Doanh nghiệp Mỹ trong cuộc chiến thương mại

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang tăng nhiệt, hàng loạt các tổ chức thương mại lớn của Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng chính sách áp thuế.
Doanh nghiệp Mỹ trong cuộc chiến thương mại
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nguồn: Reuters.

2/3 công ty Mỹ tại Trung Quốc bị ảnh hưởng

Một nghiên cứu mới được Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc và Phòng Thương mại Mỹ ở thành phố Thượng Hải công bố chỉ ra rằng gần 2/3 trong tổng số 430 công ty Mỹ ở Trung Quốc nói rằng, hàng rào thuế mà ông Trump áp đặt đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá nhiều tỷ USD trong mùa Hè năm nay đã ảnh hưởng tới hoạt động của họ.

Gần một nửa trong số các công ty tham gia khảo sát - hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, thực phẩm và sản xuất - nói rằng chi phí sản xuất của họ đã đội lên cao, trong khi 42% nói rằng lượng cầu đối với các sản phẩm mà họ sản xuất bị suy giảm. Trong khi đó, chỉ 6% nói rằng họ sẽ cân nhắc về việc rời công xưởng từ Trung Quốc trở về Mỹ.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Trung Quốc - ông William Zarit, nói rằng giới lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc mong muốn ông Trump xem xét lại các đòn áp thuế mà ông đề xuất đối với lượng hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc, trong đó có nhiều mặt hàng tiêu dùng. Lệnh áp thuế này dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực trong mùa Thu năm nay.

“Chính quyền Mỹ đang lao vào một vòng xoáy những đòn công kích và đòn đáp trả, và không có ai hưởng lợi cả”- ông Zarit nói trong một tuyên bố.

Được biết có khoảng 64% công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc tham gia nghiên cứu của AmCham, được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 29/8 tới ngày 5/9, nói rằng lớp lệnh áp thuế đầu tiên mà chính quyền Trump áp với lượng hàng 50 tỷ USD của Trung Quốc năm nay đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của họ.

63% các công ty tham gia nghiên cứu nói rằng họ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các lệnh áp thuế đáp trả của Trung Quốc. Một nửa công ty tham gia nói rằng họ đã phải trải qua nhiều đợt kiểm tra, bị chậm trễ trong các thủ tục hải quan và gặp nhiều khó khăn khác trong vấn đề thủ tục.

Eric Zheng - Chủ tịch AmCham Thượng Hải, cho hay ông ủng hộ mục tiêu của chính quyền Mỹ trong việc thúc đẩy Bắc Kinh ngừng các hoạt động thương mại mà Tổng thống Trump cho là không công bằng. Nhà Trắng từng cáo buộc Trung Quốc đã ép các công ty Mỹ liên doanh cùng các công ty địa phương, sau đó đánh cắp tài sản trí tuệ của họ.

“Chúng tôi ủng hộ những nỗ lực của ông Trump trong việc khởi động lại mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung, giải quyết những bất đồng giữa hai bên”- ông Zheng nói trong một tuyên bố - “Nhưng chúng ta có thể làm được điều đó thông qua các biện pháp khác, thay vì áp thuế lẫn nhau”.

Động thái từ Trung Quốc

Tổng thống Trump hiện đang tìm cách giảm mức thặng dư thương mại khổng lồ với Trung Quốc. Nhưng Chính phủ Trung Quốc đến nay vẫn từ chối các yêu cầu của phía Nhà Trắng, đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả lại mọi đòn áp thuế của Mỹ.

Nếu Tổng thống Trump tiếp tục các đòn áp thuế của mình, chính quyền Bắc Kinh cho hay họ sẽ áp mức thuế 25% đối với 5.207 mặt hàng xuất khẩu của Mỹ. Danh sách này bao gồm các sản phẩm linh kiện trong công nghiệp, hó‌a chấ‌t và thuốc men... Giới chức Trung Quốc nói rằng danh sách sản phẩm trên đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng, thêm rằng Mỹ đã buộc Bắc Kinh phải có hành động mà cuối cùng chỉ gây tổn hại cho cả hai nước.

Trung Quốc cũng cảnh báo rằng họ có khả năng sẽ tung ra các biện pháp “định lượng”, điều mà các nhóm doanh nghiệp của Mỹ hiểu rằng họ sẽ phải chịu thêm gánh nặng về thủ tục, quy định, thị thực bị trì hoãn cùng nhiều vấn đề khác gây khó khăn cho hoạt động của họ trên lãnh thổ Trung Quốc.

Kết quả nghiên cứu của AmCham được công bố chỉ một ngày sau khi hơn 60 nhóm các ngành công nghiệp Mỹ thành lập một liên minh có tên “Người Mỹ ủng hộ Thương mại Tự do” (AFT), đặt mục tiêu ngăn chặn chính sách áp thuế của Nhà Trắng. AFT hiện đã bỏ ra nhiều triệu USD để thực hiện một chiến dịch vận động - với sự tham gia của hàng nghìn công ty, hộ nông dân, các công ty sản xuất - để tuyên truyền rằng cuộc chiến thương mại sẽ gây mất cơ hội việc làm ở Mỹ và nâng chi phí tiêu dùng đối với các hộ gia đình Mỹ.

Tính đến thời điểm này, vẫn chưa có một vòng đàm phán thương mại nào được lên kế hoạch tổ chức giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhưng ông Larry Kudlow - người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng, hôm thứ Tư vừa qua nói rằng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã gửi lời mời giới chức Trung Quốc nối lại các vòng đàm phán.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói trong một cuộc họp báo tổ chức hôm thứ Năm vừa qua rằng, Bắc Kinh đã nhận được bức thư mời của ông Mnuchin. Hai bên hiện đang làm việc để đưa ra chi tiết về khả năng tổ chức đàm phán thương mại. “Trung Quốc luôn cố tránh leo thang căng thẳng trong xung đột thương mại, bởi nó không mang lại lợi ích cho bên nào cả”- ông Cảnh Sảng nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật