Khám phá ‘ngựa thồ’ Kawasaki C-2 của quân đội Nhật Bản

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 12-11-1970, máy bay vận tải C-1, “người tiền nhiệm” của C-2 cất cánh lần đầu, đánh dấu việc ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản tự thiết kế và sản xuất máy bay vận tải quân sự, chỉ có động cơ phải nhập khẩu từ Mỹ.
Khám phá ‘ngựa thồ’ Kawasaki C-2 của quân đội Nhật Bản
Ảnh minh họa

Do đặc thù đảo quốc nhiều đồi núi, cùng với sự phát triển của quân đội các nước khu vực Đông Bắc Á và nỗ lực giảm phụ thuộc quân sự vào Mỹ, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) đã đặt hàng các công ty công nghiệp quốc phòng phát triển máy bay vận tải chiến thuật C-2 có nhiều đặc điểm phù hợp với điều kiện chiến đấu và tình hình khu vực.

Ngày 12-11-1970, máy bay vận tải C-1, “người tiền nhiệm” của C-2 cất cánh lần đầu, đánh dấu việc ngành công nghiệp hàng không Nhật Bản tự thiết kế và sản xuất máy bay vận tải quân sự, chỉ có động cơ phải nhập khẩu từ Mỹ. C1 trở thành máy bay vận tải chiến thuật chính của JASDF cho đến đầu thế kỷ 21.

Nhưng do ra đời trong bối cảnh chính sách quốc phòng Nhật Bản chỉ chú trọng phòng vệ, C-1 được thiết kế với tầm hoạt động giới hạn trong không phận các đảo chính của Nhật Bản, không thể vươn tới các đảo xa như Okinawa. Máy bay cũng không đủ tải trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vận tải nhân lực và trang thiết bị.

Năm 1995, tập đoàn công nghiệp Kawasaki đề xuất với Bộ Quốc phòng Nhật Bản cấp kinh phí cho dự án nghiên cứu máy bay vận tải C-X. Đến năm 2001, ngân sách cho dự án được thông qua sau khi các lựa chọn của nước ngoài không đáp ứng yêu cầu của JASDF.

Năm 2010, nguyên mẫu đầu tiên định danh XC-2 bay thử thành công. Ngày 27-3-2017, máy bay được chấp nhận thay thế dần máy bay C-1 và C-130 trong biên chế của JASDF.

C-2 có tải trọng hơn gấp 4 lần C-1, có thể mang tối đa 37,6 tấn hàng hóa. Tầm hoạt động khi mang 20 tấn hàng hóa của máy bay đạt 7.600km, đủ sức bay không cần tiếp nhiên liệu từ lãnh thổ Nhật Bản đến quần đảo Hawaii (Mỹ).

Thiết kế khí động của máy bay có thân rộng, cánh cao, đuôi đứng lớn cùng hai cánh đuôi tạo thành chữ T, tối đa hóa sức nâng và khả năng giữ ổn định ở vận tốc thấp.

Tập đoàn Kawasaki cho biết, máy bay C-2 được trang bị hệ thống quản lý bay tự động, hệ thống quan sát quang-điện tử và màn hình hiển thị trên mũ phi công để hỗ trợ bay biển, bay trong thời tiết xấu, ở độ cao thấp và ở địa hình đồi núi. Ngoài ra, khả năng cất hạ cánh trên đường băng ngắn của C-2 cũng là một ưu điểm phù hợp với địa hình Nhật Bản và khu vực vành đai Thái Bình Dương. Khi không mang hàng hóa, C-2 chỉ cần 500m đường băng để cất, hạ cánh, phù hợp với mọi đường băng sân bay quân sự và dân sự của đất nước mặt trời mọc.

So với tiền nhiệm, khoang hàng của C-2 được mở rộng, có thể chở 120 binh sĩ hoặc một pháo tự hành diệt tăng Type 16, một xe phóng của tổ hợp phòng không MIM-104 “Patriot”, một trực thăng UH-60 hoặc nhiều loại hàng hóa khác.

Những ưu điểm trên của máy bay vận tải chiến thuật C-2 đem lại khả năng hỗ trợ, tiếp tế hoặc triển khai nhân lực và trang bị mạnh tới các vùng hẻo lánh, hải đảo cách xa các căn cứ hậu cần trong thời gian ngắn. Tháng 11-2017, một chiếc C-2 đã được triển khai tới căn cứ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản tại Djibouti, căn cứ hải ngoại đầu tiên của nước này kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Trên thị trường vũ khí thế giới, mẫu máy bay vận tải của tập đoàn Kawasaki có lợi thế cạnh tranh lớn do dung hòa khả năng mang tải lớn với tầm bay xa, ưu điểm vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. Mặc dù vậy, đơn giá mỗi chiếc C-2 lên tới 136 triệu USD, cao nhất trong dòng máy bay vận tải chiến thuật trên thị trường hiện nay.

Hiện nay, New Zealand là quốc gia nước ngoài đầu tiên để mắt tới C-2 do có nhiều điểm chung với Nhật Bản về đặc điểm địa lý. Ngoài ra, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang quan tâm tới dòng máy bay vận tải này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật