648 địa chỉ đất công ‘ngoài’ quy hoạch: Lãng phí quá lớn!

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đây là nguồn lực rất lớn có thể giúp TP.HCM giải quyết được bài toán vướng mắc về nguồn vốn đầu tư phát triển hiện nay.
648 địa chỉ đất công ‘ngoài’ quy hoạch: Lãng phí quá lớn!
Nhiều diện tích đất công TP.HCM bị bỏ hoang. Ảnh: TTO

Thất thoát nhiều quá

Trước hàng loạt những sai phạm được HĐND TP.HCM chỉ ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất công trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành nhận định, đó là những sai phạm quá lớn thuộc những ngành quản lý về đất đai từ cấp thành phố cho tới cấp quận, phường... Để xảy ra những sai phạm như trên, theo ông Đực là do 2 nguyên nhân: sự yếu kém về trình độ nhận thức và do đạo đức công vụ xuống cấp.

Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành nói thẳng, từ chỗ trình độ yếu kém, quản lý đất đai lỏng lẻo, luật lệ không chặt chẽ đã tạo điều kiện cho nhiều người cùng bắt tay trục lợi, gây thất thoát, lãng phí kinh hoàng cho ngân sách thành phố.

"Khi cơ hội trục lợi từ đất đai quá lớn, sẽ khiến nhiều người nảy sinh lòng tham và muốn được kiếm lợi.

Tôi lấy ví dụ, ví dụ doanh nghiệp A được sử dụng khu đất công B vào mục đích C với giá 100 triệu/năm. Tuy nhiên, sau khi được giao đất, doanh nghiệp A lại mang khu đất B cho đơn vị D thuê lại với giá hàng tỷ đồng/năm. Chưa kể, khu đất đó còn có thể được thuê với "giá trong, giá ngoài", ví dụ trên hợp đồng là 1 tỷ đồng/năm, nhưng thực tế giá thuế này có thể lên tới vài tỷ, thậm chí hàng chục tỷ/năm. Như vậy, chỉ bằng vài động tác, chủ doanh nghiệp đã thu về hàng tỷ, chục tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ mỗi năm, trong khi ngân sách đã bị mất đi một nguồn thu vô cùng lớn.

Kẽ hở thứ hai là, bán chỉ định đất mà không thông qua đấu thầu. Tính tới thời điểm hiện tại, TP.HCM mới thực hiện duy nhất một lần bán đấu thầu là khu đất số 23 Lê Duẩn và đã thu về cho ngân sách số tiền chênh lệch tới 2,6 lần mức giá bán chỉ định.

Nói như vậy để thấy, tất cả những khu đất đã được bán chỉ định trước đây, đều có nguy cơ khiến nhà nước bị thất thoát từ 2 tới 4 lần. Ví dụ, tổng số tiền thành phố thu về cho ngân sách từ việc bán chỉ định các khu đất công là 500.000 tỷ, thì thành phố đã có nguy cơ bị mất tới 1.500.000 tỷ. Rất khủng khiếp", ông Nguyễn Văn Đực xót xa.

Phải đóng băng tất cả

Trước thực trạng trên, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho rằng để khắc phục những việc đã xảy ra trong quá khứ là rất khó, nhưng phải có giải pháp kịp thời đối với thực tại và trong tương lai.

Để hạn chế phần nào những thiệt hại, ông Đực đề xuất thành phố phải nhanh chóng cho đóng băng toàn bộ các hợp đồng cho thuê, mượn đất công có dấu hiệu vi phạm, đã được thực hiện giữa các đơn vị quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, các tổ chức, đơn vị sản xuất kinh doanh... để tìm cách xử lý.

Nếu những diện tích đất đã được giao cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích hoặc cho thuê lại, thành phố phải thu hồi và thực hiện đấu giá công khai, minh bạch.

Với những diện tích đất đã bị hóa giá, bán chỉ định, thành phố cũng phải chỉ đạo đóng băng tất cả lại, không cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng, buộc phải thực hiện theo hình thức đấu giá công khai.

Tiếp theo, với những khu đất đã giao cho doanh nghiệp và đang được thực hiện triển khai xây dựng dự án, thành phố phải có chính sách truy thu khoản chênh lệch từ đơn vị được giao đất sử dụng, nộp về ngân sách.

Còn đối với những dự án đất công còn bỏ trống, đang có ý định bán chỉ định phải ngừng lại ngay lập tức và chuyển sang hình thức tổ chức đấu thầu.

"Thành phố có thể tiết kiệm được hàng trăm nghìn tỷ, hàng triệu tỷ đồng từ đất đai để bổ sung cho nguồn thu đang bị thiếu trước, hụt sau của thành phố hiện nay. Tôi tin, nếu làm chặt chẽ, kén kẽ, nguồn thu từ đất có thể gấp 2 tới 3 lần tổng các nguồn thu khác nộp về ngân sách thành phố hàng năm.

Nếu tận dụng tốt nguồn lực từ đất đai, đây sẽ là nguồn thu vô cùng lớn và có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình phát triển của thành phố hiện nay. Đặc biệt, TP.HCM đang đứng trước tình cảnh bị thiếu vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng, thiếu tiền để thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội như chống ngập, chống ùn tắc, xử lý rác thải... trong khi đang có một nguồn lực lớn bị thất thoát, lãng phí, rất đáng tiếc", ông Nguyễn Văn Đực .

Truy thu, xử nghiêm

Dù thừa nhận rất khó có thể khắc phục, truy thu được những thất thoát đã xảy ra từ hàng chục năm trước đó, tuy nhiên, ông Đực vẫn nhấn mạnh, trên cơ sở căn cứ vào Pháp Luật, thành phố sẽ phân loại từng vụ việc để xử lý. Có thể là truy thu, là xử lý trách nhiệm Hình Sự, cũng có thể xử phạt hành chính, tùy tính chất từng vụ việc sẽ có những biện pháp xử lý khác nhau.

Điều quan trọng nhất sau những sai phạm đã được chỉ ra, Phó giám đốc Công ty Bất động sản Đất Lành cho rằng phải xử lý trách nhiệm cho tới nơi, tới chốn.

"Những ai đã làm sai thì phải chịu trách nhiệm, kể cả doanh nghiệp, cán bộ, lãnh đạo phụ trách quản lý lĩnh vực đất đai tại các thời kỳ xảy ra sai phạm.

Nếu có dấu hiệu móc ngoặc, bắt tay trục lợi thì phải truy tố trách nhiệm Hình Sự. Nếu là sai sót về nghiệp vụ trong quản lý, điều hành cũng phải xử lý kỷ luật, cảnh cáo, khiển trách hoặc xử phạt hành chính, thậm chí buộc thôi việc, cách chức... Tất cả phải được làm rất nghiêm khắc, nghiêm minh, đúng quy định Pháp Luật", ông Đực nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật