Chơi hụi có ngày ’bại xụi’

Monkey Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hụi đã tồn tại từ rất lâu trong cuộc sống người dân. Đến nay, hoạt động hụi đã không còn giữ được bản chất giúp đỡ nhau khi khốn khó như lúc mới ra đời mà đã trở thành một hoạt động tín dụng tiền tệ có tổ chức nhưng gần như ngoài vòng pháp luật.
Chơi hụi có ngày ’bại xụi’
Các nạn nhân đang kê khai số tiền bị mất tại trụ sở công an quận Gò Vấp.

Theo nhận xét của nhiều ban quản lý chợ, việc chơi hụi hiện vẫn khá phổ biến dù thông tin bể hụi như “điệp khúc thời gian”, cứ vài tháng là xuất hiện. Trung bình mỗi dây hụi có từ 10 đến 20 người, dân ít tiền thì chơi hụi nhỏ, từ vài chục ngàn đến vài trăm nghìn/ngày; người khá hơn thì có thể tham gia các dây hụi vài triệu đồng/tháng, nửa tháng. Có người cho biết, họ nuôi hụi, hốt chót có khi lên đến cả trăm triệu đồng.

Thường thì ít ai chơi một “dây” mà chơi “dây ngày” để nuôi “dây tháng” và chồng chéo rất nhiều dây. Theo họ đó cũng là cách để giảm rủi ro. Ví dụ, cùng một dây hụi thì họ có thể chơi “2 đầu”, “nuôi kha khá” rồi thì hốt trước một “đầu”, “đầu” còn lại thì để dành.

Giao dịch hụi giữa các chủ hụi và con hụi thường bằng miệng, chẳng có giấy tờ gì. Vì sao hụi có được “ma lực”? Lý giải điều này, nhiều con hụi cho rằng lãi suất hấp dẫn, có khi lên đến 20% và nhất là khi cần vốn gấp là có ngay.

Các ban quản lý chợ cũng như chính quyền địa phương không kiểm soát được hoạt động ngầm của các đường dây hụi nên không biết được qui mô của nó lớn nhỏ cỡ nào và hụi viên của nó nhiều hay ít.

Bà Trần Thị Dung, Trưởng Ban quản lý chợ Tân Sơn Nhất, thừa nhận: “Chỉ đến khi xảy ra sự cố vỡ hụi thì chúng tôi mới xác định được tổng số tiền luân chuyển và số nạn nhân tham gia đường dây hụi đó mà thôi”.

Tương tự, Trưởng Ban quản lý chợ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) Phan Văn Sang cũng thừa nhận là không kiểm soát được các đường dây hụi ở chợ. Theo Ban quản lý chợ này, nếu phát hiện tiểu thương chơi hụi thì chỉ có cách phân tích cho họ thấy mức độ rủi ro nhằm vận động họ từ bỏ chứ không có biện pháp gì để bắt họ ngừng chơi.

Thượng tá Ngô Ngọc Thêm, Phó Công an quận 6, cho biết: "Ở các chợ Bình Tây, Bình Tiên xuất phát từ nhu cầu thật sự trong việc huy động vốn làm ăn nên nhiều tiểu thương tổ chức chơi hụi. Các chủ hụi ở đây đều là những người “có máu mặt”. Họ tạo được uy tín đối với hụi viên không chỉ bằng sự khá giả về kinh tế mà còn mang dáng dấp của những tay “anh, chị”, luôn có “đàn em” cận kề hỗ trợ trong việc thu gom tiền hụi".

Nói một cách công bằng, nếu hụi “đến bến an toàn” thì hầu hết con hụi đều vui vẻ dù những người “hốt đầu” bị lỗ khá nhiều. Một con hụi cho biết, muốn “hốt đầu” dây hụi 2 triệu đồng, có khi phải bỏ thăm đến 350.000 đồng, tức chỉ được hốt 1.650.000 đồng/người. Nếu dây hụi 10 người thì lỗ khoảng 3.500.000 đồng, chưa tính tiền “đầu thảo” cho chủ hụi. Tuy nhiên, nếu xảy ra “bể hụi” thì hậu quả khôn lường.

Vụ vỡ hụi trên 2 tỷ đồng tại chợ Tân Sơn Nhất xảy ra đã 3 tháng vẫn chưa có hướng giải quyết.

Vụ giật hụi với tổng số tiền trên 2 tỉ đồng ở chợ Tân Sơn Nhất xảy ra đã 3 tháng nhưng nỗi đau mất tiền vẫn gặm nhấm các nạn nhân từng giờ, từng phút. Vụ giật hụi hơn 4 tỉ đồng của bà Lê Ngọc Sương tại chợ Trần Chánh Chiếu quận 5 xảy ra gần 1 năm nhưng đến nay những nạn nhân vẫn chưa hết khốn đốn vì nỗi đau mất của. Gia đình xào xáo, những bữa cơm gia đình êm ấm không còn…

Ai có trách nhiệm giải quyết “hậu hụi”? Hầu hết Ban quản lý (BQL) các chợ được hỏi đều lắc đầu cho rằng trách nhiệm đó không thuộc về họ.

Còn cơ quan điều tra? Sau gần 1 năm, vụ Lê Ngọc Sương vẫn trong vòng điều tra, chưa có quyết định khởi tố vụ án. Vụ vỡ hụi trên 2 tỷ đồng tại chợ Tân Sơn Nhất xảy ra đã 3 tháng vẫn chưa có hướng giải quyết. Theo công an các quận, huyện, hiện nay, pháp luật nước ta chưa có quy định cụ thể cách xử lý các vụ việc liên quan đến hụi.

Đối với những vụ bể hụi lớn, các chủ hụi không có khả năng chi trả thường bị khởi tố về tội “lạ‌m dụn‌g tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành tội danh này đối với chủ hụi thường rất yếu.

Một phần do chủ hụi và các hụi viên thỏa thuận bằng miệng, khi xảy ra “bể hụi” lại không có giấy tờ, biên lai chứng minh. Chưa kể, khi bể hụi, chủ hụi luôn hứa hẹn sẽ hoàn trả cho công nợ và không thể hiện ý định bỏ trốn. Vì thế, cơ quan pháp luật không đủ cơ sở để xử lý hình sự mà chỉ xem đó là giao dịch dân sự.

Theo Trung tá Phạm Văn Trân, cán bộ cơ quan Cảnh sát điều tra CA TP HCM, khi nào chủ hụi bỏ trốn mới có thể khởi tố. Mà việc điều tra ở giai đoạn này càng khó khăn hơn! Hiện nay, cơ quan chức năng chỉ xử lý được các chủ hụi tổ chức hụi “ma”.

Đấy là trường hợp mà hụi viên tham gia chơi hụi không nhiều hoặc không có hụi viên nào nhưng chủ hụi thông báo khống để chiếm đoạt tiền hụi của người khác. Khi PV Sài Gòn Giải Phóng liên hệ với UBND phường 3 quận Gò Vấp về vụ vỡ hụi ở chợ Tân Sơn Nhất thì được trả lời là phường chỉ làm công tác hòa giải và chứng kiến thỏa thuận giữa các bên.

Tuy nhiên, do tổng số tiền vỡ hụi quá lớn nên phường đã hướng dẫn nạn nhân liên hệ với công an điều tra và tòa án. Trách nhiệm của phường chỉ dừng ở đây.

Trước thực tế này, đa phần các nạn nhân của hụi đều rất bức xúc, nhất là khi mang đơn đến công an và tòa án lại nhận được câu trả lời lạnh lùng “không giải quyết!”. Trong trường hợp chủ hụi không bỏ trốn thì các nạn nhân lại càng hoang mang hơn vì cho rằng chắc là chủ hụi được bao che.

Với chiêu bài hẹn lần, hẹn lữa, qua nhiều lần hòa giải, đến nay vợ chồng chủ hụi Lê Ngọc Niệm - Nguyễn Thị Minh Tâm vẫn chưa khắc phục hậu quả như lời hứa sẽ bán nhà để giải quyết nợ hụi. Biết vậy nhưng ở các chợ tiểu thương vẫn tiếp tục chơi và họ lập luận “luật không cấm mà”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật