Báo động tại các khu dân cư ở TP. Nha Trang: Sống chung với “bom lửa”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hầu hết các cơ sở mua bán phế liệu đều nằm trong khu dân cư (nhất là ở nội thành TP.Nha Trang, Khánh Hòa) không đảm bảo điều kiện để được cấp có thẩm quyền xác nhận đề án bảo vệ môi trường, nhưng các cơ sở này vẫn tồn tại từ năm này sang năm khác, trong khi những quả “bom lửa” ấy có thể gây tai họa bất cứ lúc nào.
Báo động tại các khu dân cư ở TP. Nha Trang: Sống chung với “bom lửa”
Một cơ sở thu mua phế liệu trên đường Lê Hồng Phong, TP.Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: PV

Hoạt động không phép

Hồi 23h ngày 17.4, tại bãi tập kết phế liệu tại thôn Xuân Lạc 1, xã Vĩnh Ngọc (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) bùng cháy dữ dội. Đám lửa bùng phát nhiều lần và kéo dài cho tận trưa hôm sau mới được khống chế. Khói đen lan tỏa, gây ô nhiễm môi trường, khiến Trường tiểu học Vĩnh Ngọc phải cho hàng trăm học sinh tạm thời nghỉ học. Đám cháy bùng phát từ bãi tập kết phế liệu rộng khoảng 500m2 của 1 hộ dân trên địa bàn thôn Xuân Lạc 1, xã Vĩnh Ngọc.

Hiện trên nhiều tuyến đường chính trong nội thành TP.Nha Trang như 2 tháng 4, Lê Hồng Phong.... tồn tại nhiều cơ sở thu mua phế liệu. Điểm chung của các cơ sở này là dễ xảy ra cháy nổ, không gian chật hẹp, hoạt động nhếch nhác, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường và tiếng ồn... Qua rà soát, Chi cục Quản lý thị trường Khánh Hòa thống kê, có khoảng 183 cơ cở thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dẫn đầu về số lượng là TP.Nha Trang với 53 cơ sở, huyện Diên Khánh 48 cơ sở, thị xã Ninh Hòa 25 cơ sở, huyện Cam Lâm 14 cơ sở… Và hầu hết đều đặt trong khu dân cư.

Theo quy định của Luật Đầu tư, buôn bán phế liệu không phải là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, các cơ sở mua bán phế liệu chỉ cần có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì có thể tiến hành hoạt động kinh doanh.

Kiểm tra, hơn 1/2 cơ sở vi phạm

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường thì các cơ sở thu mua phế liệu phải lập hồ sơ môi trường tùy theo quy mô hoạt động (đề án bảo vệ môi trường chi tiết hoặc đơn giản) được UBND cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh xác nhận. Đồng thời, phải được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về PCCC do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định của Pháp Luật về PCCC. Qua rà soát, lực lượng chức năng xác định, hầu hết các cơ sở mua bán phế liệu đều nằm trong khu dân cư không đảm bảo điều kiện để được cấp có thẩm quyền xác nhận Đề án bảo vệ môi trường kể trên.

Vừa qua, Tổ liên ngành TP.Nha Trang tiến hành kiểm tra 53 cơ sở mua bán phế liệu trên địa bàn 19 phường nội thành; lập biên bản đối với 28 cơ sở về hành vi không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và các hành vi vi phạm về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, trật tự giao thông… Các cơ sở này bị xử phạt hành chính với số tiền hơn 69 triệu đồng.

Gắn với công tác kiểm tra, Tổ liên ngành đã thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn Pháp Luật, vận động các cơ sở mua bán phế liệu không được tàng trữ trái phép bom, mìn, vật liệu gây cháy nổ, tự giác giao nộp cho cơ quan chức năng. Tổ liên ngành sẽ kiểm tra đợt 2 tại các xã, phường ngoại thành theo kế hoạch đã được phê duyệt. UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã chỉ đạo Sở KHĐT hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố ngưng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hoạt động thu mua phế liệu để không phát triển thêm cơ sở sản xuất, kinh doanh này trên địa bàn.

“Thời gian tới, từng địa phương có quy hoạch phù hợp về các khu vực, bãi chứa phế liệu trên từng địa bàn; xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở kinh doanh phế liệu ra khỏi khu vực dân cư, đô thị theo quy định. Việc giải quyết kiến nghị này cần có thời gian, với lộ trình, kế hoạch phù hợp với mỗi địa phương” - UBND tỉnh Khánh Hòa cho hay.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật