Nỗi đau không thể nào quên!

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng, thế nhưng người dân thôn Tròn, xã Vạn Trạch (Bố Trạch) vẫn không thể nào quên vụ rải bom cướp đi sinh mạng của 68 người và làm bị thương 16 người, tàn phá một làng quê nghèo trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng.
Nỗi đau không thể nào quên!
Mặc dù vết tích vụ thảm sát không còn, nhưng bà Nguyễn Thị Ái vẫn không quên giây phút đau thương của vụ thảm sát thôn Tròn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâ‌m lượ‌c, xã Vạn Trạch là một trong những địa phương của huyện Bố Trạch phải chịu nhiều đau thương, mất mát. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, Vạn Trạch được địch chọn làm nơi đóng quân, xây dựng đồn bốt để tấn công các cơ sở Việt Minh ở phía tây huyện Bố Trạch, chúng thường xuyên càn quét, cướp phá, gây ra biết bao tội ác đau thương cho người dân Vạn Trạch và trong vùng.

Bước sang thời kỳ chống Mỹ, nơi đây là chốt giao thông quan trọng, có các con đường nhánh của hệ thống đường Hồ Chí Minh đi qua, như: Ba Trại nối liền phà sông Gianh, đường 15, tỉnh lộ 2, đường sắt Bắc – Nam… Lúc bấy giờ, với địa hình toàn đồi núi, có rừng thông che phủ, nên Vạn Trạch rất thuận tiện cho việc cất giấu vũ khí, hàng hóa cũng như công tác huấn luyện, chiến đấu của quân dân ta. Địa phương cũng được chọn làm nơi đóng quân cho Cục Tiền phương, Đoàn 559 từ năm 1960 đến năm 1975. Đây còn là nơi tập kết, nghỉ chân của các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, thanh niên ba sẵn sàng để đi vào chiến trường miền Nam chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Những năm tháng chiến tranh, Vạn Trạch cũng là nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng đồng bào sơ tán từ Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc trong kế hoạch K8, K10 của Trung ương Đảng. Những nơi các đoàn đi qua, nhân dân luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, lo lắng nơi ăn nghỉ, bảo đảm an toàn, tính mạng cho tất cả mọi người.

Tuy nhiên, sau những thất bại liên tiếp, đế quốc Mỹ ráo riết mở rộng chiến tranh, Vạn Trạch là một trong các mục tiêu bị bắn phá ác liệt. Địch tăng cường đánh phá chốt giao thông quan trọng, kho vũ khí quân sự nhằm ngăn chặn chi viện, vận chuyển hàng hóa của ta vào chiến trường miền Nam. Mỹ trút bom đạn nhiều nhất vào các thôn xóm dọc tỉnh lộ 2, cầu Đất, cầu Vực Ngọc, Vực Dạ, ngã 3 Thọ Lộc, đường Ba Trại… Bom cày đi xới lại với đủ các loại bom tấn, bom bi, bom tạ, các loại pháo bắn từ ngoài biển vào.

Đặc biệt, đêm 8-7-1967, máy bay Mỹ thi nhau thả pháo sáng cả khu vực từ cầu Đất đến ngã 3 Thọ Lộc, chúng trút bom đạn xuống các cây cầu và địa bàn xóm Tây cướp đi sinh mạng 9 người, đốt cháy 33 nóc nhà, 17 con trâu, bò của nhân dân, thiêu hủy hàng chục tấn lúa gạo của nhân dân và hợp tác xã.

Không dừng lại ở đó, bom đạn đế quốc Mỹ dội xuống ngày càng ác liệt hơn ở mảnh đất Vạn Trạch và đã gây ra vụ thảm sát tại thôn Tròn vào ngày 5-12-1967 (tức ngày 2-11 âm lịch) cướp đi sinh mạng của 68 người gồm bộ đội, đoàn K10, nhân dân và cán bộ xã Vạn Trạch. Trong đó, đau thương nhất đã cướp đi sinh mạng của 14 cháu bé mẫu giáo. Ngoài ra, bom đạn cũng đã làm bị thương 16 người, làm sập hầm, thiêu rụi hàng chục tấn lúa gạo và hoa màu của quân và dân ta. Một vùng quê cây cối rậm rạp, rừng tre, rừng thông dày đặc trước đó đã không còn nữa, thay vào đó là cảnh hoang tàn, đổ nát và tang thương.

Theo lời kể của ông Trần Xuân Quýnh, nguyên Xã đội trưởng xã Vạn Trạch từ năm 1961-1983, khoảng 15h ngày 2-12-1967, trong lúc bộ đội cùng nhân dân thôn Tròn đang thu hoạch thóc đưa về kho để kịp thời chi viện cho chiến trường, các cô, các trò trường mầm non đang giờ lên lớp thì tốp máy bay F4 sau khi oanh tạc từ hướng Bắc vào, chúng dừng lại thôn Tròn, trút một loạt bom, rốc két vào chính giữa xóm, trúng kho thóc của hợp tác xã và căn hầm của lớp mẫu giáo đang học. Bị đánh bất ngờ nên bộ đội, nhân dân địa phương, các cô trò cùng đoàn K10 không thể chạy kịp vào hầm trú ẩn. Sau tiếng bom nổ, nhà cửa đổ nát tan hoang, người chết, người bị thương nằm la liệt bên nhau…

Bà Nguyễn Thị Ái, người đã chứng kiến trận rải bom thảm sát của đế quốc Mỹ vẫn không quên giây phút đau thương ấy: “Khi nghe tiếng bom, mọi người nhanh chân xuống được hầm trú ẩn, còn tôi chưa tới miệng hầm thì bom đã nổ khắp nơi… Dứt tiếng bom, tôi chạy qua nhà hàng xóm thì người chết la liệt, nhà cửa, ruộng vườn tan hoang. Nhìn về phía phía nhà mẫu giáo, tôi biết chuyện chẳng lành đã xảy ra. Lúc đó, nhà tôi có 2 đứa con đang học mẫu giáo, tôi chạy ào đến thì chỉ thấy đứa con gái tôi đang khóc vì hoảng sợ, nhìn xuống thấy con đã bị mất nửa bàn chân, tôi bồng chạy qua trạm y tế để cho các y, bác sỹ băng bó vết thương, rồi để con đó đi tìm thằng anh. Nhưng, trong số những đứa trẻ qua đời trong trận bom rải thảm đó có đứa con trai lớn của tôi…”.

Sau vụ thảm sát đó, nhân dân Vạn Trạch nói chung và thôn Tròn nói riêng đã biến đau thương thành hành động cách mạng, bắt tay sửa sang lại nhà cửa, nỗ lực sản xuất để ổn định lại cuộc sống và vẫn là điểm dừng chân của bộ đội trước khi vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam.

Vụ thảm sát thôn Tròn là một sự kiện lịch sử, là bằng chứng về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ gây ra đối với nhân dân ta. Ngày 20-10-2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3713/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với vụ thảm sát thôn Tròn, xã Vạn Trạch (huyện Bố Trạch).

Theo ông Nguyễn Hải Lương, Chủ tịch UBND xã Vạn Trạch, do tác động của thời gian nên hiện nay di tích của vụ thảm sát thôn Tròn không còn nguyên trạng như trước. Hiện xã đang có kế hoạch xây dựng bia di tích để tưởng nhớ những người đã mất trong vụ thảm sát này; phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi nói chuyện ngoại khóa về địa điểm di tích này…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật