Cảnh báo nhiều sân bay có thể ngập vì siêu bão

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau trận siêu bão đổ bộ vào Nhật Bản hồi cuối tháng 8, sân bay quốc tế Kansai, một trong những cảng hàng không bận rộn của “xứ sở hoa anh đào” chìm trong biển nước. Từ thảm họa này, các chuyên gia cảnh báo, còn hàng chục sân bay khác trên thế giới đang ở những vùng đất thấp có thể đối mặt với tình cảnh tương tự trong tương lai...
Cảnh báo nhiều sân bay có thể ngập vì siêu bão
Sân bay Kansai phục vụ 3 tỉnh Osaka, Kyoto và Kobe bị ngập vì siêu bão Jebi đổ bộ ngày 4/9

25 sân bay bận rộn nhất thế giới nguy cơ ngập lụt vì bão

Theo phân tích dữ liệu từ Hội đồng Quốc tế về Sân bay và tổ chức OpenFlights, 1/4 trong số 100 sân bay bận rộn nhất thế giới thấp hơn mực nước biển ít nhất 10m. Ngoài ra, 20 sân bay là các trung tâm hàng không lớn ở Thượng Hải, Rome, San Francisco và New York - ở dưới mực nước biển khoảng 5m.

Những vùng đất thấp nằm cạnh biển lâu nay được coi là những địa điểm lý tưởng để xây dựng đường băng, sân ga mới vì ít chướng ngại vật cản trở máy bay trong quá trình cất/hạ cánh đồng thời ít chịu khiếu nại về tiếng ồn. Nhưng khu vực này lại tiềm ẩn rủi ro cao khi xảy ra lũ lụt hoặc gió to.

Như vậy, tình trạng thời tiết cực đoan và mức nước biển đang tăng dần lên sẽ đặt ra mối đe dọa khẩn cấp đối với nhiều sân bay bận rộn nhất thế giới vốn được thiết kế và xây dựng mà chưa tính đến tình trạng trái đất đang nóng lên.

Trước khi xảy ra thảm cảnh tại Kansai (Nhật Bản), đã có nhiều sân bay trên thế giới bị ngập lụt vì bão. Chẳng hạn, Mỹ chứng kiến toàn bộ 3 sân bay phục vụ cho TP New York bị ngập trong biển nước làm gián đoạn đi lại nhiều ngày vì bão Sandy năm 2012.

Cơn bão mang tên Goni năm 2015 cũng làm rất nhiều đường băng tại sân bay quốc tế Hongqiao, ngoại ô Thượng Hải tạm ngừng hoạt động, buộc hành khách và các thành viên phi hành đoàn phải bắc ván lên bàn, ghế để di chuyển tới nơi khô ráo.

Một ví dụ khác là cơn bão tồi tệ nhất trong lịch sử gần 1 thập kỷ tại Kerala, Ấn Độ, cướp đi sinh mạng của hơn 400 người vào tháng trước cũng buộc sân bay Cochin, một trung tâm vận tải trong khu vực phải đóng cửa trong 2 tuần.

Các sân bay có thể làm gì?

Ông Michael Rossell, Phó Tổng giám đốc tại Hội đồng Quốc tế về Sân bay, một tổ chức đại diện cho các sân bay trên khắp thế giới nhận định: “Chúng tôi biết biến đổi khí hậu sẽ tác động lên ngành Hàng không, thậm chí còn dự tính những ảnh hưởng này vô cùng nghiêm trọng. Nhận diện vấn đề là bước đầu tiên, ước tính mức độ nghiêm trọng là bước thứ hai. Bước thứ ba là xem xét chúng ta có thể làm gì để giải quyết?”.

Hiện tại, rất nhiều sân bay bắt đầu tăng cường khả năng đối phó trước các thảm họa thiên nhiên. Chẳng hạn, sân bay St. Paul Downtown tại Minnesota, Hoa Kỳ, nơi thường xuyên chịu cảnh ngập lụt vì ngay cạnh sông Mississippi, hiện đã có một bức tường chống lũ di động, sẽ được dựng lên nếu nước sông dâng cao.

Sân bay La Guardia tại (New York) cũng được hỗ trợ từ quỹ liên bang với số tiền trị giá 28 triệu USD để xây tường chống lũ, làm hệ thống thoát nước và bơm nước cũng như nâng cấp trạm biến áp và máy phát điện khẩn cấp.

Ngoài tăng cường các biện pháp đối phó tức thì, ngành Hàng không thế giới cũng đang suy tính những giải pháp dài hạn, giải quyết gốc rễ vấn đề biến đổi khí hậu. Thực tế, ngành công nghiệp hàng không lại chính là một trong những tác nhân đáng kể gây ra tình trạng trái đất nóng lên.

Dù vận tải hàng không chiếm khoảng 3% lượng phát thải khí thải nhà kính trên toàn thế giới nhưng lại là một trong những nguồn phát thải có xu hướng tăng trưởng rất nhanh. Theo tình hình hiện nay, lượng phát thải từ hoạt động đi lại hàng không quốc tế sẽ tăng gấp 3 lần tính đến năm 2050 - Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế dự đoán.

Hiện tại, bản thân ngành Hàng không cũng nhận thấy những tác động của việc trái đất nóng lên đối với hoạt động của ngành. Chẳng hạn, nếu thời tiết quá nóng thì máy bay không thể cất cánh vì không khí nóng, loãng hơn sẽ làm máy bay khó nâng lên. Đồng thời, biến đổi khí hậu có thể làm tăng tình trạng nhiễu loạn không khí.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật