Thành hoàng hiển linh

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngôi đình làng đổ nát gần đây bỗng chốc trở nên nổi tiếng trong các buổi “buôn dưa lê bán dưa cà“ của những người đàn bà nhiều chuyện. Và một điều hiển nhiên, đề tài của họ cũng xoay quanh cái thông báo giao nộp vật cũ của đình...
Thành hoàng hiển linh
Ảnh minh họa

Ông Hoàng hết đứng lại ngồi, thở dài thườn thượt. Từ ngày lên làm Trưởng thôn, đây là lần đầu tiên ông thấy mình bất lực đến vậy. Ông cứ loanh quanh từ đầu nhà bên này sang đầu nhà bên kia, khiến con trai ông nhìn thôi cũng thấy chóng mặt, liền nói:

- Bố làm cái gì mà cứ đi đi lại lại thế?

- Anh thì biết cái gì! Tôi đang đau hết cả đầu đây - Ông Hoàng gắt gỏng.

Ông ngồi xuống bàn, rót cho mình một chén nước chè. Cái vị chan chát đầu lưỡi, ngòn ngọt trong cuống họng khiến tâm tình ông dễ chịu hơn chút ít. Anh Long thấy bố có vẻ bình tĩnh hơn mới tiếp tục hỏi:

- Thế có chuyện gì, bố nói con nghe xem có giải quyết được không?

- Haiz… nói ra thì dài dòng lắm. - Nhấp một ngụm nước chè, ông tiếp lời - Mày có nhớ cái đình đổ làng mình không?

- Đình nào? Có phải cái chỗ nền nhà đổ, ngày xưa tụi con vẫn hay buộc trâu đầu làng ấy hả? - Long nghi hoặc.

- Ừ nó đấy, đình làng mình đấy. Ngày xưa chiến tranh, bom đạn bọn Mỹ nó phá đổ. Bây giờ người ta về điều tra, phát hiện đây là di tích cổ thờ thành hoàng làng có sắc phong hẳn hoi. Được nhà nước công nhận, cấp bằng di tích lịch sử. Chính quyền tỉnh, huyện rót vốn về muốn trùng tu phục vụ du lịch - Ông Hoàng hào hứng kể.

- Đấy là chuyện vui mà. Bố làm con tưởng có chuyện gì thật nghiêm trọng? - Long thở phào.

- Đành rằng là vui. Nhưng… - Ông Hoàng hơi ngập ngừng - Bên quản lý trùng tu người ta đòi phải thu hồi các hiện vật trước đây của đình về. Song mấy chục năm rồi, tao đi đâu mà tìm bây giờ.

- Thế sao bố với các bác trong thôn không thông báo lên loa làng. Xem nhà ai còn lưu giữ, để người ta biết còn đem ra trả - Long hỏi lại.

- Anh nghĩ chúng tôi không thông báo à. Cả tháng nay rồi mà có ai đem cái gì ra đâu - Ông Hoàng nói với vẻ bực bội.

- Thế thì khó nhỉ…

Đình làng có đã mấy trăm năm, lại trải qua chiến tranh tàn phá, đến nay cũng chỉ còn giữ được khuôn dạng chứ thực chất bên trong đã rỗng từ lâu. Những hiện vật trong đình ngày trước không bị phá hủy thì cũng mất mát, mà kẻ trộm lại chẳng phải ai xa lạ, toàn người làng này cả.

Người ta lấy những cái kèo gỗ về lợp nhà, viên đá xanh kè bờ ao, mấy chục năm giờ còn ai muốn trả nữa. Chưa nói đâu xa, ngay nhà ông Hoàng cũng có năm sáu viên đá xanh đang lót chuồng gà từ thời bố ông để lại. Dẫu bây giờ ông tự nguyện đem trả chúng về thì những người khác cũng không nguyện ý.

Loa làng ngày nào cũng ra rả mà dân làng nghe xong toàn làm ngơ. Có lúc ra đường ông còn thấy người ta tụm năm tụm ba bàn luận việc này. Tất cả mọi người đều nhất trí cho rằng các ông "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", đã trùng tu, dùng tiền nhà nước thì cứ xây mới hẳn cho rồi. Thậm chí, có người còn nói các ông làm vậy là để tiết kiệm lấy tiền chia nhau khiến ông tức lắm.

Tuy nhiên qua cơn tức, ông lại thấy đau đầu. Cấp trên đã giao phó, nếu làm không được thì cái chức Trưởng thôn cũng không cần ông nữa.

- Con có cách rồi! - Long chợt hét lớn.

- Anh hét cái gì. Có cách gì thì nói tôi nghe xem nào?

Ông Hoàng tuy bực vì con trai nhưng nghe có cách nên giọng vẫn mềm mỏng. Thú thực, ông vẫn tin Long sẽ nghĩ được sáng kiến gì đó. Chí ít ông tốn bao nhiêu tiền cho con học đại học, tốt nghiệp lại ở thành phố làm việc không phải chuyện chơi.

- Dân làng mình mê tín không bố? - Long hỏi.

- Cũng có nhưng toàn cái dạng bụt chùa nhà không thiêng. Họ cứ đi lễ lạt thiên hạ thôi.

- Thế có người nào trong nhà nhiều hiện vật và lại mê tín?

Long hỏi tiếp, đầu suy nghĩ kỹ càng cái ý tưởng vừa lóe lên. Vẻ mặt anh đăm chiêu khiến ông Hoàng sốt ruột thúc giục:

- Mày nói nhanh xem nào

- Bố lại đây, việc này chỉ bố con mình biết thôi.

Ghé sát tai bố, Long thì thầm. Càng nghe ông Hoàng càng thấy hứng khởi, nhưng khi nghĩ một vòng ông lại do dự.

- Làm vậy liệu có sợ thánh thần phạt không?

- Phạt là phạt thế nào? Mình làm thế giúp họ tìm đồ, đáng ra còn phù hộ cho mình ấy. Bố cứ yên tâm, kiểu gì cũng thu được hết đồ cho đình.

Nghe con trai khẳng định, ông Hoàng cũng có mấy phần tin tưởng. Đùa chứ, cái việc đem thần thánh ra gạt người ông cũng sợ lắm. Thế nhưng, cứ nghĩ đến việc không làm, cái ghế cũng lung lay là ông lại muốn liều. Đằng nào cũng không còn cách nào khác, thử một chút có khi còn giải quyết được. Nghĩ thế ông bắt tay ngay vào thực hiện mà cái đình đổ vốn chìm trong quên lãng đã bắt đầu hiện hữu.

*

Ngôi đình làng đổ nát gần đây bỗng chốc trở nên nổi tiếng trong các buổi "buôn dưa lê bán dưa cà" của những người đàn bà nhiều chuyện. Và một điều hiển nhiên, đề tài của họ cũng xoay quanh cái thông báo giao nộp vật cũ của đình. Kể ra thì mấy ông cán bộ thôn cũng giỏi, loa làng cứ phát đi, phát lại cái thông báo cả ngày. Thổi phồng tầm quan trọng của đình làng và những hiện vật thất lạc khiến cho vài hộ lục tục đem ra trả. Ấy vậy mà đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ, còn đại đa số thì:

- Úi giời! Thần với chả thánh, có thiêng thì cái đình đã không nát thế.

Mụ Tám béo bán thịt bĩu môi, giọng giễu cợt nói với mấy người khách trước sạp hàng. Thường những người buôn bán sẽ rất mê tín, cầu thần bái Phật phù hộ cho việc làm ăn. Ngày trước mụ cũng vậy, còn đặc biệt tin sùng là đằng khác. Cứ chỗ nào có hội là mụ lại theo đi lễ. Nhưng lễ hoài, việc làm ăn vẫn bình bình như cũ, lại khiến chồng mụ ghen đòi ly dị. Vậy nên mụ chẳng tin nữa, còn ghét ấy chứ, nhất là mấy ngày nay cái loa luôn ra rả chốc đầu càng khiến mụ buồn bực.

Tay chặt chan chát lên miếng xương lợn, tai mụ vểnh lên nghe ngóng xung quanh xem có ai đồng tình với mình không. Và không để mụ thất vọng, cái giọng lè nhè của thằng cha Tý, một bợm nhậu quen thuộc trong quán vang lên làm mát lòng mụ.

- Đúng đấy! Thánh thần cũng không bằng rượu.

Chửi xong, lão lại lếch thếch xách chai rượu khuyến mại từ chỗ mụ Tám về nhà. Đằng sau gã, mụ Tám và mấy bà tiếp tục câu chuyện dang dở. Thỉnh thoảng còn vọng lại một câu chửi tục của một bà nào đó.

Nhà lão Tý nằm cuối xóm, với cái ao rộng nhất nhì làng từ thời bố lão còn làm Chủ tịch xã. Vậy nên cũng không có gì để nghi ngờ khi nói bao nhiêu viên đá xanh của đình đều trôi cả vào nhà gã. Nguyên cái cầu ao dài hơn chục mét, giờ bảo lão đem trả thì tiếc, lại phí thời gian, lão thấy thà để uống rượu còn hơn.

Đấy là lão nghĩ, vợ lão lại nghĩ khác. Bà không gan như lão, chưa kể mấy hôm nay bà lại nghe được cái tin đồn không chính thức rằng đình làng thiêng thật. Không thiêng mà thằng con ông Trưởng thôn tuốt từ thành phố về bảo bố đem đồ ra trả. Còn nói thêm là đi xem bói, thầy phán vì lấy đồ của thánh thần nên giời phạt làm ăn không suôn sẻ, ai không trả coi chừng mất mạng.

Ngẫm lại mấy người trong nhà cũng có không ít đồ, người thì chết bất đắc kỳ tử, người giờ cũng ung thư thì càng sợ. Thấy lão ngồi bắt chân trên ghế, bà lại gần thủ thỉ:

- Mình này, đình làng đang kêu gọi trao trả hiện vật thất lạc ấy.

- Trả cái gì? Trả cho chúng có tiền nốc rượu à. Ai trả thằng này không trả – Lão Tý cầm chai rượu chửi đổng.

- Không trả tôi cứ thấy lo lo. Nghe bảo đình làng mình thiêng lắm, không trả các ngài phạt thì khổ – Vợ lão vẫn mềm mỏng.

- Lo cái gì mà lo. Thằng này đếch sợ, bao nhiêu năm có việc gì đâu. Bà cứ đi nghe linh tinh xong thần hồn nát thần tính - Lão quay lại mắng mụ vợ, miệng lại tu rượu đánh ực một cái.

- Nhưng mà… - Vợ lão vẫn còn lăn tăn, lão đã lên giọng dẹp ngay:

- Ông cấm, không trả gì hết. Rảnh thì rang mẻ lạc cho ông nhắm rượu.

Thấy vợ vẫn còn đứng đó, lão giơ cái chai quơ quơ: "Nhanh lên, chậm ông lại phang cho giờ".

Vợ lão hốt hoảng chạy xuống bếp. Tuy lão thường xuyên nát rượu, nhưng vẫn là chủ gia đình. Nhà này chẳng ai dám trái ý lão. Nhậm một ngụm rượu, lão lẩm bẩm khinh thường “Thần tài ông còn vả, thánh thần là cái đinh gì? Có giỏi đến mà bắt ông này”. Vừa chửi lão vừa tu ừng ực chai rượu nếp như nước lã, mắt lờ mờ nhìn về cái ban thần tài vỡ nửa của mụ vợ mà định sẵn kết cục cho đình.

*

Từ ngày cái tin đồn đình làng rất thiêng, thành hoàng làng hiển linh phạt cho con trai ông Trưởng thôn lan ra khiến bà con bắt đầu lo lắng. Đa phần dân quê ai cũng nghĩ có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Vậy nên, chẳng mấy hôm mà người ta nối đuôi nhau đem đồ ra trả, thi thoảng có nhà còn sắm cái lễ nho nhỏ, thuê thầy cúng cho an tâm.

Tất cả làm ông Hoàng cứ mỗi lần nhìn danh sách hiện vật lại cười toét miệng. Ông không kể với ai, nhưng nghĩ đấy là kế của con mình là lại thấy sướng. Sướng vì cái sự tài giỏi của con mà cũng sướng vì lời hứa của cấp trên hôm trước. Khi lên xã báo cáo tiến độ thu hồi, ông Chủ tịch đã nói, nếu mọi việc xong xuôi sẽ cho ông một khoản bồi dưỡng.

Vì thế ông càng tích cực, điểm tên các hộ, ông nhăn mặt, nhíu mày khi phát hiện còn vài hộ. Nghĩ mãi lại chẳng có cách gì, ép không ép được, mà cưỡng chế cũng không xong. Toàn thành phần chày cối, từ đóng góp đến phong trào, trước giờ các ông toàn phải bỏ qua. Nói thì bảo nọ kia nhưng thực ra mấy ông cũng sợ dây vào, nhà nào cũng liều cả. Như nhà mụ Tám béo, lần trước ông và anh Bí thư chi bộ vào, mụ đóng cửa, con chó đẻ xồ ra làm hai người phát hoảng, chạy trối chết.

Rút kinh nghiệm lần trước, ông lấy điện thoại điện cho con trai. Chờ hết những tiếng tút tút, Long vừa bắt máy ông vội hỏi luôn:

- Anh rảnh không, nghĩ kế hộ bố.

- Lại chuyện ngôi đình đổ ạ?

- Ừ! Lần trước tôi làm theo cách anh bảo, cũng thu được gần hết rồi. Nhưng còn mấy hộ gan quá thu không được - Ông uể oải giải thích.

- Bố kể qua mấy hộ con nghe xem nào.

- Mấy nhà như thằng cha Tý đó, say sưa suốt ngày mà báng bổ thần thánh lắm, với nó không gì bằng rượu. Mà đem rượu đến dỗ nó lại không nghe. Hay mụ Tám béo bán thịt, bà Hưởng cuối xóm… nhà nào cũng nhây cả. Lấy vào rồi chẳng muốn nhả ra nữa – Ông Hoàng chán nản liệt kê.

- Thế à… - Long im lặng một lúc - Con nghĩ, bố chỉ cần nhắm vào mình nhà lão Tý là mấy nhà kia sợ hết ấy. Dẫu sao đàn bà cũng không lỳ lợm bằng đàn ông.

- Nhưng nhắm thế nào bây giờ?

- Thì làm cho thành hoàng hiển linh thật đấy. Giống hồi nhỏ bố vẫn dọa mấy đứa tụi con.

Nghe thế, ông Hoàng hơi đắn đo, dù sao cũng là người lớn cả, ai còn tin mấy chuyện trẻ con thế.

- Liệu nó có tin không?

- Tin chứ bố, rượu say rồi thần hồn nát thần tính ai còn phân biệt được - Long cam đoan.

- Để tôi thử xem sao.

Nghĩ hết cách rồi nên ông Hoàng cũng muốn thử, có khi lại hay. Sau hôm ấy, ông Hoàng thường để ý đến lộ trình rượu của lão Tý, từ lúc rời nhà đến cả những chỗ lão hay ngồi nhâm nhi. Chuẩn bị đạo cụ, ông Hoàng tỉ mỉ lên kế hoạch, để chắc chắn ông lại gọi mấy người trong thôn lại họp thống nhất ý kiến. Phân công mỗi người một việc. Cũng có người phản đối, nhưng khi nhắc về khoản bồi dưỡng sẽ bay mất nếu không xong việc thì họ đồng tình ngay.

Trời bắt đầu sẩm tối, ngôi đình đổ nằm trơ trọi bên cánh đồng đầu làng lại càng âm u làm tăng thêm vẻ huyền bí. Lão Tý xách chai rượu, chân xiêu vẹo, miệng lẩm bẩm những câu hát không hoàn chỉnh. Tay cầm chai của lão cứ vung va, vung vẩy theo nhịp điệu của người say.

Ngang về cổng đình, nhìn cái vẻ điêu tàn của gạch vỡ, rêu xanh và những cái cây xơ xác, nghĩ đến mấy cái tin đồn thánh thần gần đây, lão tu hớp rượu rồi phun hết vào khoảng đất trước mặt. Ngửa cái cổ lên trời, tay vung chai chửi:

- Ra đây mà bắt ông này. Ông không trả đấy! Thánh với thần ra mà bắt ông này.

Bất chợt, cái tay lão khựng giữa không trung, mắt mở trừng trừng nhìn vào trong đình. Ánh đèn mờ mờ, bóng người thấp thoáng qua lại khiến lão thấy ghê ghê. Lão biết chắc cái đình này bỏ hoang đã lâu, dù được trùng tu thì cũng còn đang vận động, chưa có ai làm gì cả. Thế mà giờ lại có bóng người, làm lão sợ. Nghĩ do rượu khiến mình hoa mắt, lão dụi dụi mắt nhìn lại. Nhưng cái bóng vẫn chập chờn, mờ mờ trong đình làm lão không rét mà run. Lùi lại chậm rãi, đến gần qua cổng đình, cái bóng vẫn chẳng biến mất. Lão thấy chớp động như muốn đuổi theo khiến lão la thất thanh, men say trong phút chốc bỗng bay đâu hết.

- Ma… ma …

Vừa chạy, lão vừa ngoái lại. Chân lão chẳng biết vấp phải cái gì mà khuỵu xuống. Cả người lăn tròn thành một cục thẳng xuống cái ao đình. Tay chới với giữa dòng nước, miệng kêu cứu liên tục, lầm bầm “Đừng bắt tôi… cứu”. Chai rượu bị lão quăng lúc nào không biết, nước tràn vào miệng nhiều hơn men rượu còn đọng lại. Lão cứ chìm dần, chìm dần rồi mất hút.

*

- Ộc… ộc.

Lão Tý nôn hết nước trong bụng mới dần dần tỉnh. Nhìn thấy vợ lo lắng ở bên, liên tục hỏi “có sao không mình?”, lão mới biết mình còn sống. Nghĩ đến cái bóng lão lại sợ run lên, vội hỏi:

- Sao tôi về nhà được?

- Bác Hoàng Trưởng thôn đưa ông về đấy. Uống thế nào mà ngã cả xuống ao thế? May các bác ấy đúng lúc ngang qua cứu được. Lần sau tôi cấm - Vợ lão cằn nhằn, tay chân nhanh lẹ xuống bếp lấy cháo cho lão.

- Chú thấy thế nào rồi?

Thấy lão Tý không có việc gì ông Hoàng mới yên tâm. Lúc ấy, thấy lão ngã xuống ao, ông cũng hoảng. Vốn chỉ định dọa lão, chứ lão chết thật thì các ông cũng đi tù cả đám.

- Em không sao. Cảm ơn bác - Lão Tý đáp.

- Thế chú nghỉ đi, lần sau cẩn thận, tôi về đây.

Ông Hoàng đi thẳng về nhà, nghĩ tới việc sau vụ này chắc lão Tý cũng chẳng thể gan lỳ được nữa là ông thấy nhẹ nhõm hẳn. Gần chục ngày nay cứ mải lo nghĩ việc này mà ông ăn không ngon, ngủ chẳng yên. Mỗi đêm cứ nghĩ khoản bồi dưỡng đã đến tay lại bay mất là ông giật mình tỉnh giấc. Giờ thì yên tâm rồi, ông chỉ việc chờ ngày nhận tiền nữa thôi.

Đúng như ông Hoàng nghĩ, sáng hôm sau lão Tý đã chỉ huy vợ con đem hết những viên đá xanh, mấy cái giá đỡ trong nhà ra trả. Bắt đầu từ nhà lão, mấy nhà như mụ Tám, bà Hưởng cũng lục tục ra trả. Chẳng biết có phải lão xúi hay không mà nhà nào cũng sắm lễ, hôm trước báng bổ bao nhiêu thì giờ thành kính bấy nhiêu.

Với tiến độ như vậy, chẳng mấy chốc hiện vật đã thu về đủ. Lại chờ mấy tháng thi công, ngôi đình đổ hoang tàn giống như lột xác. Trước cũ từ trong ra ngoài thì giờ mới toàn bộ, từ mái ngói đỏ đỡ những con rồng đá xanh uy nghi hay nền sân gạch đỏ. Người ta chẳng còn nhận ra đâu là viên đá, cái kèo, cái cột mục nát trước kia. Người làng ra xem ai cũng phải tấm tắc khen tay nghề của mấy tay thợ thật giỏi.

Ngày đình làng khánh thành, chính quyền tỉnh huyện về tổ chức một buổi lễ trọng thể. Ông Chủ tịch tỉnh lên phát biểu chỉ đạo, ông Chủ tịch huyện cam kết và ông Chủ tịch xã cảm ơn. Ba ông xếp thành một hàng chờ cắt băng khánh thành mở đầu cho những nghi lễ rườm rà sau đó. Dân làng kéo nhau ra xem như trẩy hội, ăn uống chật cả sân đình từ sớm cho đến tối mới kết thúc.

Hôm ấy, ông Hoàng tối muộn mới về nhà trước lúc trời mưa. Chạy vội vào buồng, tay lần dở những lớp khăn mùi xoa, cái phong bì ngấm nước hơi nhàu nhĩ không khiến ông quan tâm, chỉ cần ruột nó lành là hài lòng. Đây là khoản bồi dưỡng cho mấy tháng ông cặm cụi. Số tiền làm ông bực. Vứt phịch số tiền lên giường, ông lẩm bẩm chửi:

- Mẹ chúng nó, nghĩ cho ăn mày à. Vất vả mấy tháng nó cho không bằng đứa làm công.

Chửi thì chửi, vứt tiền xong ông lại tiếc. Dù biết cái số tiền mà mấy ông Chủ tịch được, chắc chắn sẽ nhiều hơn ông cả chục lần. Thế nhưng, ông cũng chẳng thể làm gì, chỉ biết chửi thầm mấy lão quan tham ấy mà thôi.

Càng về đêm, cơn mưa càng dữ dội. Gió thét từng cơn liên tục, sấm chớp cắt những đường ngoằn nghèo trên bầu trời. Mỗi người trong đêm một suy nghĩ, song tựu chung thì đều trằn trọc khó ngủ.

Ông Hoàng thức dậy khi trời đã sáng tỏ. Chưa kịp ăn sáng đã thấy bà vợ hớt ha hớt hải chạy như ma đuổi:

- Sợ… sợ quá, cái đình…

- Cái đình làm sao?

Ông Hoàng bực bội, nhắc tới đình ông lại nhớ đến tiền. Ông chỉ ước nó sập luôn đi cho mấy thằng cha lãnh đạo kia không nuốt trôi số tiền ấy cho được.

- Đình sập rồi. Người ta bảo thành hoàng hiển linh - Vợ ông Hoàng hổn hển nói.

- Sập…

Ngồi phịch xuống ghế ông Hoàng thất thần, ông chỉ chửi thầm, ước suông thế thôi chứ ai ngờ sập thật.

- Mấy cha lãnh đạo tham ô, rút ruột công trình. Trông thì mới chứ bên trong mục nát hết cả, đem xi măng trát bên ngoài. Đêm qua mưa gió, đình sập mới lộ ra, công an người ta đang điều tra. Nhưng nghe nói, mấy ông lãnh đạo xã trốn hết rồi.

Những lời của bà vợ như cái búa đập vào đầu ông. Nhất là cái từ trốn ấy lại càng khiến ông choáng váng. Đi hết cả thì giờ ai chịu trách nhiệm? Nghĩ vậy ông cũng cuống, người ta trốn mình cũng phải đi luôn mới kịp. Vội vàng lấy tiền, thu dọn quần áo, ông chạy ra khỏi nhà về phía đường cái. Miệng lẩm bẩm không dứt:

- Phải trốn… đi trốn…

Bà Hoàng chẳng hiểu chuyện gì, cứ lẽo đẽo đuổi theo sau, hô to gọi nhỏ rồi cũng biến mất về phía con đường. Thỉnh thoảng xung quanh vẫn vang vọng những câu hỏi:

- Trốn… trốn đi đâu?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật