Phát ngôn của Chánh thanh tra Giao thông Hà Nội: Tiền hậu bất nhất

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Chỉ 10-15 phút mà ông Chánh nghĩ ra một phương án thì giao thông Hà Nội mới “loạn” như hiện nay…”.“Tiền hậu bất nhất, trước bảo có, sau nói không…”, “chỉ 10-15 phút mà ông Chánh nghĩ ra một phương án thì giao thông Hà Nội mới “loạn” như hiện nay…”.
Phát ngôn của Chánh thanh tra Giao thông Hà Nội: Tiền hậu bất nhất
Giải pháp bịt các ngã tư trong thời gian vừa qua tại Hà Nội không được người dân đồng tình. Ảnh: Chí Cường
Đó là những phản hồi gay gắt sau khi ông Thạch Như Sỹ, Chánh thanh tra giao thông Hà Nội khẳng định “bịt lại ngã tư vì góp ý của dân không hiệu quả”.
Tiền hậu bất nhất
Từ tháng 6/2009, thanh tra giao thông Hà Nội (Sở GTVT) đã tiến hành bịt một loạt các ngã tư, tổ chức lại giao thông trên toàn thành phố. Ngay sau đó đã nảy sinh cuộc tranh cãi xung quanh “tác giả” của đề án này. Từ đó tới nay, trong các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của ông Thạch Như Sỹ thể hiện rõ những lập luận tiền hậu bất nhất. Điển hình, ông Sỹ từng khẳng định trong cuộc phỏng vấn của PV Báo GĐ&XH, đề án tổ chức giao thông Hà Nội là của “toàn dân” nhưng mới đây, ông Sỹ lại cho rằng “góp ý của dân không hiệu quả”. Và trớ trêu thay, vì “không hiệu quả” nên ông và ngành giao thông Hà Nội mới lại “bê” cái “của toàn dân” ra “chia đường”, “xẻ lối”, ngăn xe để tiếp tục công cuộc tổ chức giao thông.
Cũng trong cuộc phỏng vấn đó, ông Sỹ khẳng định, để tổ chức một nút giao cắt, ngành giao thông Hà Nội đã phải học ta, học “Tây”, phải sử dụng “kiến thức giáo trình” và “kiến thức quốc tế”. Để thực thi hoá những kiến thức tổng hợp này, ngành giao thông phải sử dụng “cả tập hồ sơ”. Theo cách nói của ông Sỹ sẽ có ít nhất hàng chục “chuyên gia” và mất hàng tháng trời học hỏi, “chiêm nghiệm” mới “ra” được một “nút”. Ấy vậy mà, trong trả lời mới đây, ông lại thể hiện sự nhanh nhạy trong việc tổ chức giao thông của mình rằng “chỉ trong vòng 10-15 phút, chúng tôi lại tìm ra một giải pháp mới”.
Chỉ điểm qua một vài phát ngôn của người đứng đầu lực lượng thanh tra giao thông Hà Nội cũng đủ thấy sự phức tạp, “rối rắm” và đổi thay xoành xoạ‌ּch như cái cách tổ chức, phân luồng mà ngành này làm trên địa bàn thành phố thời gian qua.
Lộn xộn là do ngành giao thông?
Về trả lời của ông Thạch Như Sỹ, dư luận cho rằng, nguyên nhân gây tình trạng lộn xộn bắt nguồn từ những ý tưởng của ngành giao thông Hà Nội. Sáng cấm, chiều mở, mai lại cấm nên mới “đẻ” ra hàng loạt những “cái bẫy” khiến người thường xuyên đi trên tuyến đường quen thuộc cũng phải “bàng hoàng” và lúng túng. Bạn đọc Nguyễn Thị Hiền, làm việc tại một công ty kiểm toán phố Kim Mã cho rằng đã quá bực mình về quyết định bịt mở các ngã tư. Chị Hiền cho rằng, việc đưa ra nhiều giải pháp mà không giải quyết được tình trạng ùn tắc thì chỉ thêm tốn kém tiền nhà nước, tạo ức chế cho nhân dân.
Về việc nút giao thông Đê La Thành – Nguyễn Chí Thanh sau khi bịt 15 phút đã phải dỡ ra để “làm lại”, có ý kiến cho rằng, ông Sỹ nói hầu hết các ý kiến của nhân dân đều không hiệu quả vậy cái cách làm của ngành giao thông có hiệu quả không khi mới làm đã nảy sinh bất cập. Chính nghiên cứu và áp dụng những kiến thức chuyên ngành của các “chuyên gia giao thông” Sở GTVT Hà Nội còn thiếu phù hợp, chỉ tới lúc giao thông rối loạn rồi mới sửa thì cơ sở nào để đánh giá góp ý của dân có hiệu quả hay không. “Chính cái của mình đề ra và áp dụng còn không biết lợi hại đến đâu thì liệu có đủ kiến thức để thẩm định, đánh giá góp ý của người khác” – một bạn đọc băn khoăn.
Sẽ công bố tiếp “lời giải” những nút đặc thù
Liên quan đến đề án tổ chức giao thông Hà Nội, ông Phạm Văn Tiệp, người được biết đến với việc đã đăng ký bản quyền đề án “Giải pháp “Giao diện mềm” nhằm giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội trong giai đoạn hiện nay” đã đóng góp rất nhiều ý kiến để ngành chức năng tham khảo trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm giải bài toán về giao thông tỏ ra không hài lòng với phát ngôn của ông Sỹ. Theo lập luận của ông Tiệp, để giao thông thông suốt cần có một đề án giải quyết toàn diện. Khi giải quyết ở một điểm phải nhìn được sự tác động tới toàn hệ thống và có cách ứng xử phù hợp. Tất cả đều phải được hệ thống hoá, tính toán kỹ mới đưa ra áp dụng. Theo ông Tiệp, để giao thông Hà Nội ổn định, ngành GTVT còn phải giải quyết hàng loạt những nút giao cắt đặc thù chưa có lời giải thích đáng.
Về khẳng định của ông Sỹ chỉ cần trong 10-15 phút là nghĩ ra một giải pháp mới, ông Tiệp cho rằng nếu bài toán giao thông mà dễ “giải” như vậy, chắc người dân Hà Nội chỉ mất chưa đến một phần ba thời gian để đi từ Cầu Giấy vào nội đô. Và chắc hẳn ngành giao thông không phải hao tâm tổn lực để dàn quân “vật lộn” với dòng người hỗn loạn trong khói bụi mịt mùng mỗi ngày. Và nghịch lý thay, ông Sỹ từng cho rằng, đề án của ông Tiệp chỉ có “vài trang giấy thì có thể giải quyết được một nút hay không” thì liệu trong từ 10-15 phút ông Sỹ có thể viết được hơn vài trang giấy để giải các bài toán giao thông?
Nhằm xóa một loạt các “điểm nóng” khác trong mạng lưới giao thông thành phố, thông qua Báo GĐ&XH, ông Tiệp sẽ tiếp tục công bố những “bài giải” để ngành giao thông Hà Nội tham khảo. Qua đó, ông Tiệp mong muốn nhận được sự phản hồi của ngành này và góp ý của người dân, cùng các chuyên gia để giúp giao thông Hà Nội thông suốt.
Trả lời về quyết định của Sở Giao thông vận tải Hà Nội bịt lại một số ngã tư từng được dỡ bỏ rào chắn, ông Thạch Như Sỹ - Chánh thanh tra giao thông Hà Nội cho rằng: "Có hai nguyên nhân để chúng tôi dỡ bỏ các ngã tư bị bịt. Thứ nhất, gần đại lễ 1.000 năm Thăng Long, thành phố cần cảnh quan đô thị đẹp và mỹ quan để đón các đoàn ngoại giao, và khách quốc tế. Thứ hai, nhiều ý kiến phản biện của báo chí, nhà quản lý và đặc biệt là người dân cho rằng việc bịt như thế gây lãng phí và không thuận thiện. Vì muốn các nhà khoa học, tổ chức đoàn thể và nhân dân đóng góp giải pháp nên chúng tôi đã mạnh dạn bỏ hàng rào đi.
Trong thời gian chờ đợi, do tất cả các giải pháp được đóng góp đều không hiệu quả nên chúng tôi dùng lại giải pháp cũ nhưng có cải tiến là thay hàng rào bằng mũi tên dẫn hướng nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị…
Đặt một hàng rào chỉ mất chừng 10 phút, nếu thấy không hiệu quả thì chúng tôi làm theo hướng khác... Chỉ trong vòng 10-15 phút, chúng tôi lại tìm ra một giải pháp mới…".
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật