Bảo quản cơm nguội ra sao để tránh gây ngộ độc

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện nay, rất nhiều người dân vẫn có thói quen ăn cơm nguội. Theo các chuyên gia, ăn cơm nguội không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cơm cần được bảo quản đúng cách.
Bảo quản cơm nguội ra sao để tránh gây ngộ độc
Cơm nguội dù hâm nóng vẫn không đảm bảo giá trị dinh dưỡng bằng cơm mới nấu

Trước nhiều thông tin cho rằng thói quen ăn cơm nguội có thể bị ung thư, TS.BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, viện Trưởng viện y học Ứng dụng, đến nay, y văn chưa ghi nhận trường hợp nào bị ung thư dạ dày vì ăn cơm nguội hâm nóng.

Việc ăn cơm nguội hay hâm nóng cơm nguội không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bảo quản cơm trước không đúng cách sẽ khiến cơm bị hỏng. Như vậy, khi sử dụng cơm hâm nóng, người dùng có nguy cơ cao bị ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Sơn phân tích, trong gạo có thể có loại vi khuẩn Bacillus cereus, gây ngộ độc thực phẩm. Bào tử này sẽ chết ở nhiệt độ cao, nhưng nếu bảo quản cơm nguội ở nhiệt độ phòng bình thường sẽ tạo điều kiện cho bào tử và các vi khuẩn sinh sôi và phát triển.

Người ăn phải cơm có chứa vi khuẩn Bacillus cereus có thể buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy sau khoảng từ 1 đến 5 tiếng. Phần lớn các triệu chứng ở mức độ tương đối nhẹ và thường kéo dài trong khoảng 24 tiếng.

Bác sĩ Sơn nhấn mạnh cơm nguội sẽ trở nên nguy hiểm nếu hâm nóng sau khi bảo quản trong tủ lạnh nhiều hơn 24 tiếng. Cơm nguội chỉ an toàn nếu được nấu chín và để nguội đúng cách trong vòng 24 tiếng. Theo bác sĩ Sơn, cơm nguội dù được bảo quản đúng cách và an toàn, sau khi hâm nóng lại vẫn không thể đảm bảo giá trị dinh dưỡng bằng cơm mới nấu

Vì vậy, để đảm bảo an toàn thực phẩm và giá trị dinh dưỡng của cơm, các gia đình chỉ nên nấu lượng cơm vừa đủ. Trường hợp còn cơm thừa, người dân cần chú ý bảo quản cơm đúng cách, hợp vệ sinh.

Đồng quan điểm trên, Ths Trần Quốc Hùng – giảng viên Trường Cao đẳng y tế Hà Nội cho biết: “Theo tôi, các gia đình trong mỗi bữa ăn không nên nấu thừa cơm, bởi bất kể cái gì thừa cũng không tốt, kể cả là cơm đã được bảo quản trong tủ lạnh”, Ths Hùng khuyến cáo.

Theo ông Hùng, trong trường hợp ăn còn cơm thừa thì ngay khi cơm vẫn còn nóng, người dùng cần phải làm lạnh thật nhanh, có thể để cả ruột nồi cơm cho vào chậu nước lạnh sau đó cho làm nguội và cất vào ngăn mát tủ lạnh.

Ngoài việc không nên dùng cơm đã được bảo quản trong tủ lạnh quá 24 giờ, thì mọi người cần tránh hâm nóng cơm quá 2 lần, bởi quá trình hâm nóng sẽ làm mất hết chất dinh dưỡng trong cơm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật