Giá USD ngân hàng vượt 23.000 đồng/USD, doanh nghiệp bắt đầu lo

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá USD trong các ngân hàng thương mại hôm nay 29/6 chính thức vượt 23.000 đồng/USD sau vài ngày tăng liên tục.
Giá USD ngân hàng vượt 23.000 đồng/USD, doanh nghiệp bắt đầu lo
Ảnh minh họa

Tỷ giá trung tâm hôm nay được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm nhẹ so với phiên trước, ở mức 22.650 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD trong các ngân hàng thương mại lại tiếp tục tăng mạnh, vượt mốc 23.000 đồng/USD.

Eximbank giao dịch USD nhích hơn, khi niêm yết giá USD mua vào 22.930 đồng/USD, bán ra 23.000 đồng/USD, tăng 20 đồng mỗi đôla Mỹ so với phiên trước.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố bán USD giao dịch bằng hình thức chuyển khoản ở mức 23.000 đồng/USD, trong khi bán tiền mặt là 23.010 đồng/USD, tăng 20 đồng mỗi đôla Mỹ so với cuối ngày hôm qua.

Tại Vietcombank, giá USD được niêm yết ở mức 22.920 đồng/USD mua vào, 22.990 đồng/USD bán ra, tăng thêm khoảng 15 đồng mỗi USD so với phiên trước.

Trong khi giá USD ở các ngân hàng thương mại chưa hết đà tăng thì giá USD trên thị trường tự do lại đi xuống. Sáng 29/6, một số điểm thu đổi ngoại tệ tại TP.HCM báo giá USD mua vào 23.030 đồng/USD, bán ra 23.100 đồng/USD, giảm nhẹ so với cuối ngày 28/6. Nếu tính ở mức đỉnh của USD tự do từ tuần trước đến nay, giá bán ra USD tự do đã giảm khoảng 60 đồng/USD.

Với mức tăng tỷ giá USD/VNĐ từ đầu năm đến nay khoảng hơn 1%, những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu đang có lợi. Chủ tịch Hội đồng quản trị một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may cho biết doanh nghiệp ông vay ngoại tệ để phục vụ hoạt động sản xuất, gia công hàng xuất khẩu nhưng có nguồn thu 100% là USD nên khi tỷ giá tăng sẽ có lợi đáng kể. Phần chênh lệch giữa khoản vay USD từ ngân hàng thương mại và nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng dệt may, doanh nghiệp sẽ bán ra thị trường và hưởng lợi nhiều hơn nếu giá USD ở mức cao.

Đại diện một công ty logistics chuyên giao nhận, vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại TP.HCM cho biết công ty ông vừa bán ngoại tệ cho ngân hàngvới giá 22.935 đồng/USD, mức khá cao so với trước đó. Do hoạt động trong lĩnh vực giao nhận xuất nhập khẩu nên mỗi tháng, doanh thu ngoại tệ của công ty khoảng 5 triệu USD.

"Nguồn thu từ ngoại tệ của công ty lên tới hàng triệu USD nên việc giá USD tăng cao sẽ có lợi lớn. Chỉ tính trong 5 tháng đầu năm, công ty đã bán hơn 20 triệu USD cho ngân hàng thương mại" - vị đại diện công ty này nói.

Ngược lại, các doanh nghiệp vay USD phục vụ cho hoạt động nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào, nhưng lại không có nguồn thu ngoại tệ đủ trả nợ vay, sẽ bị ảnh hưởng nếu tỉ giá biến động mạnh. Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu cho biết công ty ông vay ngân hàng tiền đồng để kinh doanh rồi trả cho đối tác bằng ngoại tệ sau khi nhập hàng.

"Giờ giá USD tăng cao, doanh nghiệp không chỉ bị lỗ tỷ giá so với thời điểm ký hợp đồng mà còn bị lỗ chi phí nguyên phụ liệu đầu vào. Dù hồi đầu năm, trong kế hoạch doanh nghiệp đã lường trước biến động tỷ giá vào hoạt động kinh doanh nhưng nếu tỷ giá tăng trên 2% coi như doanh nghiệp không có lời" - vị giám đốc này lo lắng.

Dù xuất khẩu hưởng lợi khi tỷ giá tăng nhưng tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho rằng tỷ giá tăng trong ngắn hạn sẽ có lợi nhưng về lâu dài khách hàng sẽ tăng giá lên. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần ổn định tỷ giá và biến động trong biên độ nhất định chứ không hẳn là tăng - giảm quá mạnh. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật