Đường mới làm đã hỏng - chuyện ‘thường ngày ở huyện’?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tình trạng xuống cấp nhanh của công trình giao thông đã gây nên nhiều phản ứng của dư luận xã hội, nhiều dự án giao thông trở nên tốn kém, lãng phí thời gian sửa chữa khắc phục.
Đường mới làm đã hỏng - chuyện ‘thường ngày ở huyện’?
Có những đoạn nứt ngang đường từ bên này vỉa hè qua bên kia vỉa hè được đơn vị thi công cho nhân viên dùng máy cắt để chờ sữa chữa. Ảnh: Công lý, chụp tại công trình đường bao khu dân cư

“Mặt đường có xuất hiện một số tấm bê tông bị nứt chân chim, và rỗ lớp mặt. Chúng tôi đã đi kiểm tra rồi nhưng còn phải đánh giá lại bởi tuyến đường này vẫn chưa hoàn thành”. Đó là lời của ông Nguyễn Quang Hải - Giám đốc Sở xây dựng tỉnh Kon Tum xung quanh thông tin đường 250 tỷ chưa kịp bàn giao đã xuống cấp khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Không bất ngờ

Được biết, công trình đường bao khu dân cư phía Bắc thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Trần Phú đến cầu treo Kon Klor) do UBND tỉnh Kon Tum phê duyệt. Tuyến đường có chiều dài hơn 4km, thuộc công trình đường cấp III, bề rộng nền đường 17m (trong đó, mặt đường rộng 7m và hai bên vỉa hè 10m), tải trọng thiết kế mặt đường - trục xe 10 tấn, hệ thống thoát nước là kết cấu bê tông và bê tông cốt thép.

Kết cấu mặt đường bằng bê tông xi măng bao gồm hai lớp, lớp trên cùng là mặt đường bê tông xi măng M300, dày 22cm, lót 1 lớp giấy dầu và lớp dưới dùng đá dăm loại 1 Dmax dày 15cm.Tổng mức đầu tư lên đến hơn 250 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây nguyên và ngân sách Nhà nước.

Đáng nói, tuyến đường đến thời điểm này, chưa hoàn thiện nhưng đã xuất hiện hàng trăm vết nứt nẻ, cùng với đó là sự sụt lún của 1 vài điểm vỉa hè và ta luy đường. có những đoạn nứt ngang đường từ bên này vỉa hè qua bên kia vỉa hè được đơn vị thi công cho nhân viên dùng máy cắt để chờ sữa chữa.

Nói thẳng ra, câu chuyện đường trăm tỷ hay ngàn tỷ mới vận hành hay chưa nghiệm thu đã hư hỏng như ở Kon Tum là chuyện không phải mới mẻ hay bất ngờ gì.

Cách đây không lâu, tuyến quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định mặc dù đã trải qua nhiều lần sửa chữa, nhưng hiện chất lượng vẫn rất xấu. Thậm chí, có đại biểu còn dẫn chứng: Đường cùng tuyến quốc lộ, tại sao ở Quảng Ngãi và Phú Yên không hỏng mà ở Bình Định lại hỏng?

Hay một dự án mới đây khác cũng gây bức xúc dư luận là tuyến đường từ Thành phố Tam Kỳ đi về trung tâm huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo huyện Phú Ninh, được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, nhưng, mới vừa đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu hư hỏng nặng.

Rồi chuyện phản ánh của người dân xã Diễn Vạn (huyện Diễn Châu – Nghệ An) mới đây cũng thế, tuyến đường thuộc dự án từ xã Diễn Kim – Diễn Vạn – Diễn Hồng, do UBND huyện Diễn Châu làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 6,520 tỷ đồng, do ngân sách huyện cấp. Dù mới được thi công từ đầu năm 2018 với chiều dài khoảng 600m, thế nhưng đến nay, sau vài tháng đã xuất hiện tình trạng hư hỏng mặt đường như bị lún, bong tróc..v..v.

Tình trạng xuống cấp nhanh của công trình giao thông đã gây nên nhiều phản ứng của dư luận xã hội, nhiều dự án giao thông trở nên tốn kém, lãng phí thời gian sửa chữa khắc phục. Nguy hiểm hơn, những hư hỏng trên các tuyến đường sẽ tiềm tàng ẩn họa tai nạn giao thông nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến phương tiện và tính mạng người tham gia giao thông.

Bài toán trách nhiệm

Liên quan đến con đường 250 tỷ đồng chưa bàn giao đã hỏng, có nhiều nghi vấn được người quan tâm đặt ra như thiết kế sai, giám sát lỏng lẻo, thi công kém chất lượng, bớt xén, làm sai lệch cốt liệu thi công hay chỉ là do xe quá tải nhanh chóng làm hư hại mặt đường…

Thế nhưng, dù vì bất cứ nguyên nhân gì đi nữa thì các cơ quan chức năng cần nhanh chóng kiểm tra, có hướng xử lý để tuyến đường này đảm bảo được mục đích đã được đề ra. Còn chuyện sửa lại là đương nhiên rồi, không có gì phải lý giải nhiều lời.

Có người thể hiện sự bức xúc: “Hãy xem người Mỹ và nhiều nước họ làm các con đường. Qua bao năm sử dụng, xe nọ xe kia đường vẫn chắc chắn, êm ru. Còn ở nước ta, mấy con đường các vị làm thường bị thời tiết phá? Nói thẳng ra, khi lập dự toán thì vống lên, khi thực hiện thì theo kiểu làm ăn gian dối, ăn bớt vật tư, công đoạn thì đường nó không hỏng mới là lạ”.

Trách nhiệm chưa truy nên chưa rõ ai phải cáng đáng. Có điều, đây chính là một sự lãng phí, tham nhũng trong đầu tư công. tham nhũng đang được xem là một thứ “giặc nội xâm”, nhưng nguy hiểm và gây tác hại cũng chẳng kém là lãng phí. Có muôn hình vạn trạng các dạng lãng phí, điển hình như: Đầu tư xây dựng cơ bản; Sử dụng đất đai, xây dựng trụ sở làm việc, nhà công vụ tốn kém; Quản lý tài nguyên thiên nhiên; Họp hành, tổng kết, lễ kỷ niệm... phô trương, hình thức; Chi phí hành chính tại các cơ quan, công sở... Chưa ai thống kê hết được con số lãng phí trong việc sử dụng ngân sách, song chắc chắn đó là con số cực lớn, khiến nó như một thứ quốc nạn.

Cách quản lý tiền giấy như rãi đám ma thì đất nước mình còn nghèo, vay mượn mãi thì làm sao tự mình để phát triển toàn diện được. nếu không quản lý kịp thời thì đời con, cháu mình nợ ngập đầu.

Cố Thủ tướng Singgapore Lý Quang Diệu từng nhận xét về Việt Nam: “Nếu có vị trí số một ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người, Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực”.

Tiếc rằng, hiện tại Việt Nam đến giờ vẫn đang bước những bước tiến khá chậm, đã vậy xung quanh bước tiến đó còn bị rào cản, trong đó có tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công, sự thiếu trách nhiệm trong việc sử dụng tiền thuế của dân..v..v.

Đây chính là điểm chung trong các dự án có vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Và ngay lúc này đây, bài toán trách nhiệm của đơn vị giám sát công trình, cũng như của các bên liên quan đối với “con đường 250 tỷ đồng” này đang được đặt ra?

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật