Số người chết và mất tích do mưa lũ đã lên tới 20 người

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo báo cáo nhanh ngày 5/9 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến ngày 4/9, số người bị chết và mất tích do mưa lũ những ngày vừa qua đã lên tới 20 người. Đồng thời, mưa lũ tiếp tục gây nhiều thiệt hại về tài sản và sản xuất.
Số người chết và mất tích do mưa lũ đã lên tới 20 người
Ảnh minh họa

Cụ thể, người chết: 15 người, tăng 01 người tại Yên Bái (Lai Châu: 01 người, Sơn La: 01 người, Yên Bái: 02 người, Lạng Sơn: 01 người, Hòa Bình: 01 người, Thanh Hóa: 09 người); người mất tích: 05 người, tăng 01 người tại Yên Bái (Yên Bái: 01 người; Lai Châu: 01 người, Thanh Hóa: 03 người).

Về nhà ở, 382 nhà bị sập đổ, thiệt hại trên 70% (Điện Biên: 14 nhà, Sơn La: 44 nhà, Yên Bái: 03 nhà, Lào Cai: 01 nhà, Cao Bằng: 2 nhà, Lạng Sơn: 3 nhà, Thái Nguyên: 1 nhà, Phú Thọ: 3 nhà, Thanh Hóa: 283 nhà, Nghệ An: 26 nhà, Tuyên Quang: 02 nhà); 787 nhà phải di dời khẩn cấp (Sơn La: 616 nhà; Hòa Bình: 18 nhà; Yên Bái: 96 nhà; Lào Cai: 02 nhà; Phú Thọ: 09 nhà; Thanh Hóa: 15 nhà; Nghệ An: 31 nhà).

Về nông nghiệp, 5.209,32 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại (Điện Biên: 82 ha; Sơn La: 869 ha; Hòa Bình: 34 ha; Lào Cai: 112 ha; Yên Bái: 604,28 ha; Bắc Cạn: 44 ha; Thái Nguyên: 08 ha; Phú Thọ: 90 ha; Thanh Hóa: 2.915,04 ha; Tuyên Quang: 408 ha, Lai Châu: 43 ha); về chăn nuôi: 2.399 con gia súc, 102.418 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; về thủy sản: 1.010 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; về thủy lợi: 2.172 m đê bối, bờ bao, 620 m kè và 24.213 m kênh mương bị hư hỏng, thiệt hại; về giao thông: sạt lở 1.280.080 m3 đất đá.

Hiện tại các địa phương đang khẩn trương huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục hậu quả mưa lũ đặc biệt là thông tuyến tại các điểm sạt lở ảnh hưởng đến giao thông. Các tuyến Quốc lộ qua địa bàn các tỉnh Sơn La và tỉnh Thanh Hóa hiện còn một số vị trí bị ách tắc trên các tuyến QL279D, QL15C, QL16, QL217. Các tỉnh đã cử các đoàn xuống những khu vực bị ảnh hưởng để chỉ đạo các ban ngành tổ chức di dời tài sản, giúp đỡ người dân khắc phục sự cố ổn định cuộc sống cho người dân.

Về một số thiệt hại khác, theo báo cáo số 76/BC-VP ngày 04/9/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, ngày 03 và 04/9/2018 trên địa bàn xã Khánh Hưng, Khánh Bình Tây và thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời đã xảy ra 02 vụ lốc xoáy làm tốc mái 27 căn nhà, chìm 04 phương tiện khai thác thủy sản, ước tính tổng thiệt hại khoảng 175 triệu đồng.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo báo cáo số 103/BC-BCH của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đêm 02/9 - 03/9/2018 tại khu vực Mỹ Xuân, Phú Mỹ đã xảy ra mưa lớn kéo dài với lượng mưa 145,6mm; khoảng 12 giờ trưa ngày 03/9, Đập Suối Giao Kèo bị sạt, vỡ gây ngập lụt cho 02 hộ dân làm hư hỏng các đồ dùng trong nhà, một số gia cầm bị ngạt nước chết. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã Phú Mỹ đã có mặt để chỉ đạo đảm bảo an toàn về người và tài sản. Hiện UBND xã đang tiến hành khắc phục sự cố và thành lập đoàn thống kê chi tiết thiệt hại.

Về ảnh hưởng của lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo Báo cáo của Cục Trồng trọt, tình hình sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng của lũ tới sản xuất lúa Hè Thu, Thu Đông và Mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long tính đến ngày 04/9/2018 như sau: Vụ lúa Hè Thu 2018, diện tích gieo trồng là 1.601.188 ha; đã thu hoạch đến 04/9 là 1.160.974 ha, đạt 72,5%. Diện tích chưa thu hoạch là 440.214 ha hầu hết đều nằm trong vùng an toàn, ngoại trừ 197.709 ha nằm ngoài đê bao có nhiều khả năng bị ngập lũ thuộc 04 tỉnh: Long An, An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Về tình hình sản xuất lúa Thu Đông 2018, diện tích gieo trồng đến 3/9 là 478.915 ha, đạt 64,29% kế hoạch. Trong đó, diện tích có thể bị ảnh hưởng của lũ là 43.028 ha nằm ngoài đê bao có nhiều khả năng bị ngập lũ thuộc 04 tỉnh: Long An, An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Diện tích cây trồng bị thiệt hại do ảnh hưởng của lũ đến ngày 04/9: diện tích lúa bị thiệt hại là 3.812,7 ha gồm các tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Cà Mau.

Về tình hình lũ trên sông Bưởi, sông Thao: Lũ trên sông Thao tại Yên Bái đã đạt đỉnh ở mức 31,10m (trên báo động 2 là 0,1m) lúc 10h ngày 04/9 và đang xuống chậm, trên sông Bưởi (Thanh Hóa) đang xuống. Lúc 01 giờ ngày 05/9, mực nước trên sông Bưởi tại Kim Tân 8,58m (dưới báo động 1 là 1,42m), trên sông Thao tại Yên Bái 30,11m (trên báo động 1 là 0,11m). Dự báo, lũ trên sông Thao tại Yên Bái sẽ xuống nhanh, trên sông Bưởi tiếp tục xuống. Ngày 19h ngày 05/9, mực nước trên sông Thao tại Yên Bái có khả năng xuống mức 29,2 m (dưới mức báo động 1 là 0,80m). Cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt: cấp 1.

Về tình hình lũ lớn trên sông Cửu Long, mực nước sông Cửu Long đang biến đổi chậm. Mực nước cao nhất ngày 03/9/2018 tại Tân Châu là 4,03m (trên báo động 2 là 0,03), tại Châu Đốc 3,57m (là báo động 2 là 0,07m); mực nước lúc 7h00 ngày 5/9 trên sông Tiền tại trạm Tân Châu 3,97m, dưới báo động 2 là 0,03m; trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc 3,48m, dưới báo động 2 là 0,02m. Dự báo, trong 1-2 ngày tới, mực nước sông Cửu Long biến đổi chậm sau đó lên lại. Đến ngày 8/9, mực nước cao nhất tại Tân Châu lên mức 4,2m (trên báo động 2 là 0,2m); tại Châu Đốc lên mức 3,75m (trên báo động 2 là 0,25m).

Về tình hồ chứa, các hồ cắt lũ hệ thống sông Hồng, hồ Sơn La và Hòa Bình đang mở cửa xả đáy; tổ trực hồ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để tham mưu vận hành phù hợp. Các hồ Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng đang vận hành xả lũ theo quy trình. Trong 187 hồ cập nhật thông tin vận hành, hiện có 68 hồ xả điều tiết qua tràn, trong đó: Bắc Bộ: 40/75 hồ, Bắc Trung Bộ: 6/16 hồ, Tây Nguyên: 19/69 hồ, Đông Nam Bộ: 3/5 hồ.

Về tình hình hồ chứa thủy lợi, theo báo cáo ngày 4/9 của Tổng cục Thủy lợi, khu vực Bắc Bộ có 119/289 hồ chứa lớn và 1.140/2.696 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Khu vực Bắc Trung Bộ có 33/135 hồ chứa lớn và 1.185/1.785 hồ chứa nhỏ tích đầy nước. Ngày 30/8/2018 hồ Ban, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình (dung tích 0,53 triệu m3) đang thi công sửa chữa cống lấy nước do mưa lớn nước đã tràn qua gây xói mái đập (phần đất đắp chưa đủ cao trình) gây nguy cơ mất an toàn công trình. Hiện các cơ quan chức năng đã xử lý sự cố bằng cọc tre, bao tải đất, rọ đá và hạ thấp mực nước hồ tránh vỡ đập và tiếp tục theo dõi.

Để ứng phó với thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã có Công văn số 450/TWPCTT-VP ngày 04/9/2018 thông tin về công tác khắc phục hậu quả thiên tai gửi tới Đài Truyền hình Việt Nam để thông tin đến cấp chính quyền và người dân biết, chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả. Ngày 4/9 Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để bàn về công tác vận hành điều tiết liên hồ trên lưu vực sông Hồng.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, lưu lượng về hồ Sơn La, Hòa Bình và ngập lụt tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyển các bản tin tới Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để chủ động các biện pháp ứng phó. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia thường xuyên cung cấp các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình đã có Công điện khẩn số 20/CĐ-PCTT ngày 04/9/2018 về chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ hồ chứa gây ra. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang đã có Công văn số 81/PCTT ngày 04/9/2018 về triển khai Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đã có báo cáo về tình hình thiệt hại và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tính đến ngày 4/9.

Những công việc cần triển khai tiếp theo, đối với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018; Công điện số 45/TWPCTT ngày 27/8/2018 về ứng phó với lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân, học sinh, trẻ em khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ. Khẩn trương thu hoạch lúa hè thu và bảo đảm an toàn cho diện tích lúa Thu Đông.

Các tỉnh An Giang và Kiên Giang thực hiện các biện pháp ứng phó với việc vận hành xả lũ đập tràn Trà Sư, Tha La theo nội dung Công văn số 438/TWPCTT-VP ngày 29/8/2018 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam, viện Khoa học thuỷ lợi miền Nam, viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam phối hợp với Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Chi cục Phòng, chống thiên tai Miền Nam cung cấp các thông tin dữ liệu, xây dựng các bản đồ ứng phó với lũ; bố trí cán bộ giao ban hàng ngày tại Văn phòng Chi cục phòng, chống thiên tai miền Nam. Đảm bảo an toàn hệ thống đê bao, bờ bao và xử lý sự cố giờ đầu.

Đối với các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1127/CĐ-TTg ngày 31/8/2018 về việc phòng tránh và khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn chống lũ của hệ thống đê điều. Tiếp tục huy động lực lượng và phương tiện để khắc phục, thông tuyến các tuyến đường bị ách tắc, chia cắt do mưa lũ, sạt lở đất đặc biệt là các tỉnh Sơn La và Thanh Hóa. Các địa phương khu vực hạ du hồ Hòa Bình triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, đê điều, công trình thủy lợi và các hoạt động trên sông khi hồ xả lũ.

Đối với các hồ chứa khu vực Bắc Bộ, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, lũ, các bản tin dự báo, cảnh báo, tiến hành tính toán tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành liên hồ chứa theo quy trình. Hàng ngày có báo cáo về Văn phòng thường trực (qua trực ban) và các Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các chủ hồ, các đơn vị, các cơ quan phục vụ công tác chỉ đạo điều hành. Đối với các hồ chứa khu vực miền Trung, tổ chức tính toán, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, lưu lượng đến các hồ chứa để sẵn sàng tham mưu cho Ban chỉ đạo điều hành đảm bảo an toàn hạ du

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật