Có nên đặt niềm tin vào bác sĩ Google?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù các bác sĩ đã có nhiều cảnh báo về hậu quả đáng tiếc, nhiều người vẫn tin vào sự phán đoán của “bác sĩ Google”.
Có nên đặt niềm tin vào bác sĩ Google?
Ảnh minh họa

Trong thời đại bùng nổ thông tin, việc tìm kiếm thông tin trên mạng trở nên phổ biến, ngay cả với các thông y tế, sức khỏe. Sử dụng các trang tìm kiếm để tìm hiểu thông tin về thầy thuốc, cơ sở y tế, thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Tuy nhiên, sử dụng những thông tin trên mạng để tự ý điều trị bệnh liệu có đáng tin cậy hay không?

giúp gì cho người bệnh?

Bác sĩ Lưu Văn Trường (tốt nghiệp Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết: “Ngày nay, rất nhiều bệnh nhân đến khám bệnh đã phần nào hiểu được về bệnh lý của mình cũng như những hướng điều trị, điều này có được là do việc tìm hiểu các thông tin y tế trên Internet. Chính việc hiểu biết của bệnh nhân đã góp phần cho quá trình khám, tư vấn và điều trị trở nên thuận tiện hơn rất nhiều".

Là người chuyên điều trị các bệnh lý cơ xương khớp - cột sống, bác sĩ Trường đã từng gặp rất nhiều bệnh nhân đủ mọi thành phần và đa phần đều có hiểu biết nhất định về tình trạng của mình. Thậm chí, nhiều bệnh nhân có thể mô tả chi tiết cấu trúc của một khớp hay cột sống, biến chứng có thể gặp từ bệnh lý. Khi tiếp xúc với những bệnh nhân có nhiều thông tin về bệnh tình của họ, việc điều trị và phòng ngừa tái phát trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Ở góc độ khác, các trang tìm kiếm mà phổ biến nhất là Google có thể giúp người dùng nhanh chóng tìm kiếm được các thông tin hữu ích về thuốc cũng như cách sử dụng. Do sự quá tải trong thăm khám và điều trị, các bác sĩ tại nước ta không đủ thời gian để giải thích và hướng dẫn cho bệnh nhân về thuốc. Trong tình cảnh đó, đôi khi tra cứu trên mạng là cứu cánh của nhiều bệnh nhân khi muốn biết mình đang được cho sử dụng thuốc gì. Chỉ cần vài giây thao tác, bệnh nhân có thể biết được thuốc mình đang sử dụng có tác dụng như thế nào, chỉ định và chống chỉ định, tương tác thuốc và những thận trọng khi dùng thuốc.

Ngoài ra, những thông tin trên Internet còn giúp bệnh nhân tìm kiếm được các bác sĩ chuyên khoa giỏi, các cơ sở khám chữa bệnh uy tín. Nhiều bệnh nhân không biết được với tình trạng của mình thì nên đi khám ở đâu, gặp bác sĩ nào. Tuy nhiên, với việc sử dụng internet, chỉ sau vài thao tác đơn giản, bệnh nhân có thể biết được địa chỉ của bệnh viện, phòng khám cần đến, giờ khám bệnh của bác sĩ, số điện thoại tư vấn và đặt hẹn. Chính vì thế, người bệnh rất chủ động và rút ngắn được thời gian, tránh phải chờ đợi không cần thiết, loại bỏ những mệt mỏi, phiền toái của việc khám chữa bệnh.

Hãy sử dụng Google một cách khôn ngoan

“Với sức khỏe, hãy sử dụng Google một cách khôn ngoan” là lời khuyên của bác sĩ Trường đối với người dân. Google nói riêng và các trang tìm kiếm nói chung mang lại rất nhiều thông tin hữu ích cho người bệnh, điều đó là không thể phủ nhận. Tuy nhiên nếu bệnh nhân sử dụng những thông tin trên mạng để tự ý ra quyết định điều trị cho mình lại là vấn đề rất nghiêm trọng.

“Tôi còn nhớ một bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng đến khám và điều trị, sau khi được tư vấn và tiến hành trị liệu, tình trạng bệnh nhân dần cải thiện. Sau một thời gian không thấy bệnh nhân trở lại tiếp tục điều trị (bệnh thoát vị đĩa đệm cần điều trị trong thời gian dài), tôi cho rằng bệnh nhân đã không đủ kiên nhẫn để tiếp tục theo đuổi việc điều trị, đồng nghĩa với việc điều trị đã thất bại. Ba tuần sau, bệnh nhân trở lại và tâm sự muốn nhanh khỏi bệnh hơn nên đã tìm phương pháp dân gian như trên mạng hướng dẫn là nướng cây xương rồng đắp vào lưng, bệnh nhân sau đó bị bỏng và nhiễm trùng nên phải ngưng điều trị cột sống”, bác sĩ Trường kể.

Việc bệnh nhân tự ý điều trị dựa trên những thông tin thu thập được trên Internet rất phổ biến và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đến sức khỏe, tính mạng người bệnh. Bởi lẽ, cùng một triệu chứng chưa hẳn đã là một bệnh, cùng một bệnh lý chưa hẳn đã cùng một phương pháp điều trị, cùng một phương pháp điều trị chưa hẳn đã cho kết quả như nhau.

Mỗi một bệnh nhân là một cá thể riêng biệt, khác nhau về giới tính, độ tuổi, thể trạng và cơ địa, việc ra quyết định điều trị như thế nào phụ thuộc phần nhiều vào kiến thức và kinh nghiệm của thầy thuốc dựa trên những chứng cứ khoa học sau khi đã tham khám toàn diện và trao đổi với bệnh nhân.

Nguyên nhân của việc tìm “bác sĩ Google” để điều trị phần nhiều là do tính tiện lợi, bệnh nhân không muốn mất thời gian cho việc thăm khám và điều trị, cũng chính vì sự chủ quan này mà nhiều hệ lụy đáng tiếc xảy ra. bệnh nhân khi tự ý dùng thuốc không biết rằng thuốc mình dùng có thể gây dị ứng, tương tác thuốc hay thậm chí là sốc phản vệ dẫn đến t‌ử von‌g. Mặt khác, các phương pháp chữa bệnh dân gian được trên Internet là những phương pháp chưa được kiểm chứng, thiếu khoa học tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

Ngoài ra, một số bệnh nhân gặp trở ngại tâm lý khi mắc phải các bệnh da liễu, hoa liễu, bệnh nam khoa hay phụ khoa thường không dám đi khám và điều trị bài bản. Lúc này, “bác sĩ Google” là cứu cánh duy nhất của họ. Họ tự chẩn đoán và điều trị, đa phần đều không có kết quả và gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng máu, dễ sảy thai, vô sinh.

Bác sĩ Trường nhấn mạnh: “Việc tìm hiểu các thông tin về sức khỏe, bệnh lý là việc rất được khuyến khích nhằm nâng cao kiến thức về phòng bệnh và có thái độ tốt trong điều trị. Tuy nhiên, việc tự ý điều trị dựa trên các thông tin có được từ Internet là rất nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh”.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật