Tìm kiếm CEO: Trăm mối tơ vò

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hầu hết các doanh nghiệp (DN) đều bắt đầu câu chuyện thuê giám đốc điều hành (CEO) bằng những kỳ vọng lạc quan, nhưng cuối cùng lại kết thúc bằng những tổn thất, đổ vỡ. Song, kỳ vọng tìm ra sức bật mới, tương lai mới khiến DN vẫn tiếp tục đi tìm CEO bằng nhiều cách làm mới.
Tìm kiếm CEO: Trăm mối tơ vò
Ảnh minh họa

CEO ngoài hay CEO trong?

Tại chương trình Cà phê sáng thứ Bảy với chủ đề “Thuê CEO - Đi tìm bình mới, rượu mới” do Hội Doanh nhân Trẻ TP.HCM và Công ty Truyền thông Plan A tổ chức, nhiều DN khẳng định: “CEO là hướng đi cộng hưởng, là yêu cầu tất yếu trong môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, nhất là với các DN đang khao khát tái cấu trúc và phát triển”.

Chính vì vậy, đã có không ít DN sẵn sàng chi ra không ít tiền cùng nhiều chế độ ưu ái để “săn” bằng được những CEO mà họ kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cách làm đó đã cũ và không hiệu quả.

Thực tế, để có được một CEO tâm huyết với DN và ngành nghề là điều vô cùng khó vì không có nhiều CEO chuyên nghiệp, đa số họ chắt lọc kinh nghiệm từ các công ty đa quốc gia, sau đó tiếp tục đi học thêm.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, tố chất của một CEO là sự tâm huyết, khi đã “khoác” chiếc áo của DN nào thì anh ta phải cống hiến hết mình vì DN đó. Nhưng thực tế, nhiều CEO tại Việt Nam khi thấy DN gặp vướng mắc thì thường nản lòng và thường so sánh DN mới với DN cũ khi sự hợp tác không thành.

Theo ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng - Thương mại TTT, không nhất thiết phải tìm CEO từ bên ngoài mà có thể tìm ngay nội bộ, nhưng họ phải được thử thách. Cụ thể ở TTT, để đạt đến mức 3% (mức cuối cùng được chọn làm CEO) thì ứng viên phải trải qua ba nấc thang, bắt đầu từ 0%.

Ở mỗi nấc thang này, các ứng viên đều phải trải qua rất nhiều công việc, thử thách từ vị trí thấp đến cao. Cũng theo ông Thông, một CEO đủ tiêu chuẩn, trước hết người đó phải phù hợp với ban lãnh đạo, phù hợp với chiến lược phát triển của công ty, sẵn sàng đi cùng chiếc thuyền với DN mà không cần biết sẽ đi đâu.

Ví như một nhóm người cùng lên chiếc thuyền đi tìm Ấn Độ nhưng cuối cùng họ lại tìm ra châu Mỹ - một thế giới mới rộng lớn hơn. Quan trọng là CEO mang khát vọng chinh phục thử thách của DN.

Tuy nhiên, ông Thông cũng thừa nhận do chặng đường thử thách quá dài nên khi đạt chặng cuối cùng từ 0,5 - 3%, số ứng viên còn lại không nhiều, và trong số các ứng viên cũng đôi lúc chưa đủ phẩm chất để lên hàng trên. Vì vậy, TTT vẫn luôn trên hành trình tìm kiếm CEO.

Làm thuê hay hợp tác?

Từng làm CEO cho Công ty Chứng khoán Âu Việt và hiện nay chuyên tư vấn tái cấu trúc cho DN, ông Nguyễn Quốc Toàn lại cho rằng: “Nên thuê CEO từ bên ngoài và yêu cầu đặt ra cho các CEO này sẽ theo từng giai đoạn phát triển của DN. Cụ thể, khi DN biết mình cần gì và chiến lược đó phải thực hiện trong bao nhiêu năm thì sẽ tìm CEO đáp ứng nhu cầu đó. Sau khi thực hiện xong sứ mạng, anh ta sẽ ra đi và khi DN có chiến lược mới, họ sẽ tiếp tục đi tìm một CEO khác đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới”.

Với cách làm này, theo ông Toàn không chỉ đáp ứng được nhu cầu “nóng” của DN theo từng thời kỳ mà còn giải quyết được áp lực với các CEO khi họ phải gánh một kỳ vọng quá lớn, đó là bất cứ việc gì CEO cũng phải biết và làm được, trong khi chính các DN Việt Nam cũng chưa đủ đẳng cấp để thuê CEO, cũng như không biết cần gì ở CEO.

Chứng minh điều này, ông Toàn kể rằng, Công ty K.N. đang cần tìm một giám đốc marketing. Nhưng khi bị đặt câu hỏi: “Anh muốn giám đốc đó làm gì?”, thì đại diện của K.N. lại nói rất lòng vòng và không rõ đang cần gì ở giám đốc marketing này.

Thực tế, có rất nhiều DN cũng đang lòng vòng không biết cần gì ở CEO. Thậm chí, có nhiều DN sau khi thuê CEO thì tự triển khai chiến lược, sau đó mô tả công việc và giao cho CEO thực hiện.

Với cương vị của người từng làm CEO cho bốn công ty và hiện nay là Phó tổng giám đốc Phụ trách Thương hiệu và Marketing cho Công ty FPT, ông Lê Trung Thành chia sẻ kinh nghiệm:

“Chưa bao giờ tôi nghĩ mình đi làm thuê nên đến công ty nào, tôi cũng làm hết tâm huyết. Khi tôi về làm cho FPT, nhiều người cũng lo lắng vì FPT là một công ty thành công nhưng họ có một văn hóa... rất FPT. Bên cạnh đó, công việc FPTgiao cho tôi quá lớn nhưng những người làm với tôi lại quá cá tính.

Lúc đó, tôi nghĩ những cái họ cần mình có rõ ràng không và tôi quyết định trao đổi thẳng thắng với cấp trên. Cuối cùng, tôi đã hiểu ra động cơ và mong muốn của họ và chính mấu chốt này đã giúp tôi vượt qua khó khăn ban đầu”.

Dù nhiều quan điểm và cách làm khác nhau, nhưng thuê CEO theo cách nhìn mới của nhiều DN, chính là sự hợp tác hợp tác giữa năng lực kinh doanh và năng lực quản lý.

Sự hợp tác này không chỉ giải quyết công việc hiện tại mà giải quyết câu chuyện lớn hơn, lâu dài hơn. Vì vậy, việc tìm kiếm CEO vẫn đang là câu chuyện nóng và chiếm nhiều chất xám của các DN.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật