Cụ bà 107 tuổi mê xài Ipad hàng ngày

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cụ Đinh Thị Tẩn (SN 1912, quê ở thôn Me, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) bị điếc và già yếu, gần đây còn bị trầm cảm nhẹ nhưng nhờ bí quyết sống vui khỏe, an lạc của đại gia đình nên ở tuổi 107, cụ vẫn khỏe mạnh.
Cụ bà 107 tuổi mê xài Ipad hàng ngày
Cụ Tẩn với các con cháu (ảnh gia đình cung cấp).

Hậu vận vui vẻ nhờ con cháu

ThS.BS Trần Việt Anh (Đại học Y Hà Nội) - là cháu đích tôn của cụ Đinh Thị Tẩn cho biết, bà nội anh có 12 cháu (trong đó 4 cháu nội, 3 cháu ngoại đã là Thạc sĩ) và đã lên chức “cụ” với 17 chắt nội. Chắt ngoại lớn nhất của cụ đang học năm thứ ba Đại học Y Hà Nội.

BS Việt Anh kể, cuộc đời bà nội anh khá vất vả. Năm 1964, cụ Tẩn ốm một trận thập tử nhất sinh tưởng chết vì bệnh lao phổi. Ngày ấy chữa bệnh lao không dễ như bây giờ, nên cụ phải tiêm rất nhiều thuốc Steptomycin, tiêm nhiều tới mức vỏ thuốc chứa đầy cả cái thúng nhỏ…

Thời đó chiến tranh loạn lạc nên không dễ đi trạm y tế để tiêm như bây giờ. Bố BS Việt Anh khi ấy mới 13 tuổi được chị gái là y sĩ (là Trưởng phòng y tế huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) hướng dẫn cho cách tiêm để tiêm cho mẹ. Cụ Tẩn tiêm thuốc nhiều như thế 3 năm liền và uống kèm rất nhiều thuốc khác mới khỏi bệnh lao phổi. Sau đợt ốm dài ngày ấy, cụ nghễnh ngãng, dần dần không nghe được nữa. Nhưng cụ Tẩn vốn là người tần tảo, hay lam làm nên khỏi bệnh là cần mẫn làm việc đồng áng, nuôi lợn gà… nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.

Tới năm 1993, người thân trong gia đình động viên cụ Tẩn và chồng mới chịu rời quê Nho Quan xuống Tam Điệp ở cùng với gia đình BS Việt Anh. Lúc đó các cụ đã già yếu hơn, còn bố mẹ BS Việt Anh vẫn đương chức, lương cán bộ eo hẹp và cuộc sống rất khó khăn. Nhưng có ở gần thì con cái mới “dỗ” và báo hiếu được cha già mẹ yếu. Ở với gia đình BS Việt Anh được 5 năm thì cụ ông mất (năm 1998). Cụ Tẩn từ đó cũng yếu dần và có biểu hiện trầm cảm của người già, luôn luôn sợ có người bỏ thuốc độc vào đồ ăn, thức uống nên không ăn uống bất cứ đồ gì của ai.

Để cụ Tẩn an tâm ăn uống, mẹ BS Việt Anh (bà Bùi Thị Bình) chủ yếu lo chăm sóc “vòng ngoài” ngày ngày chuẩn bị các bữa ăn, tắm giặt, cắt tóc, nâng giấc cho cụ. Còn bố anh (ông Trần Văn Cường) là người duy nhất được cụ tin tưởng cho trực tiếp bón cơm ăn, nước uống cho cụ. Ông Cường, bà Bình trở thành tấm gương con hiền, dâu thảo tận tụy chăm sóc tuổi già của mẹ, được anh chị em, con cháu, họ hàng, làng xóm cảm phục.

Đặc biệt nhờ sự hòa nhã khéo léo chăm chút của bà Bình mà cụ Tẩn luôn được sống trong tình yêu thương quan tâm của cả đại gia đình. Gia đình cụ Tẩn nổi tiếng trong vùng là con cháu thành đạt, hạnh phúc. Với hàng xóm láng giềng và bà con cô bác cụ sống xởi lởi, chân tình và luôn giúp đỡ mọi người nên bà con trong làng ai ai cũng quý mến và nể vị.

Cụ nội sợ “kém xinh”

Cụ Tẩn còn được con cháu và mọi người trong làng biết là người nổi tiếng tiếng thích Ipad. Lúc nào cụ cũng giữ Ipad bên mình, đi ngủ cũng để ở đầu giường. Tuổi trẻ cụ Tẩn sinh ra trong gia đình nghèo, không được đi học. Khi hòa bình lập lại, theo phong trào toàn dân xóa mù chữ, cụ Tẩn được học bình dân học vụ và biết chữ. Từ khi cụ không nghe thấy nữa, các thành viên trong gia đình bỗng rèn được thói quen “nói” chuyện ngắn gọn với cụ trên Ipad. Khi con cháu hay ai đó vào phòng thăm thường viết vào Ipad, rồi chữ giơ lên cho cụ đánh vần. Cụ trả lời bằng gật, lắc, đôi khi cũng chậm chạp gõ phím trả lời các cháu chắt trên Ipad.

Bà Bùi Thị Bình - con dâu trưởng tâm sự rằng, con cháu cụ bây giờ đều thành đạt nhưng làm việc ở xa cụ, chỉ ngày lễ, ngày nghỉ mới về thăm cụ được. 107 tuổi nhưng lúc nào cụ Tẩn cũng sợ “kém xinh”, khiến những cuộc chuyện trò với con cháu cứ “bò lăn” ra cười như nắc nẻ. Việc “làm đẹp” của cụ cũng chỉ có bà Bình đáp ứng được nhiệm vụ cắt tóc và may diện “trang phục” đẹp, vừa ý cụ.

Bà Bình sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học và gia giáo, được mẹ đẻ dạy rằng “Sống mỗi người mỗi nết, chết mỗi người mỗi tật” và luôn dạy con hiếu thảo, thương yêu chăm sóc mẹ chồng như mẹ đẻ. Khi về làm dâu họ Trần, bà xác định phải hết lòng chăm sóc mẹ chồng với tấm lòng hiếu thảo như con đẻ. Bà luôn giữ được bầu không khí đầm ấm chan hòa, vui vẻ của gia đình để các anh chị em và con cháu nội tộc năng về bên mẹ…

Càng cao tuổi, cụ Tẩn càng khó tính. Nhưng ngay cả lúc cụ khó tính thì bà Bình vẫn xởi lởi tìm cách chuyện trò động viên để mẹ chồng bớt giận. Những khi cụ Tẩn “trái gió trở trời”, bà Bình không quản ngại ngày đêm cùng anh chị em, con cháu trong nhà hết lòng chăm sóc để cụ sớm khỏe lại.

Ông Trần Văn Cường cũng tự hào về vợ, kể rằng khi còn công tác, ông bà luôn động viên nhau hoàn thành tốt việc nước, việc nhà. Nay về hưu nên có thời gian ngày đêm tận tụy, chăm sóc, nâng giấc cho cụ Tẩn từ miếng ăn, giấc ngủ để đại gia đình yên tâm, cũng là tấm gương cho thế hệ các con cháu sau này noi theo.

Mọi người cho rằng, có lẽ dành cho cụ Tẩn tình yêu thương như mẹ đẻ của bà Bình chính là bí quyết để giữ lửa cuộc hôn nhân của họ thêm hạnh phúc, đại gia đình đầm ấm, sum vầy. Tính tới năm nay thì bà Bình đã có 43 năm chăm dưỡng, lo toan, hiếu đễ với mẹ chồng. Hạnh phúc của ông Cường - bà Bình ngoài do hai ông bà xây dựng, còn có công lao vun đắp rất lớn của cụ Tẩn. “Phúc đức tại mẫu”, nên giờ họ cũng đã có một mái ấm điền viên. Từ những cán bộ mẫn cán đã trở thành cha mẹ mẫu mực và giờ thành ông, thành bà đáng kính trọng. Làng xóm khen ngợi cụ Tẩn sung sướng, trường thọ nhờ dâu đảm, con cháu thảo hiền. Cũng nhờ dâu đảm, con cháu thảo hiền mà đại gia đình cụ Tẩn trở thành tấm gương cho anh em, con cháu họ mạc noi theo. Tứ đại đồng đường cùng sống trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, vui vẻ, ai cũng thương yêu nhau chân thành.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật