Việt Nam trong tiến trình hội nhập APEC

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan - Chủ tịch Hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 18, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 18 với chủ đề đổi mới và hành động Yokohama Nhật Bản từ ngày 13 đến 14/11.
Việt Nam trong tiến trình hội nhập APEC
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và nguyên thủ các nước tại Hội nghị APEC 2006. (Ảnh: Tùng Lâm).

Dự kiến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ tham dự hai phiên họp kín của các nhà lãnh đạo với hai chủ đề là: duy trì tăng trưởng và thịnh vượng khu vực; các mục tiêu Bôgo và tương lai APEC. Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ cùng các nhà lãnh đạo APEC tham dự phiên đối thoại chung với đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC.

Trước đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ tham dự Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao kinh tế APEC lần thứ 22, từ ngày 10 đến 11/11. Ngoài ra, bên lề Hội nghị cấp cao APEC 18 sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2010, Hội nghị các quan chức cao cấp, Hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy là thành viên mới, một trong 3 thành viên gia nhập sau cùng trong 21 nền kinh tế thành viên nhưng Việt Nam đã tích cực và chủ động đề xuất nhiều sáng kiến tại các Hội nghị và Diễn đàn khác nhau của APEC. Những kết quả đạt được cho thấy hình ảnh và uy tín của Việt Nam đã và đang được bạn bè trên thế giới tin cậy, tạo ấn tượng tốt về một Việt Nam năng động và cởi mở.

APEC là khu vực năng động, tương đối ổn định và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đại diện cho khoảng 40% tổng dân số thế giới, 51% thương mại và 60% tổng GDP toàn cầu. Với tiềm năng như vậy, các chương trình hợp tác của APEC có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư trong khu vực.

Đối với Việt Nam, APEC có ý nghĩa to lớn trong quá trình hội nhập và phát triển bởi diễn đàn này hội tụ hầu hết các đối tác thương mại và đầu tư tài chính của nước ta, đồng thời cũng là các nền kinh tế công nghiệp đầu tàu của thế giới. Số liệu thống kê cho thấy: Khoảng 80% kim ngạch thương mại, 75% đầu tư trực tiếp nước ngoài và hơn 50% viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Việt Nam hiện nay được thực hiện với các thành viên APEC. Với vai trò như vậy, các nỗ lực tự do hóa thương mại và đầu tư của các thành viên APEC sẽ tạo điều kiện phát triển hoạt động thương mại của Việt Nam với khu vực này.

Theo đó, nhiều rào cản phi quan thuế đã giảm thiểu hoặc chuyển sang dạng thuế suất nhằm tăng cường tính minh bạch và dễ dự đoán cho doanh nghiệp. Các rào cản đầu tư đã được cắt giảm. Trong khi đó, lưu chuyển vốn toàn cầu giữa APEC với khu vực bên ngoài tăng gần 8 lần, đạt 1,4 nghìn tỉ USD trong vòng 20 năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội của APEC tính trên đầu người tăng 26%. Tất cả những nỗ lực này đã góp phần mở rộng cơ hội thương mại cho Việt Nam, đưa kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với khu vực APEC tăng gần gấp 3 lần trong 8 năm đầu gia nhập APEC.

Về mặt chính sách, hợp tác trong khuôn khổ APEC đã giúp Việt Nam tiếp cận những thông lệ chính sách và phương thức quản lý, điều hành tốt, qua đó góp phần thực hiện công cuộc đổi mới một cách hiệu quả. APEC cũng là kho thông tin và trung tâm trao đổi thông tin để qua đó Việt Nam có thể nắm chiều hướng phát triển của thế giới để định hướng và điều chỉnh chính sách trong nước, thúc đẩy đầu tư và giao thương với các nước.

Ngoài việc tiếp cận các thông lệ chính sách tốt, tham gia APEC cũng là tham gia cơ chế tiếp xúc, đối thoại thường xuyên về các vấn đề chính sách ở các cấp độ khác nhau, từ cấp chuyên viên đến cấp bộ trưởng và các nhà lãnh đạo nền kinh tế. Cơ chế đối thoại và tiếp xúc này sẽ mở ra nhiều cơ hội để ta có thể trao đổi và giải quyết các vấn đề cùng quan tâm, tháo gỡ những khó khăn về chính sách thương mại, đầu tư và thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác quan trọng của Việt Nam.

Chưa hết, APEC cũng tạo ra những tác động tích cực đối với chính sách và hoạt động thương mại của Việt Nam thông qua các chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật. Chương trình này bao trùm nhiều lĩnh vực hợp tác với hàng trăm dự án được triển khai mỗi năm nhằm hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm quản lý, phát triển cơ sở hạ tầng và thị trường. Những chương trình này tạo điều kiện cho Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Với ý nghĩa như thế nên Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực tham gia vào tiến trình thuận lợi hoá thương mại của APEC.

Cùng với việc thực hiện Danh mục lựa chọn 94 biện pháp và hành động thuận lợi hoá thương mại, Việt Nam cũng thực hiện nghĩa vụ báo cáo thường xuyên về tình hình thực hiện Kế hoạch hành động thuận lợi hoá thương mại trong APEC. Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ chung đối với APEC, Việt Nam cũng đã tích cực chủ động đi đầu trong công tác chuẩn bị cho việc đánh giá cuối cùng hiệu quả thực hiện Kế hoạch hành động thuận lợi hóa thương mại APEC và xây dựng bước đi tiếp theo cho chương trình này.

 

TP Yokohama - nơi diễn ra Hội nghị APEC lần thứ 18.

Một trong những đóng góp quan trọng của Việt Nam trong hoạt động thuận lợi hoá thương mại APEC là thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong tiến trình thuận lợi hoá thương mại. Kể từ khi chương trình thuận lợi hoá thương mại APEC được triển khai, Việt Nam là thành viên APEC đầu tiên đưa ra Sáng kiến tổ chức phiên đối thoại công - tư về thuận lợi hoá thương mại. Đại diện các thành viên APEC, đại diện khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế như UNCTAD, Ngân hàng Thế giới đã tích cực tham gia phiên đối thoại này, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Ý kiến đóng góp từ phía cộng đồng doanh nghiệp gợi mở cho Việt Nam và các thành viên APEC những ý tưởng quan trọng để xây dựng Kế hoạch hoạt động thuận lợi hóa thương mại APEC giai đoạn 2 và quyết định nâng chương trình thuận lợi hóa thương mại APEC lên một tầm cao mới. Theo đó, thay vì thực hiện các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại trên cơ sở danh mục tự lựa chọn của các thành viên, APEC sẽ xem xét một chương trình hành động chung về vấn đề này, kèm theo các biện pháp nâng cao năng lực và cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân, đưa mục tiêu giảm 5% chi phí giao dịch của APEC vào thực tế. Đây là cơ hội để Việt Nam chứng tỏ cho thế giới và các đối tác kinh tế về thực tế môi trường kinh tế, thương mại cởi mở và tiềm năng của mình, về hình ảnh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để Việt Nam đóng góp và đánh dấu mốc vào tiến trình phát triển của APEC.

Được biết, cơ quan cảnh sát Nhật Bản đã huy động 21.000 sĩ quan cảnh sát và phối hợp với các tổ chức tình nguyện để đảm bảo an toàn cho Hội nghị APEC lần này. Khoảng 800m rào chắn cao 3m đã được dựng lên trước trung tâm Hội nghị Pacifico Yokohama để ngăn những người không được phép ra vào khu vực này. Cảnh sát đã tổ chức phân luồng giao thông tại thành phố Yokohama và tăng cường kiểm tra các phương tiện vào thành phố.

Đồng thời, cơ quan cảnh sát và chính quyền địa phương cũng tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng đối với cư dân và du khách đến thành phố trong thời gian diễn ra hội nghị bằng cách thu hẹp khu vực cấm đi lại và cấp thẻ chứng minh tạm thời cho cư dân và sinh viên, học sinh sống, làm việc và học tập gần khu vực diễn ra hội nghị.

 

Việc Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tham dự Hội nghị cấp cao APEC 18 lần này là nhằm tiếp tục triển khai ở cấp cao đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá của Đại hội Đảng lần thứ X, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; tiếp tục phát huy vai trò của Việt Nam trong APEC, đề cao vai trò Chủ tịch ASEAN 2010; tham gia tích cực, chủ động góp vào những nội dung quan trọng của Hội nghị, đặc biệt là vấn đề xây dựng chiến lược tăng trưởng, thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực và định hướng phát triển của APEC.
Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật