Malaysia và câu chuyện nợ công

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nợ công đang trở thành vấn đề nóng ở Malaysia sau khi hãng đánh giá tín dụng quốc tế Moody’s mới đây cho biết nợ công của nước này bao gồm các khoản nợ trực tiếp hiện ở mức 50,8% GDP, đứng thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á sau Singapore.
Malaysia và câu chuyện nợ công
Dự án đường sắt cao tốc Singapore – Kuala Lumpur trị giá 28 tỷ USD

Vấn đề đáng lo ngại

Theo số liệu của Bộ Tài chính Malaysia, tổng nợ chính phủ của Malaysia, bao gồm các nghĩa vụ nợ liên quan đến Quỹ Đầu tư quốc gia 1MDB, đã lên tới hơn 1,09 nghìn tỷ ringgit, tương đương 80% GDP. Con số này bao gồm cả nợ trực tiếp và nợ gián tiếp. Hiện tại, khoản nợ của Chính phủ đã lên tới 1.087 ngàn tỷ Ringgit, cao hơn rất nhiều so với mức ước tính 685 tỷ Ringgit của Bộ Tài chính Malaysia trong năm 2017.

Nợ công tại Malaysia có một phần lớn xuất phát từ những bê bối trong hoạt động của công ty 1 MDB. Đây là quỹ đầu tư do cựu Thủ tướng Najib Razak sáng lập năm 2009 với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ông Najib bị cáo buộc có liên quan tới việc để thất thoát hàng tỷ USD trong các giao dịch với nước ngoài thông qua 1MDB.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia Lim Guan Eng cho biết, quỹ 1MDB đã bị vỡ nợ. Ông đã có cuộc gặp với những người làm việc cho quỹ này. Các giám đốc của 1MDB đều xác nhận quỹ này đã không còn khả năng thanh toán nợ. Một trong các giám đốc đã thông báo với ông Lim Guan Eng rằng khoản đầu tư ra nước ngoài trị giá 9,8 tỷ ringgit (2,4 tỷ USD), vốn đủ để trả các món nợ của quỹ trong vài năm, thực chất là giả. Trong khi đó, Chủ tịch 1MDB Arul Kanda thừa nhận ông không chắc chắn về giá trị các khoản đầu tư trên, cũng như liệu chúng có thực sự tồn tại hay không.

Con số nợ công lớn mới được công bố như vậy đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài có hàng chục phiên bán ròng trên thị trường chứng khoán Malaysia. Hiện tại, theo thống kê đã có 1,46 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đã bị rút ra khỏi thị trường chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua.

Chỉ số FTSE Bursa Malaysia KLCI Index đã lao dốc tới 11% so với mức đỉnh xác lập từ giữa tháng 4 và hiện đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2017. Đây là mức thoái vốn lớn nhất kể từ đầu năm đến nay và xu hướng trên hiện vẫn đang tiếp diễn. Các nhà phân tích dự báo Malaysia có thể sẽ là thị trường chứng khoán diễn biến tệ nhất trong khu vực trong năm nay.

Giải pháp của Chính phủ

Trong bối cảnh đó, giảm nợ công, vực dậy nền kinh tế đất nước đang trong thời kỳ khó khăn được xem là một trong những thách thức lớn của chính phủ do Thủ tướng Mahathir Mohamad đứng đầu.

Để giảm khoản nợ công khổng lồ Chính phủ Malaysia đã triển khai nhiều biện pháp tiết kiệm. Ngay ngày họp nội các đầu tiên, các bộ trưởng mới của Malaysia nhất trí đồng loạt cắt 10% lương trong khi chính quyền mới cũng xem xét hủy một số dự án để giảm chi tiêu chính phủ, tinh giản 17.000 công chức, cắt giảm chi tiêu trong các cơ quan chính phủ và giảm các khoản phụ cấp cho công chức.

Thủ tướng Mahathir nêu rõ, Malaysia cần bỏ một số dự án không cần thiết, trong đó có dự án đường sắt cao tốc Singapore – Kuala Lumpur trị giá 110 tỷ ringgit (28 tỷ USD). Ngoài việc cắt giảm chi tiêu công, ông Mahathir đang chủ trương thực hiện những biện pháp khác, trong đó có việc thành lập một nội các nhỏ hơn, thu hẹp quy mô chính phủ và thu lại một số tài sản liên quan tới quỹ nhà nước 1MDB. Ông Mahathir tuyên bố Ủy ban Vận tải công cộng đường bộ cùng một số cơ quan "không quan trọng" khác sẽ bị giải thể.

Đáng chú ý, nỗ lực cắt giảm nợ công của chính phủ Malaysia có sự chung tay góp sức của cả người dân và các quan chức nước này. Trong tháng trước, chỉ một ngày sau khi chính quyền mới triển khai Quỹ Hy vọng để tiếp nhận sự đóng góp của người dân nhằm mục đích xử lý vấn đề nợ công, quỹ đã nhận được số tiền quyên góp gần 2 triệu USD.

Trong nỗ lực chung, Quốc vương Malaysia Sultan Muhammad V cũng đã tự nguyện cắt giảm 10% mức lương hiện nay để ủng hộ chính phủ. Mức cắt giảm này sẽ duy trì đến khi ông kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2021.

Về những sai phạm của 1MDB, Văn phòng Thủ tướng Malaysia hôm 21/5 vừa qua cũng đã thông báo thành lập lực lượng đặc trách điều tra sai phạm của những cá nhân trong việc quản lý 1MDB và thu hồi các tài sản liên quan. Lực lượng này - gồm đại diện Ủy ban Chống tham nhũng (MACC), Cảnh sát Hoàng gia và Ngân hàng Trung ương - cũng có nhiệm vụ hợp tác điều tra với Mỹ, Thụy Sĩ, Singapore, Canada và một số nước khác.

Xét về cơ cấu nợ, hiện 97% nợ công của Malaysia là bằng đồng nội tệ (MYR). Mặc dù tỷ lệ nước ngoài nắm giữ nợ công của Malaysia tương đối cao (khoảng 30%), nhưng nước này có hệ thống quản lý tài sản tốt và ngành bảo hiểm phát triển, nên dòng tiền bằng đồng MYR lưu động dồi dào có thể lấp đầy chỗ trống từ bất cứ quyết định rút vốn nào.

Bên cạnh đó, dù mức nợ công được đánh giá là cao, nhưng hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia vẫn khả quan nên vấn đề này được cho là đang trong khả năng kiểm soát. Giới chuyên gia cho rằng chỉ cần kinh tế duy trì mức tăng trưởng hơn 5% là Malaysia có khả năng trả nợ.

Ngân hàng Thế giới mới đây đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Malaysia năm 2018 từ 5% (mức dự báo đưa ra tháng 10/2017) lên 5,4%. Còn theo tổ chức Kenanga Research tại Malaysia, tăng trưởng kinh tế nước này năm 2018 có thể đạt 5,5% thay vì mức 5,1% đưa ra trước đó.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật