Bị cáo Trầm Bê nói gì khi được tự bào chữa?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong phần bào chữa bổ sung, bị cáo Trầm Bê biện hộ: ’Hiểu biết của tôi nó hơi đơn giản. Tôi làm ngân hàng đã 38 năm, chưa bao giờ xảy ra việc sai trái, dù nhỏ nhất...’.
Bị cáo Trầm Bê nói gì khi được tự bào chữa?
Ảnh minh họa

Ngày 31/7, phiên xử ngày thứ 7 vụ xử bị cáo Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín - Sacombank cùng 45 đồng phạm về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tiếp tục diễn ra tại trụ sở TAND TP HCM.

Trong phiên xử này, các luật sư bào chữa đã biện hộ cho thân chủ sau khi đại diện VKSND TP HCM đề nghị mức án đối với 46 bị cáo.

Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) bị đề nghị mức án 20 năm tù. bị cáo Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT, kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank) bị đề nghị mức án 4 đến 5 năm tù.

Các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Phó tổng giám đốc VNCB) bị đề nghị mức án từ 12 đến 14 năm tù. bị cáo Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) bị đề nghị từ 3 đến 4 năm tù.

Với 36 bị cáo khác là giám đốc các công ty "ma", giám đốc, phó giám đốc các ngân hàng, đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa đề nghị mức án từ 2 đến 5 năm tù.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: NLĐ.

Về phần trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND đề nghị thu hồi số tiền hơn 6.000 tỷ đồng là tang vật vụ án từ các ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.

Luật sư đã giữ nguyên quan điểm bào chữa cho bị cáo Trầm Bê trong phiên tòa hồi tháng 1/2018. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên quyền sử dụng đất tại đường Hồng Bàng, quận 5 (TP HCM) vì đây là tài sản chung của vợ chồng Trầm Bê.

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét ông Trầm Bê có thời gian dài cống hiến cho ngành ngân hàng, lần đầu phạm tội, có nhân thân tốt, chỗ ở rõ ràng. Đặc biệt, theo luật sư, hiện nay ông Trầm Bê mang nhiều chứng bệnh nên không cần cách ly ra khỏi đời sống xã hội.

Bào chữa bổ sung, bị cáo Trầm Bê trình bày xin tiếp thu ý kiến của luật sư và mong HĐXX xem xét lại hình phạt vì mức án đại diện VKSND TP HCM đề nghị là rất nặng nề.

"Hiểu biết của tôi nó hơi đơn giản. Tôi làm ngân hàng đã 38 năm, chưa bao giờ xảy ra việc sai trái, dù nhỏ nhất. Cái sai này là do hiểu biết chưa đến, còn tôi đã khai báo rất rõ ràng để phối hợp với cơ quan điều tra. Đối với cơ quan ngân hàng, có sự bảo lãnh để cho vay là đúng chứ nói cố ý thì tôi không cố ý làm trái. VKS luận tội tôi sai thì tôi không dám phản biện nhưng mong HĐXX xem xét để tôi sớm hòa nhập xã hội", bị cáo Trầm Bê tự bào chữa.

Xem Video: Đại án PVN: bị cáo không “quanh co chối tội”? 

//

Ngoài ra, nói về lời khai ở phiên toà sơ thẩm lần 1, Trầm Bê cũng trình bày: "Tôi xin rút lại lời khai ở phiên tòa lần trước (sơ thẩm lần 1 từ ngày 7/1 - 8/2/2018) là nói "không phục". Không phục không phải là không phục CQĐT, HĐXX. Không phục ở đây là cho tôi cái tội giúp sức đắc lực Phạm Công Danh. Việc cho vay hoàn toàn không có trục lợi. Tôi xin nhắc lại, Phạm Công Danh phải gặp tôi vì hạn mức vay đó là buộc phải gặp tôi, sau đó tôi chỉ xuống Phan Huy Khang làm đúng thủ tục cho vay".

Nội dung cáo trạng thể hiện, Phạm Công Danh nhận chuyển nhượng Ngân hàng Đại Tín từ bà Hứa Thị Phấn, ngân hàng này làm ăn thua lỗ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau đó đã đặt Đại Tín (sau này là VNCB) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Phạm Công Danh đã chỉ đạo nhân viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh dùng 6.630 tỷ của VNCB gửi vào Sacombank, BIDV, TPBank để bảo lãnh khoản vay thông qua 29 lượt công ty do ông Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân rồi chuyển tiền về cho Phạm Công Danh sử dụng. Sau đó bị 3 ngân hàng thu hồi nợ từ tiền gửi của VNCB, tổng số tiền là 6.126 tỷ đồng.

Do các công ty làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ, Ngân hàng VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên không thu lại được tiền bảo lãnh, dẫn đến VNCB bị thiệt hại hơn 6.126 tỷ đồng.

Còn Trầm Bê đã giới thiệu Phạm Công Danh với nguyên Tổng giám đốc Phan Huy Khang, sau đó chỉ đạo nhân viên dưới quyền hợp pháp hóa thủ tục giải ngân cho các công ty của Danh vay 1.800 tỷ đồng bằng các hồ sơ khống, gây thiệt hại cho VNCB 1.840 tỷ đồng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật