Triều Tiên bí mật tiếp cận con rể Trump để dàn xếp cuộc gặp lịch sử

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo NYT, Bình Nhưỡng tìm cách dàn xếp cuộc gặp tại Singapore thông qua con rể của ông Trump, Jared Kushner, với sự trợ giúp của một doanh nhân Mỹ làm ăn tại Triều Tiên.
Triều Tiên bí mật tiếp cận con rể Trump để dàn xếp cuộc gặp lịch sử
Ảnh minh họa

Mùa hè năm ngoái, tài phiệt người Mỹ Gabriel Schulze đã tiếp cận chính quyền Trump với một đề nghị bất thường: Chính phủ muốn nói chuyện với Jared Kushner, cố vấn cấp cao và là con rể của tổng thống.

Theo New York Times, ông Schulze giải thích rằng một quan chức hàng đầu của Triều Tiên đang tìm kiếm một kênh liên lạc để dàn xếp cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un, những người đã liên tục đe dọa đối đầu quân sự trong suốt nhiều tháng.

Sống ở Singapore, doanh nhân này đã xây dựng một mạng lưới quan hệ ở Triều Tiên thông qua các chuyến đi đến đất nước bí ẩn tìm kiếm cơ hội kinh doanh.

Đối với một số người ở Triều Tiên, ông Kushner dường như là một mối liên hệ đầy hứa hẹn. Các quan chức ở Bình Nhưỡng đánh giá, là thành viên trong gia đình của tổng thống, ông Kushner có ảnh hưởng đến cha vợ, đồng thời "miễn nhiễm" trước những thay đổi nhân sự làm chấn động chính quyền Mỹ những tháng đầu.

Cách tiếp cận im ắng của ông Schulze chỉ là một bước trên con đường dẫn đến cái bắt tay giữa ông Trump và ông Kim hồi tuần trước tại một khách sạn kiểu thu‌ộc đị‌a ở Singapore.

Con đường đó bao gồm các cuộc gặp bí mật giữa các điệp viên, các cuộc thảo luận giữa các doanh nhân luôn nghĩ đến lợi nhuận và vai trò trước đây chưa từng được nhắc đến của ông Kushner.

Trong quá trình tiếp cận ông Kushner, những người Triều Tiên học hỏi người Trung Quốc. Bắc Kinh vốn từ sớm đã xác định người chồng 37 tuổi của Ivanka Trump là một "thái tử" có quan hệ rộng, người có thể kết nối trực tiếp tới Tổng thống Trump và cho phép họ đi vòng qua bộ máy cồng kềnh của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Và trong khi tiếp cận Nhà Trắng, ông Schulze đã lợi dụng sự khởi đầu bất thường trong một chính quyền nơi mà các vấn đề về chính sách và kinh doanh thường xuyên nhập nhằng với nhau. Lời đề nghị của ông Schulze, người gặp các thành viên gia đình Trump lần đầu cách đây vài năm khi họ tìm hiểu các thương vụ ở châu Á, xuất hiện giữa lúc chính quyền Mỹ có sự chia rẽ sâu sắc về cách đối phó với kho vũ khí hạt nhân đang lớn dần của Triều Tiên, thậm chí có ý kiến ủng hộ một cuộc tấn công quân sự phủ đầu.

Ngoài ông Schulze, nhiều nhân vật khác đóng vai trò quan trọng trong việc dàn xếp cuộc gặp giữa ông Trump với ông Kim, đặc biệt là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người làm nhiệm vụ trung gian liên lạc không mệt mỏi. Song những người nắm rõ các cuộc đàm phán cho biết các mối liên hệ ban đầu của ông Schulze đã góp phần hình thành những nỗ lực ngoại giao dẫn đến Singapore.

Mùa hè năm ngoái, gần như không có gì cho thấy kênh liên lạc bí mật này sẽ mang lại bất cứ điều gì có giá trị. Ngay cả bây giờ, kết quả của hội nghị thượng đỉnh vẫn đang được tranh luận sôi nổi. Trong khi Tổng thống Trump nói rằng "không còn mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên", ông không dẫn ra được sự nhượng bộ lớn nào từ nhà lãnh đạo Triều Tiên, và sau đó nói về ông Kim như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong khi tránh né hồ sơ nhân quyền của Bình Nhưỡng.

Ông Kushner không đóng vai trò trực tiếp trong các cuộc đàm phán bí mật với các quan chức Triều Tiên. Thay vào đó, ông thông báo cho ông Mike Pompeo, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) vào thời điểm đó, về sự tiếp cận của ông Schulze và yêu cầu cơ quan này chịu trách nhiệm về việc thương thảo.

Không rõ vì sao ông Kushner nghĩ rằng CIA, thay vì Bộ Ngoại giao Mỹ, nên phụ trách việc này, dù ông có quan hệ đối địch với Rex Tillerson, ngoại trưởng Mỹ khi đó, trong khi lại có quan hệ tốt với ông Pompeo. Cũng không rõ liệu việc ông Kushner bị tước quyền miễn trừ an ninh vĩnh viễn vào thời điểm đó có phải là một yếu tố khiến ông quyết định không đóng vai trò trực tiếp hay không.

Nhà Trắng và CIA từ chối bình luận về sự tiếp xúc giữa ông Kushner với ông Schulze.

Đối với ông Schulze, con cháu của một gia tộc kiếm được hàng tỷ đô từ ngành khai mỏ, sự tan băng trong mối quan hệ Mỹ - Triều sẽ có khả năng sinh lợi. Công ty của ông, SGI Frontier Capital, theo đuổi chiến lược rủi ro cao là đầu tư vào những nơi gọi là thị trường biên giới - Ethiopia, Mông Cổ và nhiều nơi khác. Ông đã tiến hành nhiều vụ làm ăn nhỏ ở Triều Tiên trước khi chính quyền Obama áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế mới vào năm 2016.

"Tôi thực sự tin rằng cơ hội được tìm thấy ở gần vùng an toàn của chúng ta," ông nói với Financial Times vào năm 2013.

Trong một tuyên bố, ông Schulze nói: "Tôi không thảo luận về bản chất việc kinh doanh của tôi hay các mối quan hệ cá nhân".

Doanh nhân người Mỹ sống tại Singapore Gabriel Schulze (trái) từng nhiều lần đến Triều Tiên để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Ảnh: KCNA.

Các cuộc gặp giữa ông Kushner và ông Schulze đã nhanh chóng đưa con rể của tổng thống vào một vấn đề mà ông không có nhiều kinh nghiệm. Song đây không phải là lần đầu tiên ông Kushner tham gia vào một kênh liên lạc "cửa sau" trong vấn đề an ninh quốc gia.

Đầu năm 2017, ông thiết lập kênh riêng để đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải xử lý mối quan hệ giữa ông Trump với Bắc Kinh, vốn đã khởi đầu một cách gập ghềnh khi ông Trump điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan. Ông Kushner và ông Thôi đã dàn dựng một cuộc gặp kéo dài hai ngày vào tháng 4/2017, để ông Trump tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Mar-a-Lago, khu nghỉ dưỡng của tổng thống Mỹ ở bang Florida.

Nhiều người xem cuộc gặp này là dự báo về vai trò then chốt của ông Kushner trong quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc. Tuy nhiên, ông đã lùi lại để tránh đối đầu với các quan chức cấp cao khác, theo lời người phát ngôn của Nhà Trắng, và giữa lúc có nhiều dấu hỏi về các giao dịch của gia đình ông với Tập đoàn Anbang của Trung Quốc, cũng như đề nghị của chị ông về việc cấp visa ưu tiên cho những người Trung Quốc đầu tư vào các dự án bất động sản của gia đình Kushner. Người phát ngôn, Raj Shah, nói rằng những thương vụ đó không liên quan tới quyết định của ông Kushner.

Những nhà ngoại giao tự do

Ông Schulze không phải là người duy nhất đề nghị làm người dàn xếp cuộc gặp giữa Mỹ và Triều Tiên. Hơn một chục người đã tiếp cận Bộ Ngoại giao Mỹ trong năm qua, nói rằng họ có mối liên hệ với những người có chức vụ cao trong chính phủ Triều Tiên, theo các quan chức hiện tại và trước đây. Hầu hết không dẫn đến đâu.

"Trong ba chính quyền trước đây, lãnh đạo Triều Tiên đã sử dụng các nhân vật trung gian để cố gắng dàn xếp một hội nghị thượng đỉnh với tổng thống Mỹ và bỏ qua các kênh ngoại giao bình thường", ông Michael J. Green, người làm việc về vấn đề Triều Tiên trong chính quyền George W. Bush, nói. "Luôn luôn có những trung gian có kết nối với chính phủ Triều Tiên sẽ đề nghị giúp đỡ".

Việc sử dụng những "nhà ngoại giao tự do" (freelance diplomacy) như vậy cũng không phải là chỉ xuất hiện trong vấn đề Triều Tiên. Khi Tổng thống Barack Obama tỏ ra quan tâm đến việc nói chuyện với Iran vào năm 2009, một số người, trong số đó có cựu thủ tướng Tây Ban Nha và một doanh nhân Oman, đã tiếp cận Bộ Ngoại giao Mỹ để đóng vai trò trung gian. Chính quyền sau đó đã thiết lập một kênh bí mật để gặp gỡ các quan chức Iran tại vương quốc Oman.

Trong một chuyến đi đến Bắc Kinh hồi tháng 9 năm ngoái, ông Tillerson nói chính quyền Mỹ có "một hai, ba kênh kết nối với Bình Nhưỡng" mà ông hy vọng có thể mang lại bước đột phá trong bối cảnh căng thẳng leo thang vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Ông Trump trách mắng ông Tillerson trên Twitter vào ngày hôm sau, nói rằng ngoại trưởng Mỹ đang "lãng phí thời gian với việc cố đàm phán với Gã Tên lửa Bé bỏng", biệt danh mang tính xúc phạm mà ông Trump từng đặt cho ông Kim.

"tiết kiệm sức lực của anh đi Rex", ông Trump nói thêm, "chúng ta sẽ làm những gì phải hoàn thành".

Trên thực tế, sau đó ông Pompeo đã tìm hiểu các mối liên hệ với giới chức tình báo Triều Tiên. Ông đã có hai chuyến đi đến Bình Nhưỡng trong năm nay, và sau khi ông thay thế ông Tillerson làm ngoại trưởng Mỹ, tiếp tục các cuộc đàm phán để dàn xếp một cuộc họp giữa ông Trump và ông Kim. Ông Pompeo đã liên lạc với ông Kim Yong Chol, vị tướng phụ trách quan hệ giữa hai miền bán đảo và từng là lãnh đạo cơ quan tình báo của Triều Tiên.

Ông Mike Pompeo (phải) và ông Kim Yong Chol gặp nhau vài lần tại Bình Nhưỡng cũng như tại Mỹ trước hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều hôm 12/6. Ảnh: Reuters.

Trong những cuộc thảo luận đó, ông Pompeo đã dựa vào Andrew Kim, một người Mỹ gốc Hàn, phụ trách các hoạt động bí mật và phân tích của CIA về Triều Tiên. Ông đã đi cùng ông Pompeo tới Bình Nhưỡng, và góp phần không nhỏ vào cuộc gặp giữa ông Trump với Kim Yong Chol tại Phòng Bầu dục cách đây hai tuần sau khi tổng thống Mỹ hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh, một quyết định ông nhanh chóng đổi ý.

Theo các chuyên gia, động cơ để Triều Tiên tiến hành cuộc gặp có liên quan đến những tiến triển mà họ đạt được trong chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân. Sau khi chứng minh khả năng tấn công lục địa Mỹ, Triều Tiên tin rằng họ đang ở một vị thế thuận lợi để đi đến một thỏa thuận về việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Hàn Quốc cũng đã tiến hành một chiến dịch đầy quyết tâm với chính phủ tiến bộ của ông Moon. Khi ông Kim Jong Un bày tỏ sự sẵn lòng đưa các vận động viên Triều Tiên đến Thế vận hội mùa đông tại thành phố Pyeongchang của Hàn Quốc trong bài phát biểu năm mới, ông Moon đã nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao rộng hơn.

Thế vận hội cuối cùng trở thành một màn trình diễn nổi bật của tinh thần đoàn kết hai miền bán đảo. Sau đó, ông Moon cử giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon và cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui Yong đến Bình Nhưỡng để gặp ông Kim. Tại cuộc gặp đó, ông Kim bày tỏ ý muốn gặp ông Trump, và họ đã chuyển lời đến tổng thống Mỹ vài ngày sau đó.

Đối với tất cả vai trò mà các nhân viên tình báo đảm nhận trong việc dàn xếp cuộc gặp thượng đỉnh, hầu như không đáng ngạc nhiên rằng một trong những đề xuất sớm nhất đến từ một nhà đầu tư Mỹ với lịch sử làm ăn ở Triều Tiên. Mối quan hệ "nở hoa" giữa ông Trump với ông Kim giống một kế hoạch kinh doanh cũng nhiều như một cuộc đàm phán ngoại giao.

Ở Singapore tuần trước, ông Trump đã cho ông Kim xem bộ phim dài bốn phút mà chính phủ Mỹ thực hiện, miêu tả một tương lai phát triển mạnh mẽ, hiện đại cho Triều Tiên, miễn là họ từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông Trump tỏ ra hăng hái với những bãi biển bình dị của đất nước Đông Bắc Á, nơi mà ông nói rằng ông có thể thấy trước các khách sạn và chung cư cao tầng sang trọng mọc lên.

"Hãy nghĩ về nó từ góc độ bất động sản", ông Trump nói.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 8737
  1. Lầu Năm Góc xác nhận hoãn tập trận tháng 8 với Hàn Quốc
  2. 40.000 vụ tấn công mạng nhắm vào Singapore dịp thượng đỉnh Trump-Kim
  3. Nhật sẵn sàng tài trợ một phần quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên
  4. Triều Tiên sắp trao trả hài cốt quân nhân Mỹ
  5. KCNA: Triều-Trung thảo luận tương lai mới và hòa bình thực chất
  6. Hậu Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Tỷ số đang nghiêng về ông Kim Jong-un?
  7. Mỹ - Hàn sắp tuyên bố chấm dứt tập trận chung
  8. Căng thẳng Mỹ - Trung, vàng mất 606.000 đồng/lượng
  9. Mỹ rảnh tay lo chuyện Trung Quốc
  10. Tổng bí thư: ‘Lòng yêu nước bị kẻ xấu lợi dụng, kích động biểu tình’
  11. Ông Shinzo Abe khen ngợi ông Trump về kết quả cuộc gặp Mỹ-Triều
  12. Trump muốn dân ‘thẳng lưng lắng nghe’ lãnh đạo như người Triều Tiên?
  13. Đầu tư nước ngoài có thể sớm tìm đường vào Triều Tiên
  14. Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ám ảnh 3 tiền lệ Nam Phi, Ukraine, Libya
  15. Nỗi ám ảnh an ninh của Triều Tiên tại cuộc gặp lịch sử Trump - Kim
  16. Bất ngờ về đội quân âm thầm bảo vệ nguyên thủ Mỹ - Triều Tiên tại Singapore
  17. Giờ là lúc các bên ‘hỏi ý’ Trung Quốc?
  18. Nỗi lo của Triều Tiên về gián điệp trong cuộc họp Trump - Kim
  19. Hậu thượng đỉnh Mỹ - Triều, Trung Quốc cân nhắc xóa bỏ lệnh trừng phạt Triều Tiên
  20. Bản chất khoa học của phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên
  21. Quan chức Hàn: Quân Mỹ đóng ở Hàn Quốc nằm ngoài đàm phán hạt nhân
Video và Bài nổi bật