Vẫn chưa ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP đang được Bộ Giao thông vận tải xây dựng với mục đích cắt giảm điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng nhiều ý kiến cho rằng Dự thảo lại đang siết chặt kinh doanh với doanh nghiệp vận tải ô tô, chưa thể hiện tinh thần “cởi trói“.
Vẫn chưa ‘cởi trói’ cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải ô tô
Trong nội dung dự thảo chưa có những đổi mới cần thiết, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Ảnh: Internet.

Đánh giá về Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86 trình Chính phủ, tại Hội thảo "Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô: Sửa Nghị định hay nhìn lại cách thức soạn thảo Nghị định và thực hiện Luật Giao thông đường bộ" do viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 21/8, ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM cho rằng, nội dung dự thảo chưa có những đổi mới cần thiết, chưa đủ mạnh theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Theo ông Cung, toàn bộ nội dung của dự thảo thể hiện cách tiếp cận chi phối là người dân, doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những gì do Pháp Luật quy định và theo quy định của Pháp Luật. Cách tiếp cận này trái với Hiến pháp, trái với Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 là người dân, doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả những gì mà luật không cấm.

Cách thức quản lý nhà nước không tiếp cận theo hướng đảm bảo lợi ích tối đa của hành khách, của người tiêu dùng, bảo đảm hành khách luôn được cung cấp dịch vụ chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất, nhưng lại tạo “thuận lợi” cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động kinh doanh.

Với cách tiếp cận nói trên và yêu cầu “siết chặt kinh doanh vận tải”, cơ quan soạn thảo đã không chú ý nghiên cứu xác định rõ ràng mục tiêu quản lý, tiêu chí và nội dung cụ thể của từng điều kiện kinh doanh, qua đó bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không còn cần thiết, các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể… mà trái lại, đưa thêm vào một số điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính mới bất hợp lý, không cần thiết.

“Nhìn từ góc độ kinh doanh, khi so sánh Nghị định 86 và Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 86, phạm vi điều chỉnh của Nghị định này là quy định về điều kiện, kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và việc cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, phù hiệu, biển hiệu; quy định về công bố bến đỗ xe ô tô… Tuy cắt bỏ có 12 điều kiện kinh doanh, nhưng lại có tới 85 điều kiện kinh doanh bổ sung”, ông Cung nhấn mạnh.

Phân tích kĩ hơn về những quy định sẽ tạo thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, báo cáo của CIEM chỉ rõ, việc quy định đơn vị vận tải phải cung cấp thông tin về hợp đồng vận tải đến Sở Giao thông vận tải trước khi thực hiện vận chuyển hành khách; hay yêu cầu doanh nghiệp vận tải báo cáo Sở Giao thông vận tải về các nội dung, hợp đồng mẫu,… của ứng dụng phần mềm (trong khi các ứng dụng đã được đăng ký/thông báo cho Bộ Công Thương theo quy định về thương mại điện tử)… là những quy định không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong thực tế, mà trái lại tạo gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp vận tải.

Ngoài ra, Dự thảo còn 22 lần quy định giao thẩm quyền cho Bộ Giao thông vận tải quy định thêm, trong đó có: “… theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải” (16 lần) hoặc “Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định…” (6 lần).

Cách soạn thảo đó đã vô tình hoặc cố ý tạo dư địa để tùy ý can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoặc đưa ra các công cụ quản lý theo hướng tạo thuận lợi cho cơ quan, công chức nhà nước, tạo rào cản hay đẩy khó khăn, rủi ro về cho doanh nghiệp.

Đưa ra ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định 86, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP. HCM bức xúc cho rằng, những khiếu nại của hàng nghìn lái xe taxi chính thống không được thể hiện trong dự thảo sửa đổi Nghị định. Chúng ta phải trả lời rõ ràng câu hỏi Grab chỉ là đơn vị bán và cho thuê phần mềm hay chính họ là đơn vị kinh doanh vận tải? Vì vậy, dự thảo Nghị định 86 không nên phát triển thêm loại hình vận tải khác như xe điện tử, taxi điện tử… ngoài các loại hình đã có.

“Chúng tôi ủng hộ quan điểm coi Grab là đơn vị kinh doanh vận tải như taxi và phải chịu sự quản lý như taxi. Hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh”, ông Tạ Long Hỷ đề xuất.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật