‘Củ cà rốt’ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương: Khởi đầu tốt, đường còn xa

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa công bố Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương, làm rõ hơn chiến lược mà Tổng thống Donald Trump từng thông báo trước đó.
‘Củ cà rốt’ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương: Khởi đầu tốt, đường còn xa
Sáng kiến “Vành đai, Con đường“ của Trung Quốc hướng đến việc xây dựng hạ tầng kết nối 3 châu lục Á, Âu, Phi và tăng cường ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố tại Diễn đàn kinh doanh Ấn Độ - Thái Bình Dương hôm 30/7 ở Washington DC nhìn chung được dư luận đánh giá là bước khởi đầu triển khai tích cực, song vẫn bộc lộ hạn chế, báo hiệu nhiều khó khăn trên con đường can dự kinh tế của Mỹ với khu vực.

Khởi đầu tốt

Tiếp sau phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tại Đối thoại Shangri-La (đầu tháng 6), Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương là bước tiếp theo làm rõ hơn và cụ thể hóa nội dung Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương trong phát biểu của Tổng thống Trump tại Đà Nẵng (11/2017) và Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ (12/2017).

Tầm nhìn thể hiện nỗ lực nhiều tháng qua của chính quyền Mỹ khi tham vấn, lắng nghe những quan tâm, nghi ngại của khu vực về cam kết, lộ trình, biện pháp, sáng kiến triển khai chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt về can dự kinh tế có “truyền thống” bị chỉ trích là yếu, thiếu hiệu quả và trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi TPP.

Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố "kỷ nguyên mới" về cam kết của Mỹ ở "Ấn Độ - Thái Bình Dương" với việc công bố sáng kế đầu tư 113 triệu USD cho các mảng kinh tế số, năng lượng và hạ tầng ở khu vực này. Ảnh: Reuters.

Thứ nhất, thông điệp chính của tầm nhìn là Mỹ sẽ mang đến cho khu vực thêm sự lựa chọn: một mô hình hợp tác kinh tế chất lượng cao (và dĩ nhiên đằng sau đó là sự lựa chọn chiến lược). Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung gia tăng, ẩn ý xuyên suốt là sự đáp trả, cạnh tranh mô hình của Mỹ với sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, dù tầm nhìn không trực diện công kích Trung Quốc như trong Chiến lược An ninh Quốc gia và khẳng định các sáng kiến của Mỹ không loại trừ ai.

Không buộc các nước phụ thuộc

Tầm nhìn tái khẳng định Mỹ muốn các nước khu vực mạnh, độc lập; Mỹ tìm kiếm đối tác, không tìm kiếm thống trị và buộc các nước khác phụ thuộc, sẽ chống ai mưu đồ thống trị; không gây dựng ảnh hưởng chính trị, chỉ muốn xây dựng đối tác kinh tế.

Về mô hình, Mỹ có bề dày lịch sử hợp tác, hỗ trợ kinh tế cho khu vực. Washington coi ASEAN là trung tâm của Ấn Độ - Thái Bình Dương và hiện là nhà đầu tư số 1 ở Đông Nam Á. Chính phủ Mỹ theo đuổi mô hình hợp tác công - tư, hợp tác nhóm (ví dụ với Nhật, Úc), chủ yếu đóng vai trò hỗ trợ, tạo thuận lợi bằng cơ chế, chính sách thông thoáng, minh bạch, không tham nhũng cho khu vực tư nhân kinh doanh, đầu tư, đảm bảo cho các đối tác khu vực phát triển bền vững.

Thứ hai, về trọng tâm và sáng kiến cụ thể, Mỹ ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế số, năng lượng, hạ tầng trong các khuôn khổ ASEAN, ASEAN Connect, APEC, Sáng kiến Tiểu vùng Mekong, Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương, bước đầu cam kết hỗ trợ tài chính 113 triệu USD cho 3 sáng kiến Kết nối số và đối tác an ninh mạng, Tăng cường phát triển, tăng trưởng thông qua năng lượng, Mạng lưới hỗ trợ, giao dịch hạ tầng.

Để giải tỏa nghi ngại về khả năng tài chính của Mỹ đáp ứng nhu cầu hạ tầng rất lớn của khu vực (khoảng 26 nghìn tỷ USD đến năm 2030), Quốc hội Mỹ cũng đang thông qua dự luật BUILD, lập công ty tài chính phát triển hỗ trợ các dự án hạ tầng khu vực với hạn mức là hơn 60 tỷ USD.

Đường còn xa - còn đó nhiều nghi ngờ

Tầm nhìn kinh tế của Mỹ có nhiều tham vọng, là bước khởi đầu tích cực, song khó làm tan hết nghi ngờ của dư luận, khu vực về khả năng hiện thực hóa và hiệu quả của chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, đặc biệt với khoảng trống quá lớn để lại sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Thứ nhất, một số ý kiến cho rằng tầm nhìn thực ra chỉ là “tân trang” chiến lược "Tái cân bằng" của thời Obama và chưa khắc phục được những hạn chế cố hữu: khoản tiền hỗ trợ 113 triệu USD là “muối bỏ bể” để triển khai một chiến lược lớn trải dài từ bờ Tây nước Mỹ đến bờ Tây Ấn Độ; mô hình Mỹ chủ quan cho là tốt nhưng chưa chắc sẽ được khu vực áp dụng rộng rãi, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp Trung Quốc, nhất là về xây dựng hạ tầng.

Một số ý kiến cho rằng tầm nhìn thực ra chỉ “tân trang” chính sách "Tái cân bằng" của thời Obama. Ảnh: Reuters.

Thứ hai, nguồn lực cho triển khai sáng kiến thông qua các cơ chế khu vực như ASEAN hay APEC sẽ khó khăn do Chính quyền Trump trên thực tế coi trọng song phương hơn đa phương. Thứ ba, tranh chấp thương mại leo thang giữa Mỹ với mọi đối tượng (dù có nhẹ tay hơn với đồng minh, đối tác) và chủ trương thương mại có đi có lại (reciprocal) theo khuôn khổ song phương của Chính quyền Trump tiếp tục được nhấn mạnh trong tầm nhìn chắc chắn sẽ cản trở và làm yếu đi hiệu quả triển khai chiến lược khu vực, duy trì trật tự dựa trên luật lệ của Mỹ.

Với Mỹ, tín hiệu lạc quan đã bắt đầu, song chặng đường phía trước còn nhiều trắc trở. Khu vực đang theo dõi sát khả năng hiện thực hóa sự lựa chọn chiến lược-kinh tế mới mà chính quyền Trump cam kết mang đến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật