“Trò chơi chiến tranh” tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hai tuần sau vụ đấu pháo giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên làm chết 4 người và đẩy tình hình khu vực đến chỗ ngày càng trở nên khó kiểm soát, ngày 6/12, Seoul tiếp tục cuộc tập trận bắn đạn thật tại biển Hoàng Hải. Cuộc biểu dương lực lượng lần này diễn ra ngay gần khu vực lằn ranh trên biển có tranh chấp và sẽ kéo dài 5 ngày. Bình Nhưỡng cảnh cáo rằng những cuộc thao dượt pháo binh của Hàn Quốc sẽ đưa bán đảo này tiến gần hơn tới bờ vực của chiến tranh.
“Trò chơi chiến tranh” tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên
Khu trục hạm Nhật Bản Ikazuchi (trái) di chuyển cạnh hàng không mẫu hạm Mỹ George Washington trong cuộc tập trận Mỹ - Nhật vào ngày 5/12.

Hàn Quốc muốn chứng tỏ mình không buông xuôi. Trong tuần này, Seoul sẽ tổ chức một loạt vụ tập trận bắn đạn pháo thật ở biên giới lãnh hải, đặc biệt tại vùng biển Hoàng Hải, nơi luôn trong trạng thái "sóng cả" kể từ sau vụ CHDCND Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc hôm 23/11.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc ngày 6/12 cho biết cuộc tập trận diễn ra tại 29 điểm, trong đó có đảo Daecheong - 1 trong 5 hòn đảo gần vùng biển tranh chấp với Triều Tiên, cách đảo Yeonpyeong khoảng 80km về phía tây. Cuộc tập trận của riêng quân đội Hàn Quốc này đã được lên kế hoạch từ trước nhưng bị hoãn lại vào hôm 30/11.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho biết, cuộc tập trận diễn ra từ ngày 6 đến ngày 11/12 ở phía nam đường ranh giới phía bắc (NLL) và thuộc lãnh hải Hàn Quốc, vì thế đây là cuộc tập trận chính đáng. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng, trong cuộc tập trận này Hàn Quốc sẽ không bắn vào những nơi gần lằn ranh NLL. Ông Kim Kwan-jin đồng thời cho biết đã ra lệnh cho quân đội Hàn Quốc hành xử quyền tự vệ trong trường hợp CHDCND Triều Tiên thực hiện thêm một vụ tấn công khác nữa. Phát biểu với báo giới tại Seoul, Bộ trưởng Kim Kwan-jin nói: "Nếu Triều Tiên gây hấn trước thì các lực lượng của Hàn Quốc có thể trả đũa ngay tức khắc".

Theo Park Syung-je, chuyên gia của Học viện Chiến lược châu Á, phát biểu của Bộ trưởng Kim Kwan-jin có mục đích làm rõ sự phân biệt với những quy định thận trọng hơn về vấn đề giao chiến. Chuyên gia này nhận định rằng, phát biểu về quyền tự vệ có thể sẽ ngăn không cho CHDCND Triều Tiên thực hiện thêm những vụ tấn công.

Trong chương trình tin tức tối ngày 5/12, Đài Truyền hình Triều Tiên cảnh cáo: những cuộc thao dượt pháo binh của Hàn Quốc sẽ đưa bán đảo này tiến gần hơn tới bờ vực của chiến tranh. Phát ngôn viên Đài Truyền hình CHDCND Triều Tiên nói rằng những hành vi gây hấn điên cuồng như vậy đang tạo ra một tình huống không thể kiểm soát và không thể đoán trước, nhưng Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục nắm vững tình hình và giữ thái độ bình tĩnh.

Cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc diễn ra chỉ ít ngày sau khi cuộc tập trận giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc kết thúc. Bất chấp lời cảnh báo trước đó của CHDCND Triều Tiên, trong 4 ngày kể từ hôm 28/11, Hàn Quốc và Mỹ tiến hành cuộc tập trận trên biển tại khu vực Hoàng Hải, cách đảo Yeonpyeong khoảng 100km về phía nam.

Theo Bộ Tham mưu Hàn Quốc, cuộc tập trận này có quy mô lớn hơn dự kiến. Đây còn là dịp phô trương lực lượng quân sự. Trong 4 ngày, hơn một chục tàu tuần tra và khu trục hạm tham gia các cuộc diễn tập bắn đạn thật. Trong số này có cả hàng không mẫu hạm USS George Washington, chở 6.000 lính và 80 máy bay chiến đấu. Mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc nhằm thuyết phục CHDCND Triều Tiên tránh những hành động gây hấn.

Trong thời gian Mỹ - Hàn tập trận, ngày 29/11, CHDCND Triều Tiên ra thông báo chính thức đầu tiên về một nhà máy làm giàu uranium mới của nước này, với hàng nghìn máy ly tâm đang hoạt động.

Xét tổng thể, kể từ sau vụ đấu pháo hôm 23/11 đến nay đã có 3 cuộc tập trận quân sự quanh bán đảo Triều Tiên, hoặc là của Mỹ và Hàn Quốc, hoặc của riêng Hàn Quốc hoặc giữa Mỹ và Nhật. Chưa hết, Hàn Quốc thông báo sẽ có tiếp các cuộc tập trận với Mỹ trong thời gian tới, có thể là trong tháng này hoặc đầu năm sau.

Trong khi đó, các nỗ lực ngoại giao nhằm tháo ngòi nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra với những chiều hướng khó lường. Hôm 29/11, Trung Quốc đã đề nghị cuộc họp khẩn cấp 6 bên về CHDCND Triều Tiên nhưng cũng đã nhận được sự từ chối vì các bên cho rằng, việc nối lại vòng đàm phán chỉ hữu ích nếu Bình Nhưỡng có biểu hiện muốn thực sự từ bỏ ý đồ chạy đua vũ trang.

Song song với cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc, hôm 6/12, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gặp hai đồng nhiệm Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington, để thảo luận về chiến lược đối phó với CHDCND Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, cuộc gặp cho thấy sự phối hợp chặt chẽ và quyết tâm của 3 nước trong việc bảo đảm an ninh trên bán đảo Triều Tiên và ổn định trong khu vực.

Theo nhật báo Washington Post, trích dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ, thì dường như chính quyền Mỹ đang xem xét việc thay đổi cách tiếp cận trong quan hệ với Trung Quốc. Nguồn tin trên còn cho biết là Washington đang tính tới việc việc thắt chặt quan hệ với hai đồng minh châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, có thể lập ra một khối chống Trung Quốc trong khu vực Đông Á.

Theo giới quan sát, các cuộc tập trận phô trương sức mạnh ở Hoàng Hải và cuộc thảo luận giữa 3 Ngoại trưởng Mỹ - Nhật - Hàn ở Washington đã dồn Bắc Kinh vào thế cô lập. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã tạo được một thế chân kiềng xung quanh vấn đề hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh và Moskva đều không lên án bên nào và kêu gọi kiềm chế sau vụ đọ pháo. Trong khi Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản luôn lên án CHDCND Triều Tiên và liên tục tập trận chung thì Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên lại kêu gọi đàm phán. Giới quan sát nhận định tình thế 3 chọi 3 trên đang là mối đe dọa lớn đối với hòa bình của cả khu vực

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật