Chạy đua thời gian đảm bảo chỗ học cho HS trước thềm năm học mới

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm học 2018 - 2019, dự báo TPHCM sẽ tăng khoảng 60.000 HS, trong đó phải kể đến các quận huyện có số HS tăng nhiều như Bình Tân, Tân Phú, quận 12…
Chạy đua thời gian đảm bảo chỗ học cho HS trước thềm năm học mới
Năm học 2018 - 2019, dự báo TPHCM sẽ tăng khoảng 60.000 HS so với năm học trước

Mặc dù TP đã rất nỗ lực xây mới thêm hàng ngàn phòng học mỗi năm nhưng với số HS tăng nhanh, việc đảm bảo đủ chỗ học cho HS là cấp thiết buộc các quận, huyện phải giảm tỉ lệ 2 buổi/ngày, tăng sĩ số lớp học.

Tăng hơn 4.000 HS nhưng chỉ thêm 11 phòng học mới

Là quận tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, từ nhiều năm nay quận Bình Tân luôn phải gánh đến 65% dân nhập cư. Hiện dân số của Bình Tân khoảng 750.000 dân, số lượng trẻ vào đầu cấp của quận luôn tăng cao so với các quận, huyện khác.

Cụ thể, năm học 2018 - 2019, dự kiến số trẻ vào lớp 1 của quận là 14.160 em tăng hơn 4.000 em so với năm học trước; còn bậc THCS, chỉ có 5.400 HS tốt nghiệp lớp 9 nhưng có đến 8.400 HS vào lớp 6. Mặc dù số HS đầu cấp tăng nhanh, nhưng theo ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân, năm học mới này trên địa bàn quận không có trường học nào được xây mới. Chỉ có xây mới thêm 11 phòng học ở bậc TH và 5 phòng ở THCS.

Vì vậy, để đảm bảo chỗ học cho HS, quận đã thực hiện việc phân tuyến, giảm số lớp học 2 buổi/ngày, giảm lớp bán trú, tăng sĩ số các lớp. Cụ thể như, phường Bình Trị Đông B, số HS hoàn thành lớp 5 năm nào cũng đông nhưng không có trường THCS nên HS được phân sang Trường THCS An Lạc và Tân Tạo ở phường lân cận. Chưa kể, ở phường này, có khoảng 800 trẻ vào lớp 1 nhưng chỉ có duy nhất Trường TH Bình Trị 2.

Với khả năng nhận chỉ hơn một nửa nên số HS còn lại sẽ được phân về Trường TH Bình Tân và An Lạc 3. Để giải quyết việc số HS đầu cấp tăng nhanh ở bậc TH, theo ông Ngô Văn Tuyên, hiện tại quận đang thực hiện việc nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ tuyển sinh đầu cấp để có con số ra lớp chính xác. Tuy nhiên, trước con số dự báo Phòng cũng dự kiến sẽ giảm tỷ lệ học bán trú, học 2 buổi/ngày để đảm bảo chỗ học cho HS.

Quận 12, quận Gò Vấp, quận Tân Bình, quận Thủ Đức… cũng là những quận có tỷ lệ HS đầu cấp tăng nhưng số trường xây mới rất ít nên phải giảm số HS học 2 buổi/ngày để đảm bảo chỗ học. Cụ thể, tại quận 12, tỉ lệ học 2 buổi/ngày ở bậc TH năm nay dự kiến khoảng 20,1% so với năm học trước 24%.

Tương tự, tại quận Tân Phú, năm nay dự báo số trẻ vào lớp 1 khoảng 8.600 trẻ trong khi đó cũng không có trường TH mới nào được đưa vào sử dụng. Theo thầy Trần Trọng Khiêm, Phó trưởng Phòng GD&ĐT quận, việc phân bổ HS vào lớp 1 căn cứ theo nguyên tắc HS cư trú ở phường nào sẽ học tại trường đóng trên địa bàn phường đó hoặc trường ở phường lân cận do không đủ số chỗ học.

Với số HS đầu cấp tăng, để đảm bảo chỗ học quận dự kiến giảm tỷ lệ lớp học 2 buổi/ngày lại để ưu tiên cho HS đầu cấp. Theo đó, năm học mới này, toàn quận chỉ có 4 trường tiểu học có 100% HS được học 2 buổi/ngày gồm Trường TH Tân Sơn Nhì, Âu Cơ, Hồ Văn Cường, Tân Hương.

Chú trọng nâng cao chất lượng dạy học

Số HS tăng nhanh theo từng năm, bên cạnh việc đảm bảo chỗ học cho HS, ngành GD TPHCM rất chú trọng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới.

Theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của các quận, huyện, rất nhiều nơi có thêm nhiều trường thực hiện mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập, mở rộng chương trình tiếng Anh tích hợp (dạy và học các môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến dựa trên phương pháp tích hợp chương trình quốc gia Anh và chương trình Việt Nam) ở các cấp học.

Tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng việc dạy tích hợp liên môn, dạy học theo định hướng STEM, dạy học theo dự án, hướng đến phát triển năng lực HS, phát huy sở trường, chú trọng phát triển năng khiếu, tăng cường dạy kĩ năng sống cho HS…

Cụ thể, năm học này, TP có thêm 3 trường là Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, Phú Nhuận và Mạc Đĩnh Chi tuyển sinh lớp 10 tích hợp, nâng tổng số trường THPT lên 7 trường tuyển sinh lớp 10 chương trình này...

Bên cạnh chương trình tiếng Anh tích hợp, năm học mới 2018 - 2019, nhiều quận cũng có thêm các trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế.

Theo đánh giá, mô hình trường tiên tiến chính là một trong những hình thức phát triển tối ưu nguồn lực sẵn có của các trường công lập, kết hợp thêm sự đóng góp của phụ huynh, tạo ra môi trường học tập hiện đại, giúp các em HS có cơ hội tiếp cận các chuẩn kỹ năng và kiến thức tiên tiến, đẩy mạnh việc quốc tế hóa giáo dục.

Như ở quận 2 có thêm Trường TH An Bình và THCS Trần Quốc Toản thực hiện mô hình trường tiên tiến. Tại quận 1, năm học mới này, Trường MN Bé Ngoan và Trường THCS Huỳnh Khương Ninh thực hiện mô hình nói trên.

Trước đó, nhiều trường học trên địa bàn TP đã thực hiện mô hình này khá thành công như Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3), THPT Nguyễn Du (quận 10) THPT Nguyễn Hiền (quận 11), MN Họa Mi (huyện Nhà Bè), TH Bàu Sen (quận 5)…

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, dự kiến vào đầu năm học mới 2018 - 2019, TP sẽ có 882 phòng học mới được đưa vào sử dụng, gồm 641 phòng học tăng thêm, xây thay thế 241 phòng học. Trong đó, số phòng học dành cho bậc học tiểu học là nhiều nhất, với 369 phòng học (tăng thêm 269 phòng học). Năm học mới, TPHCM sẽ vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật