Mất cân bằng có thể dẫn tới khủng hoảng tiếp theo

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong khi thế giới đang phải quay cuồng với các vấn đề nợ công Châu Âu, bất ổn tại Hàn Quốc, đe dọa thắt chặt tiền tệ của Trung Quốc, thị trường đã tạm quên đi một vấn đề không hề nhỏ: mất cân bằng thương mại.
Mất cân bằng có thể dẫn tới khủng hoảng tiếp theo
Ảnh minh họa

Cuộc sống tiện nghi mà hầu hết người Mỹ đang tận hưởng có thể sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn. Và nguồn gốc của mối đe dọa này chỉ gói gọn trong cụm từ: “mất cân bằng toàn cầu”

Điều này có liên quan đến thâm hụt thương mại nghiêm trọng hiện đang lan rộng tại nhiều nước, đáng chú ý nhất là Mỹ, kết hợp với thặng dư thương mại khổng lồ ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế đều nhất trí cho rằng trừ phi các nhà lãnh đạo thế giới có thể tìm ra biện pháp giải quyết vấn đề mất cần bằng này, nếu không sẽ có nguy cơ tiềm tàng của một cuộc sụp đổ kinh tế toàn cầu mới.

Chênh lệch tài khoản vãng lai giữa Mỹ và Trung Quốc

Vậy thặng dư thương mại sẽ mang lại những bất lợi gì?

Có vẻ như xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu đối với Trung Quốc là có lợi. Trên thực tế, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu mạnh mẽ và những thành công về kinh tế gần đây của Trung Quốc đã khiến cho hàng triệu người dân trong nước thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, với một mức thặng dư ngân sách khổng lồ, Trung Quốc cũng phải chịu áp lực lạm phát và rủi ro phát sinh từ bong bóng tài sản – những hiểm họa tiềm tàng khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào một cuộc khủng hoảng tài chính khác.

Trong khi cán cân thương mại ở Trung Quốc thặng dư, thì những quốc gia như Mỹ lại đang phải chịu cảnh thâm hụt thương mại trầm trọng, và cũng đang phải đối mặt với nhiều rủi ro. Tiêu dùng nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn sản xuất quốc gia, đồng nghĩa với việc nước này cần tài trợ cho thâm hụt của mình bằng việc bán tài sản như Trái phiếu chính phủ Mỹ cho các đối tác thương mại nước ngoài.

Thậm chí ngay cả khi nước Mỹ không phải chịu một cuộc khủng hoảng nợ, đồng đô la cũng sẽ tiếp tục mất dần giá trị trên thị trường toàn cầu nếu thâm hụt thương mại vẫn tiếp tục gia tăng, khiến cho giá hàng hóa nhập khẩu cũng như hàng tiêu dùng như dầu mỏ và thức ăn trở nên đắt đỏ hơn. Lãi suất có thể tăng kéo theo sự sụt giảm tăng trưởng của Mỹ.

Quên đi cuộc “chiến tranh tiền tệ”

Trung Quốc bị buộc tội cố tình giảm giá đồng nhân dân tệ bằng việc đồng thời mua vào đồng đô la và bán ra đồng nội tệ, khiến cho xuất khẩu của nước này có lợi thế cạnh tranh không công bằng trên thị trường thế giới.

Và hiện tại thì Mỹ đang phải đối mặt với những chỉ trích trong việc hạ thấp giá trị của đồng đô la cũng vì lý do tương tự. Động thái gần đây của cục dự trữ liên bang Mỹ Fed trong việc bơm thêm 600 tỷ USD vào nền kinh tế đã nhận được những phản ứng dữ dội từ các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, những người đã buộc tội Mỹ trong việc cố tình làm mất giá trị của đồng đô la.

Nhưng giải quyết việc mất cân bằng tiền tệ với Trung Quốc sẽ không phải là lời giải cho vấn đề này. Khi người Trung Quốc cho phép đồng nhân dân tệ tăng giá gần 20% trong những năm qua tính đến cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chênh lệch thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn ở mức trên 40%.

Thêm vào đó, Mỹ lại có thâm hụt thương mại với hầu hết các đối tác của mình, ngay cả với những quốc gia có chính sách tỷ giá thả nổi tự do.

Vấn đề thực sự ở đây chính là việc tiêu dùng quá mức của người tiêu dùng Mỹ, trong khi ở những nước khác hoạt động chi tiêu dùng lại chưa đạt mức độ cần thiết.

Theo các chuyên gia kinh tế, làm thế nào để giảm sự tiêu dùng quá mức của người Mỹ, và tăng tiêu dùng ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ thực sự là một bài toán không dễ dàng.

Điều này chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng câu hỏi đặt ra là xảy ra như thế nào. Tỷ giá hối đoái có thể có ích trong một chừng mực nào đó. Nhưng cuối cùng, tiết kiệm và đầu tư mới là những vấn đề quan trọng có thể mang nền kinh tế thế giới trở lại trạng thái cân bằng.

Rất nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng tiếp tục cắt giảm chi tiêu là cần thiết nếu như theo đó là sự tái cân bằng mà đi kèm khủng hoảng.

Nhưng chi tiêu ít hơn cũng có nghĩa là tăng trưởng kinh tế chậm hơn và ít việc làm hơn, vì thế cắt giảm chi tiêu sẽ đặc biệt khó khăn trong khoảng thời gian mà nền kinh tế vẫn còn dễ bị tổn thương.

Những thay đổi tất yếu trong cấu trúc thuế - như là thuế giá trị gia tăng mới – có thể khuyến khích tiêu dùng ít hơn, trong khi giảm được nguy cơ thâm hụt ngân sách.

Việc tăng cầu tiêu dùng ở các nước mới nổi thường được coi là hiệu quả hơn so với việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhà hoạch định chính sách trong việc cắt giảm chi tiêu do nó có thể kéo theo suy thoái.

Vì thế hầu hết các nhà lãnh đạo vẫn tiếp tục tập trung vào các động lực từ bên ngoài.

Trong suốt cuộc hội thảo với các thống đốc ngân hàng trung ương của các nước vào tuần trước, chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ben Bernanke cho biết nguyên nhân của sự mất cân bằng toàn cầu là do những nước có nền kinh tế xuất khẩu chủ đạo như Trung Quốc đang kìm giữ giá trị của đồng nội tệ nước mình quá thấp. Và răng điều này cần được thay đổi.

Nhưng ông Bernanke cũng thừa nhận rằng nước Mỹ cũng cần phải thay đổi nhằm giải quyết vấn đề mất cân đối trong nền kinh tế toàn cầu, bao gồm tăng tiết kiệm và đầu tư, đồng thời giải quyết vấn đề thâm hụt của chính phủ trong dài hạn.

Theo vị Chủ tịch này, “Theo tôi sẽ rất khó khăn cho việc tỷ giá hối đoái tự thân trở lại cân bằng. Những điều chỉnh về cấu trúc từ cả hai phía sẽ giải quyết được phần nào trong vấn đề này.”

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật