Non nước Hà Tiên

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Con đường từ Long Xuyên về Hà Tiên dài và hẹp. Một vài phụ nữ với mái tóc rối bù, những đứa trẻ lem luốc ngơ ngác nhìn chuyến xe qua. Tôi lặng lẽ nhìn xóm làng heo hút kéo dài tới tận Núi Dài (H. Tri Tôn - An Giang). Đã 40 năm trôi qua kể từ cuộc chiến tranh biên giới (4-1978), miền đất này dường như vẫn còn đó nỗi đau tang tóc với hơn 4.000 người dân lành bị lính Pol Pot giết hại trên toàn tuyến biên giới An Giang. Xuống xe, thắp hương cho đồng bào bị thảm sát ở Nhà mồ Ba Chúc, tôi rong ruổi về Hà Tiên, vùng đất được mệnh danh là “Đệ nhất miền Tây“.
Non nước Hà Tiên
Ảnh minh họa

Non nước Hà Tiên.

Nơi đầu tiên chúng tôi đến là đền thờ của Mạc Cửu và gia đình họ Mạc, những công thần của nhà Nguyễn, một dòng tộc đã mở mang bờ cõi nước ta về phương Nam. Ngoài giá trị lịch sử cần được bảo tồn, ngôi đền là một công trình có giá trị nghệ thuật cao bởi kiến trúc hài hòa và lối chạm trổ tinh vi, sắc sảo. Cả đền thờ được bảo vệ bằng một tường rào dày bằng đá, rêu phong cổ kính. Phía trước đền có 2 ao sen, tương truyền do Mạc Thiên Tứ (con của Mạc Cửu) sai đào để chứa nước ngọt cho người dân sử dụng. Khi Mạc Cửu qua đời, Mạc Thiên Tứ (29 tuổi), nối nghiệp cha mở mang đất Hà Tiên, tiếp tục sự nghiệp khai khẩn miền Tây Nam Bộ, biến nơi này trở thành vùng đất văn hiến, phồn vinh, nhiều lần chống trả lại các cuộc tấn công của Xiêm La và Chân Lạp...

Có lẽ trong những nơi tôi đi qua, Hà Tiên là miền đất để lại nhiều ấn tượng, lưu luyến và khó quên nhất. Người ta nói rằng, vùng đất này là một nước Việt Nam thu nhỏ, chỉ cần đến đây, chúng ta có thể hình dung ra hình ảnh của nước Việt như nhà thơ Đông Hồ từng viết: "Ở Kiên Giang kỳ thú thay, có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của Vịnh Hạ Long, có ít núi vôi Ninh Bình, ít Thạch Thất Sơn Môn Hương Tích, có một ít Hương Giang, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hóa và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải,...". Một địa danh trở thành biểu tượng tiêu biểu của du lịch Hà Tiên là "Hòn Phụ Tử", nơi được xem là tuyệt tác của thiên nhiên giữa trời mây, non nước. Tháng 8-2006, tảng đá lớn (Hòn Phụ) bất ngờ đổ ập xuống biển, chỉ còn lại Hòn Tử đứng bơ vơ, để lại lời ai oán cho người dân Hà Tiên mãi đến giờ: "Phụ đi rồi, tử ở với ai?".

Trên đoạn đường đến biên giới Campuchia, tôi đến Thạch Động, nơi phát tích câu chuyện cổ tích Thạch Sanh giết đại bàng để cứu công chúa Quỳnh Nga khiến ai cũng mê say một thời thơ ấu. Thạch Động là một khối núi đá vôi khổng lồ với chiều cao khoảng 90m nằm giữa cánh đồng lúa xã Mỹ Đức, sát Quốc lộ 80, cách trung tâm Hà Tiên theo hướng tây bắc khoảng 3km. Khi hỏi về những bí ẩn của ngọn tháp đá này, một cụ già chỉ tay về phía động kể rằng, địa danh này còn gọi là "Thạch Động thôn vân" (có nghĩa động đá nuốt mây) bởi mỗi sáng sớm, những đám mây trắng bay qua đỉnh núi, giữ lại trước cửa động rồi từ từ bay vào giống như hang động đang nuốt mây. Để lên cửa động, du khách phải leo khoảng 50 bậc đá từ dưới chân núi. Tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn toàn cảnh thị xã Hà Tiên xinh đẹp và các "phum sóc" (xóm làng của vùng đồng bào dân tộc Khơ Me- Campuchia) ẩn hiện dưới những chân đồi. Xa xa là những hòn đảo cùng các ghe thuyền nhấp nhô, chấm phá trên màu xanh vịnh Thái Lan.

Thạch Động có một hệ thống hang động kỳ ảo với nhiều thạch nhũ có hình thù kỳ thú, nơi tọa lạc chùa Tiên Sơn do dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 41 xây dựng vào năm 1790, thời kỳ Mạc Thiên Tích làm Tổng trấn xứ Hà Tiên. Đến Thạch Động, du khách sẽ được nghe kể rất nhiều những câu chuyện bí ẩn về Thạch Sanh - Lý Thông. Phía Đông của động có một cửa hang thông thiên, ánh sáng rọi xuống khiến lòng hang trở nên lung linh huyền ảo, người xưa gọi là đường lên trời. Từ trung tâm Hà Tiên, xe chạy quanh co dưới chân núi Đèn (còn gọi là núi đèn Rọi), gồm 2 ngọn núi cách nhau khoảng 300m, nằm cạnh bờ biển, trên đỉnh có ngọn hải đăng hơn trăm tuổi vẫn đỏ đèn hằng đêm dẫn đường cho tàu về bến. Đoạn đường đến Mũi Nai chạy dọc bờ biển quanh co như eo Mũi Né của miền Nam Trung Bộ, biển khơi chập chùng đảo to, đảo nhỏ vô cùng kỳ vĩ.

Mỏm đá giống hình tượng đầu chim đại bàng gắn liền với truyện Thạch Sanh tại Thạch Động.

Mũi Nai là một trong 3 bãi biển nổi tiếng của đồng bằng sông Cửu Long (2 bãi kia là Tân Thành ở Tiền Giang và Ba Động ở Trà Vinh). Bãi biển không rộng, cát không trắng nhưng thoai thoải, sóng êm, khí hậu ôn hòa, quanh năm mát mẻ. Từ hơn 300 năm trước, Mũi Nai được gọi là Lộc Trĩ và nổi tiếng là một trong 10 cảnh đẹp Hà Tiên trong "Hà Tiên thập vịnh" của Tao đàn Chiêu Anh Các. Mũi Nai với màu xanh ngút ngàn của rừng nguyên sinh, màu cát vàng của bãi biển chạy dọc theo những hàng dừa rợp bóng khiến tôi có cảm giác, nơi đây từng có những nàng tiên giáng trần như tên gọi Hà Tiên từ buổi ban đầu. Và giờ đây, với chiều dài hơn 1km, Mũi Nai đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng của Hà Tiên...

Rời Hà Tiên trong một buổi sáng tinh mơ khi sương đêm còn đọng trên những cánh hoa dại bên đường. Thời gian quá ngắn, không đủ để tôi đi hết "thập cảnh Hà Tiên" nhưng chỉ chừng đó thôi, lòng người lữ khách cũng đã ngậm ngùi, luyến tiếc về một miền đất trầm mặc, non nước hữu tình, say đắm tình người.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật