Những bông hoa thơm giữa đời thường

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sài Gòn xưa kia (TPHCM ngày nay) là vùng đất lành của dân tứ xứ đổ về. Cái phóng khoáng, hào sảng của vùng đất này như một mạch nước ngầm thấm dần vào bất cứ ai đặt chân đến đây. Và trên hết, cái tinh thần “tương thân tương ái” từ bao đời mà ông cha đã dạy, luôn hiện hữu. Cũng như chú Lương, người đàn ông với tấm bảng “Bơm vá sửa xe – Người tàn tật bơm và miễn phí” ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Những bông hoa thơm giữa đời thường
Hơn 20 năm làm nghề, chú không nhớ hết đã sửa xe miễn phí cho bao nhiêu người khuyết tật vô tình đi ngang qua đây.

Chú Phạm Văn Lương, 53 tuổi, từ Hà Nội vào đây làm nghề sửa xe từ hơn 20 năm nay. Vợ chú đã bỏ đi từ lâu. Một mình chú “gà trống” nuôi 2 người con trai trong mội phòng trọ bên khu Bàn Cờ, quận 3. Chỗ “làm việc” của chú thường là ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai – Cống Quỳnh. Chú nói, ngồi đây nhiều khi mấy ông xích lô, xe ôm, rồi mấy người đi xe lăn, bệnh tật tới sửa xe, chú cũng không nỡ lấy tiền. “Người ta tiền ăn còn không có nên đâu có dám sửa xe. Nên tui kêu lại sửa miễn phí cho họ. Tiền đó người ta còn ăn uống. Lấy chi có hai, ba ngàn. Mình nghèo thiệt, nhưng cũng đỡ hơn nhiều người. Thấy người ta khổ mà không giúp, tội lắm.”

Ngồi trò chuyện với chú, tôi mới hiểu được dù việc lớn, việc nhỏ gì thì khi làm cũng phải để hết cái tâm mình trong đó. Chú kể hồi trước đoạn đường Nguyễn Thị Minh Khai chưa có dải phân cách, tai nạn thường xuyên. Nhiều khi chú bỏ hết công việc chạy ra đưa người bị nạn đi cấp cứu. Vậy mà bị người thân họ hiểu lầm rồi đánh. Nhưng biết chỉ là hiểu lầm thì họ cũng quay lại xin lỗi. Chú cười hiền. Mỗi câu chuyện chú kể về công việc của mình, tôi thấy trong ánh mắt chú là cả một sự tự hào.

Hơn 20 năm làm nghề, chú không nhớ hết đã sửa xe miễn phí cho bao nhiêu người khuyết tật vô tình đi ngang qua đây. Nhớ những ngày đầu, người ngoài nhìn vào cứ nói chú Lương không bình thường. Chú chẳng phân trần gì, chỉ cười cười. Rồi dần dần, mọi người cũng quen với việc làm của chú. Cũng chẳng ai thắc mắc hay nói bóng nói gió gì nữa, vì biết chú làm thế từ cái tâm và chú hạnh phúc mỗi khi giúp được người khuyết tật.

Hỏi về cơ duyên ra đời ra đời tấm bảng “Bơm vá sửa xe – Bơm vá miễn phí người khuyết tật”. Chú kể hồi trước có một cụ bán vé số tới năn nỉ chú vá giùm chiếc xe lăn. Cụ nói đi bốn, năm chỗ mà không ai chịu vá. Chú thấy vậy đỡ cụ vào trong, vá xe cho cụ rồi không lấy tiền. Ông cụ nói người ta ngại vá xe lăn, xe lắc lắm, may mà có chú. Cụ còn gợi ý chú làm cái bảng để những người khuyết tật biết mà vào sửa”. Vậy là tấm bảng có dòng chữ “Bơm vá sửa xe – Bơm vá miễn phí người khuyết tật”. Kể từ đó người khuyết tật biết đến chú và cũng tới sửa xe nhiều. Thấy vậy, chú cũng vui vui.

Những hành động nhỏ khiến người đi đường cảm thấy ấm lòng

Ngồi trò chuyện với chú hồi lâu thì có khách đến nhờ chú vá xe. Tôi đứng lên xin phép chú ra về. Chú nắm chặt tay tôi, dặn: “Chú làm những điều này vì cái tâm của mình, để mấy em, mấy cháu sau này nhìn vào đó mà học, mà hiểu rằng ở đời sẻ chia là hạnh phúc, cho đi là nhận lại, đừng có mà vì chữ tiền rồi quên đi tình người, nhớ lời chú nghen”. Tôi nhìn người đàn ông nhỏ bé lui cui bơm xe cho khách, lòng thầm mong chú sẽ luôn khỏe để như bông hoa rực rỡ, điểm tô sắc thắm cho đời.

Trời Sài Gòn chợt nắng, chợt mưa, đỏng đảnh dễ làm người ta dường như cáu gắt, khó chịu hẳn. Ấy vậy những người như chú Lương vẫn ngày ngày mang đến góp cho thành phố này một niềm vui nhỏ, mặc kệ nắng mưa. Xin cho phép tôi gọi chú và những người có cùng tấm lòng ấy là “Những bông hoa của đời thường”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật