Hải quan còn nặng “vai” đầu mối thúc đẩy kiểm tra chuyên ngành

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ thị 20/CT-TTg về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN) và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành, với những yêu cầu không chậm trễ trong từng nhiệm vụ. Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục vai trò là đầu mối, phối hợp với các bộ triển khai các nhiệm vụ.
Hải quan còn nặng “vai” đầu mối thúc đẩy kiểm tra chuyên ngành
Lấy mẫu KTCN hàng hóa XK, NK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.Linh.

Kết quả đạt được

Năm 2015, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã “định hình” được bức tranh toàn diện những hạn chế, bất cập của công tác quản lý, KTCN, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 về phê duyệt Đề án giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa XK, NK, giao các bộ, ngành thực hiện các giải pháp được nêu trong Đề án; đặc biệt là việc “điểm danh” được 87 văn bản đang gây khó khăn cho hoạt động XNK.

Để việc triển khai các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được kịp thời, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã đưa ra kiến nghị quan trọng, đó là cần thiết phải có đơn vị theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo ở các bộ, ngành.

Cụ thể, tại Báo cáo số 43/BC-BTC ngày 12/5/2017 về tình hình và kết quả thực hiện Quyết định số 2026/QĐ-TTg và Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về công tác KTCN đối với hàng hóa XNK, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nhiệm vụ cho Tổ công tác của Chính phủ theo dõi, đôn đốc tiến độ xây dựng và hoàn thiện thể chế liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm Pháp Luật về công tác quản lý và KTCN nêu tại Quyết định 2026/QĐ-TTg và các Nghị quyết 19/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sự “vào cuộc” của Chính phủ bằng việc lần đầu tiên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các bộ, ngành để nắm bắt, đôn đốc việc cải cách công tác KTCN hàng hóa XNK. Cũng từ đó, Tổ công tác đã báo cáo Chính phủ những vấn đề bất cập, những thủ tục hành chính nhiêu khê, phức tạp gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Ngoài việc kiến nghị các bộ, ngành về việc thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục KTCN, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đợt làm việc tập trung để áp mã số HS đối với danh mục hàng hóa chuyên ngành.

Đến nay các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản (chiếm 92%) yêu cầu; nhiều danh mục hàng hóa KTCN được cắt giảm, chuyển kiểm tra sau thông quan; bãi bỏ một số quy định không còn phù hợp; hơn 60 danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN được áp mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa XK, NK ban hành kèm theo Thông tư 65/2017/TT-BTC.

Một số văn bản nổi bật như: Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN ngày 16/6/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ cắt giảm hơn 90% mặt hàng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan;

Thông tư số 23/2016/TT-BCT ngày 12/10/2016 bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 của Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may;

Thông tư số 14/2017/TT-BCT ngày 8/8/2017 của Bộ Công Thương bãi bỏ quy định cấp Giấy phép NK tự động đối với mặt hàng thép;

Thông tư số 28/2017/TT-BNNPTNT ngày 25/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cắt giảm danh mục các mặt hàng nhóm 2 phải kiểm tra trước thông quan như máy móc, thiết bị nông nghiệp; chuyển kiểm tra sau thông quan đối với một số nhóm hàng như giống vật nuôi, giống cây trồng lâm nghiệp.

Hay như Nghị định 55/2017/NĐ-CP ngày 9/5/2017 quản lý nuôi, chế biến và XK cá tra không yêu cầu doanh nghiệp phải nộp xác nhận đáp ứng điều kiện XK cá tra cho cơ quan Hải quan khi làm thủ tục XK;

Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20/9/2017 bãi bỏ việc phải nộp Giấy chứng nhận hợp quy phân bón NK cho cơ quan Hải quan.

Ngoài ra, việc thay đổi phương thức kiểm tra cũng tác động đáng kể tới số lượng lô hàng phải KTCN trước thông quan. Như Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật An toàn thực phẩm theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, quy định các phương thức kiểm tra phù hợp theo mức độ tuân thủ Pháp Luật của doanh nghiệp, bổ sung thêm nhiều đối tượng được miễn kiểm tra... Theo đó, cắt giảm 95% lô hàng NK phải kiểm tra nhà nước về ATTP.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng hoạt động KTCN vẫn còn nhiều tồn tại cần các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc.

Thủ tướng hối thúc tiến độ triển khai

Trước tồn tại trong công tác cải cách hoạt động KTCN và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trước 15/8/2018, các bộ, cơ quan ngang bộ hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền và trình cấp có thẩm quyền các văn bản để thực thi phương án cải cách hoạt động KTCN, cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh bằng hình thức một văn bản sửa nhiều văn bản theo quy trình, thủ tục rút gọn.

Văn bản thực thi phương án cải cách hoạt động KTCN phải đáp ứng yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục KTCN; danh mục hàng hóa, sản phẩm KTCN phải gắn mã HS; một sản phẩm, hàng hóa XK, NK chỉ do một bộ, cơ quan ngang bộ hoặc một đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chịu trách nhiệm quản lý; phương thức quản lý chuyển từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm gắn với nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ Pháp Luật của tổ chức, cá nhân; không áp dụng hình thức kiểm tra đối với từng lô hàng, trừ kiểm dịch.

Đối với Tổng cục Hải quan, với vai trò là đầu mối, phối hợp với các Bộ liên quan triển khai thực hiện Quyết định 2026/QĐ-TTg, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tiếp tục tích cực phối hợp các bộ, ngành triển khai các giải pháp cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa XNK theo đúng mục tiêu cắt giảm thủ tục KTCN đã được Chính phủ chỉ đạo. Cụ thể rà soát để cắt giảm và đơn giản hóa Danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý và KTCN trước khi thông quan; chỉ thực hiện quản lý và KTCN trước thông quan đối với những hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao gây mấ́t an toàn, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, cho an ninh quốc gia.

Hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu. Rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm Pháp Luật về quản lý và KTCN vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý của nhà nước theo đúng tiến độ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật