Quán cà phê “lạ“ trên con phố nhỏ của thành phố Đồng Hới

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Naly Crafts - quán cà phê nằm khiêm nhường trên con phố nhỏ Ngô Quyền ngay giữa trung tâm thành phố Đồng Hới. Bên trong không gian ấy, đôi bàn tay khéo léo mặc sức tung tẩy với những ý tưởng sáng tạo, độc đáo. Và thành quả từ những ngày miệt mài bên những tấm da “thuộc” ấy là những sản phẩm đồ da độc, lạ và đầy ấn tượng.
Quán cà phê “lạ“ trên con phố nhỏ của thành phố Đồng Hới
Khách hàng thích thú với những đồ da handmade trưng bày tại quán Naly Crafts.

Chủ của Naly Crafts cafe là Nguyễn Hữu Cường, 33 tuổi. Và anh cũng chính là tác giả của những sản phẩm đồ da thủ công đầy màu sắc trưng bày khắp không gian Naly Crafts. Cường bảo, mở quán cà phê thực chất chỉ là tạo một không gian để bạn bè và những người yêu thích sản phẩm đồ da thủ công được gặp gỡ, chuyện trò. Nghề chính và niềm đam mê lớn nhất của anh vẫn là làm đồ da handmade (làm bằng tay).

Và đúng như anh nói, bên trong của quán cà phê là một căn phòng với đủ thứ đồ nghề và dụng cụ làm da. Ở đó, anh mặc sức sống với đam mê của mình, tỉ mẩn với từng đường kim trên những tấm da “thuộc” (da đã qua xử lý – PV). Vậy mà từ nguyên liệu tưởng chừng thô ráp và “khó chiều” ấy lại ra những thành phẩm dễ dàng lấy lòng được khách bởi cái chất độc, lạ và riêng có.

Nguyễn Hữu Cường có niềm đam mê đặc biệt với đồ da handmade.

Nghề làm đồ da thủ công đến với Cường như duyên nợ, đúng hơn, như anh nói là vì đam mê, mà đã đam mê thì dẫu có đi đường vòng cuối cùng cũng tìm về đúng cái ngọn nguồn mang đến cho anh niềm vui. Tốt nghiệp ra trường, Cường có một công việc ổn định ở một ngân hàng ngay giữa trung tâm thành phố. Nhưng dường như công việc bận rộn vẫn chẳng “ghìm” nổi cái chất nghệ sỹ trong con người anh. Cường bảo, một ngày cách đây nhiều năm trước, những clip về đồ da thủ công đã thực sự làm anh mê mẩn. Lần mò theo những hướng dẫn từ internet, anh mày mò làm thử. Từ những sản phẩm đầu tay mà như Cường miêu tả là “méo mó và đường may còn chưa thẳng”, càng về sau, những sản phẩm của anh đã hoàn thiện dần cả về đường kim, mũi chỉ và cách phối màu.

Khi đồ da handmade không còn dừng lại là tự làm để thỏ‌a mã‌n ý thích, Cường nghỉ việc ở ngân hàng và bắt tay vào nghề mới. Anh tự bộc bạch rằng chỉ những khi đứng trước một tấm da “thuộc”, được cắt xén, tỉ mẩn với từng đường may, anh mới thực là chính mình. Giờ, ba năm sau khi đưa ra quyết định táo bạo ấy, hỏi anh có hối hận không, anh cười, làm vì đam mê thì sao lại thấy hối hận?

May mắn của Cường là đam mê của anh không đối chọi với cuộc mưu sinh. Nói cách khác, đam mê của Cường kiếm ra tiền, nuôi sống anh, dù để có được nguồn thu nhập ấy, người làm nghề như anh phải vất vả và mất công nhiều lắm. Điều đó dễ hiểu bởi khi mọi thứ tưởng chừng đã được thay thế bằng máy móc thì anh lại đi làm cái nghề bằng tay, tỉ mẩn từng đường kim, mũi chỉ. Nhưng bởi cái khác người ấy mà những sản phẩm bằng da do anh làm ra độc, lạ và thường hút khách. Nếu những sản phẩm nhỏ như dây đồng hồ, ví da thường có giá vài trăm ngàn thì những sản phẩm mất nhiều công sức hơn như túi xách, thắt lưng…có giá đến vài triệu đồng. Bởi, để làm nên một chiếc túi xách theo ý của khách hàng phải mất một tuần, có khi gần cả tháng trời.

Tất cả mọi công đoạn đều làm thủ công.

“Công đoạn của đầu tiên của một sản phẩm túi da là ra bìa bằng giấy cứng, tính kích thước rồi cắt da, ghép những miếng da ấy lại, rồi đục lỗ và may bằng tay. Sau khi may thành hình hài thì xử lý các cạnh bằng cách quét sơn lên, sau mới đến khâu đóng phụ kiện”, Cường . Nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng mỗi khâu, mỗi chi tiết đều đòi hỏi những người thợ phải thực sự tỉ mẩn, kỳ công mà như Cường nói, việc mày mò, học hỏi để làm ra một sản phẩm thủ công đẹp mắt đã là một điều không dễ dàng. Thường những người thợ ngoài khả năng khéo léo bẩm sinh còn cần một sự kiên trì, bền bỉ rèn luyện. Bên trong vẻ ngoài mạnh mẽ và đầy nam tính như anh hội đủ cả những yếu tố đó. Trong căn phòng chỉ chừng 10 m2 của anh la liệt đồ nghề kích cỡ khác nhau, to, nhỏ, dài, ngắn ... Chỉ mỗi việc nhớ hết hàng trăm thứ dụng cụ đó thôi cũng đã thấy sự cần mẫn của người thợ đến đâu. Mà nghề này chẳng khác gì “làm dâu trăm họ”, sáng tạo và khéo léo thôi chưa đủ, còn phải biết chiều lòng khách.

Đồ da handmade mang nét đặc trưng riêng không hề trộn lẫn. Không chỉ vậy, với dịch vụ khắc tên lên ví, móc khóa... tính độc, lạ của sản phẩm được bảo đảm. Vậy nên, phải những ai thực sự trân trọng và nâng niu những sản phẩm từ sự sáng tạo và tính tỉ mỉ này mới hiểu hết giá trị của nó. Đúng như cái chất nghệ sỹ trong con người anh, Cường không thích sự rập khuôn trong từng sản phẩm mình làm nên. Mỗi ngày, anh đều cố gắng sáng tạo ra nhiều cách thể nghiệm, nhiều hình dáng và cách phối màu mới cho sản phẩm. Cường bảo, mỗi sản phẩm đều mang một linh hồn, ít ra là chứa đựng tâm huyết của người thợ gửi gắm vào trong những chi tiết dù là nhỏ nhất. Mỗi người thợ, một phong cách, có người chỉn chu trong từng đường nét, có người lại phong trần, phá cách nên đồ da handmade không ai giống ai, không cái nào giống bất kỳ cái nào.

Độ bền của các sản phẩm đồ da thủ công cùng với nét độc, lạ ấy đã thu hút lượng khách đến với Naly Crafts ngày một đông. Khách của quán chủ yếu là các bạn trẻ, họ đến vừa để nhâm nhi ly cà phê, vừa có thể ngắm nghía những sản phẩm đồ da từ anh chủ quán vui tính. Và đặc biệt, với những ai thích một sản phẩm đồ da tự tay mình làm ra, Cường vẫn nhiệt tình hướng dẫn.

Mỗi ngày trôi đi, Cường vẫn miệt mài bên ánh đèn vàng của Naly Crafts cafe và sáng tạo không nghỉ. Anh mong mỏi một ngày sẽ mở một cửa hàng lớn hơn ngay trên phố Nguyễn Du, Lê Quý Đôn – nơi tập trung đông du khách nhất của Đồng Hới. “Một khi phục vụ cho khách du lịch, sẽ có thêm dịch vụ khắc biểu tượng của Đồng Hới, của du lịch Quảng Bình lên sản phẩm. Để mỗi khi họ cầm chiếc túi, hay một ví da của tôi, họ không chỉ nhớ đến tôi, đến Naly Crafts mà nhớ cả thành phố biển này nữa”, Cường gật gù.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật