Thông điệp nào cho Mỹ từ chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã kết thúc chuyến thăm lần thứ 3 tới Trung Quốc ngày 20-6 với trà, lời khen ngợi, những cái bắt tay và một thông điệp gửi tới chính quyền Mỹ.
Thông điệp nào cho Mỹ từ chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim?
Ảnh minh họa

Theo đài CNN, trong bối cảnh dư luận vẫn còn quá nhiều những câu hỏi lấn cấn về tinh thần sẵn sàng của Triều Tiên với tiến trình giải trừ hạt nhân, cũng như cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, chuyến công du của ông Kim đã nhấn mạnh một vấn đề: Bắc Kinh vẫn là nhân tố chính, một biến số mà Tổng thống Donald Trump cần đến, và cho tới nay vẫn là yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của ông Trump.

Quyết định hiệu quả trừng phạt

Chính giới Mỹ đã nói họ sẽ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt với Triều Tiên ngay cả khi các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục, và sẵn sàng gia tăng áp lực trừng phạt kinh tế nếu Triều Tiên bất hợp tác.

Tuy nhiên Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, rốt cuộc mới là bên nắm quyền quyết định việc những lệnh trừng phạt kinh tế với Bình Nhưỡng có thực sự hiệu quả hay không.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, một số chuyên gia phân tích cho rằng không khí ấm áp, thân tình và hữu nghị được phô diễn trong chuyến thăm Bắc Kinh lần 3 của ông Kim Jong Un rõ ràng là một thông điệp cảnh báo từ ông Trump tới ông Tập.

Thông điệp đó "nói" rất rõ rằng những động thái "quá khích" của ông Trump trong thương mại có thể sẽ làm "hư bột hư đường" một mục tiêu khác tham vọng nhất của ông ấy, đó là tiến trình hòa bình với Triều Tiên.

"Tôi nghĩ Trung Quốc đang gửi tới ông Trump thông điệp: Ông vừa muốn áp thuế thương mại lên chúng tôi lại vừa muốn có sự hợp tác của chúng tôi với Triều Tiên? Ông không thể có cả hai". Đó là nhận định của ông Bill Richardson, cựu Bộ trưởng năng lượng Mỹ và cũng là một cựu đại sứ.

Những quan hệ phức tạp

Chuyến công du tới Bắc Kinh của ông Kim Jong Un là chuyến thứ 3 trong vòng 3 tháng trở lại đây. Nó cũng diễn ra chỉ vài ngày sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên có cuộc hội đàm thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ ngày 12-6 tại Singapore.

Trong các phát biểu công khai, ông Tập cam kết duy trì vai trò tích cực trong việc thúc đẩy những nỗ lực hướng tới tiến trình giải trừ hạt nhân và hỗ trợ những cam kết của Triều Tiên trong việc thực hiện mục tiêu đó bất kể các bất đồng thương mại.

Trong trên thực tế, căng thẳng thương mại giữa hai bên tiếp tục gia tăng. Ngày 18-6 ông Trump yêu cầu đại diện thương mại Mỹ chuẩn bị áp mức thuế mới 10% với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc.

Ông Trump cũng đã phản ứng giận dữ trước quyết định của Bắc Kinh trong việc áp mức thuế đáp trả sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế lần đầu với 50 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc ngày 15-6 để phản đối với những điều ông cáo buộc là "thương mại không công bằng" của Bắc Kinh.

"Hết lần nọ tới lần kia Mỹ đã luôn châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, nói như vậy. Ông này cho biết Trung Quốc không mong muốn phải tham gia một cuộc chiến thương mại, "tuy nhiên cũng không sợ một cuộc chiến như vậy".

"Chúng tôi khuyên phía Mỹ nên trở lại với tư duy lý trí, và ngừng ngay những lời lẽ cũng như động thái gây tổn hại cho chính họ và những người khác", ông Cảnh Sảng nói.

Trong ngày 19-6, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ, bà Heather Nauert, cũng đã cảnh báo việc không nên có sự "nhập nhèm" giữa những bất đồng thương mại với Trung Quốc và sự hợp tác của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Bà Nauert cũng lưu ý là nước Mỹ hiện có những mối quan hệ phức tạp với nhiều quốc    gia, không chỉ Trung Quốc.

Bà Nauert nói: "Có những lĩnh vực chúng tôi hợp tác với Trung Quốc và chúng tôi có quan hệ rất chặt chẽ, nhưng cũng có những lĩnh vực không phải lúc nào cũng tôi cũng đồng tình với Trung Quốc, và chúng tôi chắc chắn sẽ làm rõ những chuyện này".

Bà Nauert cũng nói: "Chúng tôi muốn có một quan hệ mang tính xây dựng với chính phủ Trung Quốc. Để làm điều đó, chúng tôi cần sửa chữa, tạo ra một số tiến bộ trong những vấn đề liên quan tới thương mại".

Theo ông Mintaro Oba, cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama, hiện chưa rõ những căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có ảnh hưởng như thế nào tới các cuộc đàm phán với Triều Tiên, tuy nhiên ông Oba cảnh báo, ông Tập Cận Bình hoàn toàn có thể gia giảm mức độ hợp tác của ông nếu những căng thẳng này tiếp tục tăng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật