách đây ít nhất cũng 800 năm. Thế nhưng, những người làm ra những chiếc chum này là tộc người nào và vì sao cách đây hơn 800 năm, họ không còn tạo ra bất kỳ một chiếc chum nào khác?... Và rồi, họ lấy đá từ đâu để tạo ra những chiếc chum có độ tinh xảo như thế? Đến nay những câu hỏi trên vẫn còn là một bí ẩn thách thức sự tìm hiểu và nghiên cứu của giới khoa học.

Trong quá trình điền dã ở khu vực bình nguyên Xiêng Khoảng, một nhà nghiên cứu người Pháp tình cờ phát hiện ra một số hiện vật liên quan đến con người nằm rải rác trong khu vực có sự hiện diện của những chiếc chum, đặc biệt, trong đó có một số đoạn xương người có dấu hiệu bị đốt cháy. Trước những phát hiện này, các nhà khoa học khảo cổ đã ngày đêm cất công nghiên cứu, thu thập mẫu vật và để rồi, vào những năm 30 của thế kỷ 20, một báo cáo tương đối hoàn chỉnh về vai trò, công dụng của những chiếc chum này được công bố trên tạp chí Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. Theo đó, những chiếc chum này được tạo ra nhằm mục đích an táng hoặc hỏa táng cho người đã người chết và cánh đồng chum chính là nghĩa địa.

Từ đây, câu chuyện về quá trình hình thành cánh đồng chum cũng như hình thức an táng bằng chum dần được phát lộ. Quan sát từ trên cao cho thấy, cánh đồng chum được phân bố theo từng cụm, mỗi cụm có số lượng chum giao động từ vài chiếc cho đến hàng chục chiếc với kích thước khác nhau. Chum nhỏ nhất có đường kính vài chục cm, chiếc lớn nhất có đường kính lên đến hơn 1 mét. Chiếc nặng nhất có trọng lượng lên đến 13 tấn và tất cả đều được tạo tác bằng đá granit hoặc đá thạch anh. Một số chum được người xưa chạm khắc một số hoa văn như là hình thức tưởng nhớ hoặc đánh dấu vai trò của người chết khi còn tại thế, một số khác có nắp đậy hoặc có dấu chỉ cho thấy nó đã từng có nắp đậy. Tuy nhiên, trước sức ép của thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, nhiều chum, nắp và hoa văn họa tiết đã bị phá hủy một phần hoặc toàn phần. Từ những quan sát này, các nhà khoa học cho rằng, mỗi một cụm chum chính là khu lăng mộ dành cho một dòng tộc và tùy theo vai trò của dòng tộc đó trong cộng đồng mà số lượng chum lớn hay nhỏ, nhiều hay ít.

Có hai lý do để các nhà khoa học cho rằng, cánh đồng chum chính là khu mộ táng của người Lào cổ. Lý do thứ nhất xuất phát từ việc ngày càng có nhiều phát hiện về sự tồn tại của xương người cũng như những vật dụng liên quan đến đời sống con người ở trong lẫn ở ngoài những chiếc chum đá. Lý do thứ hai xuất phát từ nghiên cứu về các hình thức an táng của cư dân khu vực Đông Nam Á và đặc biệt là những cư dân ven biển. Trên thực tế, rất nhiều khảo cổ cho thấy không ít tộc người sống ven biển chọn hình thức an táng trong chum, vại hoặc những vật dụng có hình dáng tương tự. Các di khảo này được này được tìm thấy khắp khu vực Đông Nam Á, từ Philippines cho đến Indonesia. Ở Việt Nam, hình thức an táng này được tìm thấy ở một số di chỉ khảo cổ như di chỉ Đông Sơn (Thanh Hóa), di chỉ Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), hay mới đây nhất là việc phát hiện hàng loạt chum ở khu vực Cần Giờ, ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh.

Đến đây, nhiều người đặt ra câu hỏi, liệu có mối liên hệ nào giữa tục an táng người chết trong chum của cư dân ven biển với hàng ngàn chiếc chum huyền bí nằm cách bờ biển hàng trăm cây số? Từ những luận cứ ban đầu của nhà khoa học người Pháp kể trên, người đã dành gần trọn cuộc đời của mình cho nền văn hóa cổ đại Đông Nam Á và Việt Nam, các nhà khoa học thế hệ sau tin rằng từ thời kỳ đồ đồng, trong một khu vực rộng lớn kéo dài từ bờ biển Sa Kỳ thuộc tỉnh Quảng Ngãi của Việt Nam ngày nay, cho đến vùng rừng núi as‌sam ở phía Bắc Ấn Độ tồn tại một đường dây văn hóa và kinh tế có liên hệ mật thiết với nhau. Thông qua mối quan hệ này, những sản vật miền biển mà đặc biệt là muối ở vùng biển Sa Huỳnh được vận chuyển lên khu vực Đông Bắc Ấn Độ để trao đổi với các loại đặc sản đặc trưng của vùng đất này. Xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển, con đường giao thương vạn lý đó đã gắn liền với một hoặc nhiều cộng đồng người Lào ở bản Ang, tức khu vực cánh đồng Chum ngày nay. Trong số những tiểu tiết văn hóa mà cộng đồng các dân tộc ở đây tiếp nhận, có tục an táng người chết trong Chum mà những người ở Sa Huỳnh đã mang theo.

Tuy nhiên, so với tục an táng người chết của người ở Sa Huỳnh hay những vùng khác, người Lào cổ ở bản Ang không táng trong chum bằng đất nung hoặc những vật liệu tương tự mà táng bằng chum đá, điều này có lẽ xuất phát từ điều kiện tự nhiên hoặc phong tục tôn trọng những viên đá tồn tại ngàn đời nay trong tín ngưỡng của người Lào.

Người ta đã phát hiện một động đá nằm cạnh cánh đồng chum, đây là nơi đánh dấu cho sự tồn tại tín ngưỡng này. Nhiều giả thuyết cho rằng, đây là chiếc lò thiêu của người Lào cổ. Xác người chết sẽ được mang vào đây hỏa táng, sau khi hỏa táng xong, một phần tro cốt của người chết sẽ được mang bỏ vào những chiếc chum ngoài cánh đồng. Một giả thuyết khác lại cho rằng, hang động này chính là một công xưởng đúc nên những chiếc chum. Nguyên liệu để đúc nên những chiếc chum đó là da động vật, đá và một số phụ gia khác. Tuy nhiên, giả thuyết này đã bị bác bỏ bằng những phân tích lý-hóa học, kết quả các phân tích này cho thấy những chiếc chum được tạo tác hoàn toàn từ đá granit hoặc đá sa thạch nguyên khối.

Mặc cho những giả thuyết về vai trò thực sự của hang động này, thực tế cho thấy, nơi đây, từ ngàn đời qua, người dân Lào dùng làm nơi thờ tự những viên đá. Và phải chăng, chính điều này đã lý giải lý do người Lào cổ sử dụng chum đá để an táng người chết chứ không phải bất kỳ vật liệu nào khác.

Trở lại với giả định về một dây văn hóa xuyên suốt từ bờ biển Sa Huỳnh tới vùng rừng núi as‌sam Đông Bắc Ấn Độ, những người tin vào giả thuyết này cho rằng, nếu tiếp tục nghiên cứu theo những đường dây này, chắc chắn chúng ta sẽ phát hiện ra những cánh đồng Chum tương tự.

Trải qua hàng ngàn năm tồn tại, bức màn bí mật về sự ra đời, công dụng của những chiếc chum bí ẩn có lúc mở ra, có lúc đóng lại như một lời thách thức đối với nhân loại nói chung và giới khoa học nói riêng. Và có lẽ, chính sự mập mờ huyền ảo ấy mà bao đời nay, cánh đồng Chum cùng với những công trình kỳ vĩ khác trên đất nước Triệu Voi luôn là tâm điểm, là đề tài nghiên cứu để những người yêu thích khám phá sự bí ẩn đến từ một trong những nền văn hóa đa sắc, kỳ vĩ và bí ẩn vào loại bậc nhất trên thế giới.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật