Cổ phiếu Yeah1: Tiềm năng nhưng giá có quá đắt?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mặc dù hoạt động trong lĩnh vực khá thời thượng, có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng mức giá chào sàn tới 250.000 đồng/cổ phiếu của Yeah1 không phải không gây ra lo ngại đối với nhiều nhà đầu tư.
Cổ phiếu Yeah1: Tiềm năng nhưng giá có quá đắt?
Ngày nay, đời sống người dân được cải thiện dẫn đến nhu cầu giải trí không chỉ được chú trọng mà dự báo còn ngày càng tăng cao. Trong ảnh: Khách tham quan một triển lãm ngành truyền hình ở T

Doanh nghiệp truyền thông đầu tiên lên sàn

Ngày 26-6-2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) đã chính thức niêm yết 27,37 triệu cổ phiếu trên sàn HOSE với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 250.000 đồng/cổ phiếu và kết thúc phiên đã tăng lên mức 300.000 đồng. Tại mức giá này, giá trị vốn hóa của Yeah1 đạt 8.200 tỉ đồng.

Yeah1 được thành lập tháng 9-2006. Tính đến nay, hoạt động của Yeah1 bao gồm các kênh truyền hình truyền thống (Yeah1TV, Yeah1Family, Imovie, Uni...), sản xuất phim điện ảnh (Yeah1 CMG) đến các kênh kỹ thuật số hiện đại (Digital) trên các phương tiện điện thoại thông minh, các trang mạng, các ứng dụng...

Kết thúc năm 2017, Yeah1 ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 851 tỉ đồng, tăng 48% và lãi sau thuế đạt hơn 82 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2016 và vượt tới 212% kế hoạch. Tính theo cơ cấu sản phẩm, phần lớn lợi nhuận đến từ quảng cáo của các chương trình phát trên hạ tầng kỹ thuật số. Nếu tính theo thị trường thì chỉ có 18% doanh thu của Yeah1 đến từ thị trường Việt Nam, 80% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài mà chủ yếu là các nước Đông Nam Á.

Tính đến ngày 31-12-2017, vốn chủ sở hữu của Yeah1 đạt 238 tỉ đồng; tổng tài sản đạt 657 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với đầu kỳ (354 tỉ đồng) - trong đó tài sản ngắn hạn và dài hạn tăng mạnh lên lần lượt là 435,6 tỉ và 222 tỉ đồng.

Năm 2018, Yeah1 đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.600 tỉ đồng, tăng 90% so với năm 2017 và lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2017. Kế hoạch đột biến này sẽ ghi nhận 70% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài, bởi sản phẩm của Yeah1 năm 2017 đã có mặt tại 150 nước và mang về trên 50% doanh thu, trong đó Mỹ chiếm khoảng 35%. Về cơ cấu doanh thu và lợi nhuận, 25% sẽ đến từ mảng truyền thông truyền thống, 25% từ kênh Youtube, còn lại 50% là sự đóng góp của Non-Youtube. Về Non-Youtube, theo Yeah1, kênh này cho phép quảng cáo trên cả website, app và game online, được Yeah1 chính thức đầu tư năm 2017 thông qua việc mua lại 76% cổ phần Công ty Netlink.

Miếng bánh thị trường “béo bở”

Ngày nay, đời sống người dân được cải thiện dẫn đến nhu cầu giải trí không chỉ được chú trọng mà dự báo còn ngày càng tăng cao. Kéo theo đó, kinh doanh truyền hình giải trí trở thành một lĩnh vực tương đối năng động, nhằm đáp ứng nhu cầu của hầu hết tầng lớp người xem, đặc biệt nổi bật là tầng lớp người trẻ tuổi. Việt Nam hiện có rất nhiều kênh truyền hình truyền thống với đa dạng các thể loại trình chiếu như phim, âm nhạc, thời trang, mua sắm... Không chỉ vậy, truyền hình thông qua Internet cũng đang trên đà phát triển vượt bậc trong bối cảnh cách mạng công nghiệp đang ngày càng bùng nổ, nhiều nhà đầu tư sớm nắm bắt xu hướng đã chi mạnh tay vào mảng này.

Trên thực tế, các nội dung kỹ thuật số đang ngày càng đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu doanh thu của ngành giải trí truyền thông trên toàn cầu. Cùng với việc mạng Internet ngày càng phát triển về phạm vi bao phủ lẫn chất lượng đường truyền, nhu cầu dành cho video trực tuyến đang tăng lên mạnh mẽ trong thời gian ngắn, đặc biệt đối với người dùng trẻ tuổi. Chi phí quảng cáo cũng đang dịch chuyển từ truyền hình sang trực tuyến. Năm 2017 là năm đầu tiên quảng cáo trực tuyến (đạt 207 tỉ đô la Mỹ, tương đương 41% thị phần) vượt qua quảng cáo trên truyền hình (đạt 178 tỉ đô la Mỹ, tương đương 35% thị phần).

Theo số liệu của Statista và eMarketer, chi phí quảng cáo trực tuyến/tổng chi phí quảng cáo tại Việt Nam mới chỉ ở mức 3%, vẫn còn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực như Ấn Độ (19%), Malaysia (20%), Indonesia (15%) cũng như bình quân toàn cầu (41%). Thống kê này cho thấy Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển của quảng cáo trực tuyến. Ngoài ra, Việt Nam có 45,2 triệu dân số trẻ, 49,1 triệu người dùng Internet, 46 triệu người dùng mạng xã hội và 125 triệu thuê bao điện thoại. Đây là những con số thể hiện tiềm năng rất lớn của mảng quảng cáo trực tuyến và là điểm cộng, thu hút nhà đầu tư của những doanh nghiệp như Yeah1.

Tuy vậy, về mức giá khủng 250.000 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn của Yeah1, không phải không có những ý kiến lo ngại. Mức giá chào sàn như trên tương ứng với mức P/E trailing (giá trên lợi nhuận một cổ phiếu, bốn quí 2017) của cổ phiếu YEG lên tới hơn 40 lần.

Yeah1 có tiềm năng tăng trưởng khá lớn nhưng đây là doanh nghiệp truyền thông đầu tiên lên sàn chứng khoán, lại hoạt động trong một lĩnh vực còn khá mới mẻ, nên khiến không ít nhà đầu tư gặp khó khăn trong so sánh với tương quan ngành để định giá đúng. P/E chung của sàn HOSE hiện chỉ ở mức 17-18 lần. Một số cổ phiếu blue-chip đang dẫn đầu trên sàn như SAB cũng chỉ có P/E ở mức hơn 31 lần; VNM có P/E ở mức 24 lần; MWG có P/E gần 15 lần...

Dù chỉ số P/E chưa thể phản ánh hết được giá cổ phiếu vì đối với nhiều công ty, nếu tiềm năng lợi nhuận trong tương lai cao hơn thì P/E ở hiện tại có thể cao hơn mức trung bình, đặc biệt là đối với các công ty công nghệ. Tuy nhiên, mức P/E như trên của Yeah1 vẫn được đánh giá là khá cao và có lẽ chỉ những nhà đầu tư thực sự kiên nhẫn, hiểu rõ và tin tưởng vào triển vọng của công ty trong dài hạn mới sẵn lòng trả mức giá cao như vậy.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật