TP.HCM: Tạm ngưng hoạt động 2 tuyến xe buýt đến An Sương và Ngã tư Ga

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Để hạn chế ảnh hưởng đến việc đi lại và giúp người dân chủ động lựa chọn phương tiện thích hợp, Sở Giao thông vận tải yêu cầu Trung tâm quản lý giao thông công cộng thông báo rộng rãi việc tạm dừng các tuyến xe này.
TP.HCM: Tạm ngưng hoạt động 2 tuyến xe buýt đến An Sương và Ngã tư Ga
Dù khởi sắc trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 nhưng vận tải hành khách công cộng TP.HCM vẫn còn nhiều việc phải giải quyết.

Xét đề nghị của Trung tâm quản lý giao thông công cộng, ngày 9/8 Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã ký quyết định tạm dừng hoạt động tuyến xe buýt số 149 (lộ trình: Công viên 23/9, quận 1 – Tân Phú – Bến xe An Sương, quận 12, do Hợp tác xã vận tải liên tỉnh và Du lịch Việt Thắng đảm nhận). Nguyên nhân là do tuyến xe này vắng khách, không đủ chi phí hoạt động.

Liên quan đến tuyến xe buýt này, vào giữa tháng 4 vừa qua, Trung tâm quản lý giao thông công cộng cũng quyết định điều chỉnh lộ trình, không cho tuyến vào Ga Sài Gòn (quận 3) như trước. Nguyên nhân của quyết định này là vì nhu cầu sử dụng tuyến xe buýt số 149 của hành khách để đi và đến Ga Sài Gòn chưa cao, chưa tương xứng với cự ly đoạn lộ trình tuyến 149 phải chạy vòng, do đó làm kéo dài thời gian chuyến xe, ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của nhiều hành khách.

Gần 1 tuần trước, Sở Giao thông vận tải cũng có quyết định tạm dừng tuyến xe buýt số 40 (lộ trình Bến xe Miền Đông – Ngã tư Ga, do Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Đông Nam đảm nhận). Tương tự tuyến số 149, tuyến 40 bị tạm dừng vì vắng khách, không đảm bảo chi phí để duy trì hoạt động.

Cũng về hoạt động xe buýt, đầu tháng 8 vừa qua, Trung tâm quản lý giao thông công cộng quyết định điều chỉnh nội dung hoạt động tuyến xe buýt có trợ giá số 65. Theo đó từ ngày 1/8, tuyến xe buýt có trợ giá số 65 sẽ do Hợp tác xã vận tải 19/5 đảm nhận, thay thế Hợp tác xã vận tải xe buýt và du lịch Quyết Tiến xin ngưng khai thác tuyến.

Lộ trình tuyến cụ thể như sau:

Lượt đi: Bến CV 23/9 (điểm đầu tuyến) - Phạm Ngũ Lão – Yersin - Trần Hưng Đạo - Hàm Nghi - quay đầu (tại giao lộ Hàm Nghi - Tôn Thất Đạm) - vòng xoay Bến Thành - Lê Lai - Phạm Hồng Thái - Cách Mạng Tháng Tám - Hoàng Văn Thụ - Xuân Diệu - Xuân Hồng - Trường Chinh - Quốc lộ 22 - Ngã 3 Công ty Việt Hưng (quay đầu) - Quốc lộ 22 - Bến xe An Sương (điểm cuối tuyến);

Lượt về: Bến xe An Sương - Quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Trãi - Tôn Thất Tùng - Lê Lai - Bến CV 23/9.

Dùng xe buýt nhỏ đón khách trong hẻm?

Sở Giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh mới yêu cầu Trung tâm quản lý giao thông công cộng phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất thí điểm triển khai hệ thông xe buýt nhỏ nhằm mục đích đón khác tại các con hẻm nhỏ hẹp trên địa bàn thành phố.

Theo tính toán ban đầu, đơn vị dự kiến mở 30 tuyến với số lượng xe từ 20 đến 250 (loại xe từ 12 – 17 chỗ). Những chiếc xe này có thể di chuyển đón khách ở các hẻm rộng từ 4 đến 6m, còi xe được giảm thiểu để hạn chế tiếng ồn. Hệ thống này cũng được kết nối với các trạm xe buýt ngoài tuyến đường lớn để tiện cho hành khách. Trước mắt đơn vị sẽ triển khai thí điểm tại một số quận như 1, 10 và Tân Bình.

Theo tính toán, hiện 46% số hẻm tại TP.HCM rộng dưới 6m, tuy nhiên có từ 80 – 85% số dân sống bên trong các con hẻm. Do kích thước lớn nên đa số các tuyến xe buýt đang hoạt động không tiếp cận được người dân trong hẻm, do vậy các tuyến xe buýt mini được kỳ vọng sẽ khắc phục hạn chế này.

Số liệu thống kê của UBND TP.HCM cho thấy, trong 6 tháng đầu năm số lượt người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng đạt 204,4 triệu lượt hành khách (HK), tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2017 (199,9 triệu lượt HK) và đạt 32,2% so với kế hoạch năm 2018 (635 triệu lượt hành khách).

Cuối tháng 7/2018, Sở Giao thông vận tải đã có kiến nghị gửi UBND TP xin được bổ sung 330 tỷ để trợ giá cho loại phương tiện này. Lý do là dù năm 2017 sản lượng vận tải hành khách công cộng tăng 6% so với cùng kỳ nhờ được đầu tư mới phương tiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng nhưng việc trợ giá cho hoạt động xe buýt những năm qua ngày càng giảm.

Việc này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng và dịch vụ xe buýt, bởi khi ký hợp đồng với mức trợ giá thấp so với thực tế hoạt động đã xảy ra trường hợp xe buýt thường xuyên bỏ chuyến do không đảm bảo chi phí hoạt động.

Ngoài ra, năm 2018 các đơn vị vận tải thực hiện đầu tư thay thế xe buýt mới và giá nhiên liệu có xu hướng tăng, nên việc phê duyệt và thương thảo hợp đồng với các đơn vị vận tải rất khó khăn.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật