Ngày hội Sống xanh, lan tỏa hành động vì môi trường

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại Ngày hội Sống xanh TP.HCM 2018 do Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM tổ chức, học sinh, phụ huynh được hướng dẫn cách tận dụng vật đã qua sử dụng để làm các đồ dùng hữu ích trong nhà.
Ngày hội Sống xanh, lan tỏa hành động vì môi trường
Ảnh minh họa

Sống giản dị, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên, đẩy lùi ô nhiễm do chất thải nhựa và túi nilông... là các chủ đề mà các bạn trẻ và người dân TP.HCM hưởng ứng trong Ngày hội Sống xanh năm 2018 diễn ra ngày 3-6.

Nhiều chủ đề về môi trường cũng như những gian hàng đổi chất thải nhựa lấy quà cũng diễn ra sôi nổi trong ngày hội.

Biến hóa cùng rác thải

Với câu hỏi: "Vỏ hộp sữa giấy sau khi uống xong có thể tái chế thành gì?". Câu trả lời: "Mái lợp!" làm nhiều bạn học sinh rất bất ngờ. Và "kỳ diệu" hơn khi các bạn biết rằng vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế thành mái lợp có độ bền cơ lý cao hơn hẳn so với mái lợp làm từ ximăng, nhựa, tôn và không cháy, chịu lực cao.

Các bạn còn hào hứng cùng tham gia tái chế ngay tại gian hàng và mang vỏ hộp sữa đến để đổi lấy những chậu cây xinh xắn.

Sự thích thú "ồ à" ấy là cảm giác của nhiều người ở các gian hàng trong ngày hội. "Mình không nghĩ ống hút nhựa biến thành bó hoa, chai thủy tinh thành hộp cắm bút và chiếc giày tây.

Những thứ mà trước nay mình dùng xong vứt đi, chẳng bao giờ bận tâm nghĩ tới lại biến thành chậu trồng cây đẹp và "chất" đến vậy" - bạn Nguyễn Thị Thanh Nga (1‌8 tuổ‌i) nhận xét khi tham quan gian hàng của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM.

"Tụi mình làm và mang đến đây những đồ dùng làm từ vật liệu tái chế, với thông điệp: trước khi mua một món đồ thì hãy sử dụng hết giá trị của nó. Nếu có thể tái chế thì hãy tận dụng hết cỡ để cùng giảm thiểu rác thải, giảm ô nhiễm môi trường" - Lê Hoàng Bảo Trân, chuyên viên của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM bày tỏ.

Tham gia ngày hội, chị Trịnh Thị Thanh Loan dẫn theo con gái 7 tuổi và con trai 3 tuổi. Ngồi đợi con gái cắt dán hình thú cưng từ những chiếc ly giấy, chị khoe: "Tôi hay cho con làm đồ tái chế vì bé mê vẽ và làm đồ thủ công. Mấy cái ly giấy uống một lần nhưng sẽ giữ lại cho bé sơn lên, cắt dán để trang trí. Như vậy vừa đúng sở thích của bé, vừa để bé có ý thức bảo vệ môi trường từ sớm".

Tham dự ngày hội, nhiều người có động lực thay đổi để "cuộc sống ngày càng xanh hơn". Đó là khi hiểu được tác hại của nhựa, túi nilông và thấy các sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế: hộp làm từ bã mía, mo cau và xơ tre thay cho hộp xốp, hộp nhựa; ống hút từ cỏ, tre; muỗng (thìa) từ mo cau; nước rửa chén từ củ quả...

Sống vì môi trường là sống cho chính mình

"Hằng ngày đi qua một bãi rác, ai cũng thấy hôi nhưng không ai dọn dẹp thì bãi rác mãi hôi, thấy vòi nước chảy mà không vặn lại thì nước chảy mãi…"

Ông Trần Phong - cục trưởng Cục Môi trường phía Nam - Bộ Tài nguyên và môi trường

Ông Trần Phong, cục trưởng Cục Môi trường phía Nam - Bộ Tài nguyên và môi trường, cho biết hơn lúc nào hết, hiện nay mỗi người đều cảm thấy áp lực rất lớn từ vấn đề ô nhiễm môi trường như tình trạng khói bụi, nước thải, thực phẩm bẩn... và cảm nhận cái giá phải trả nếu cứ tiếp tục sống và khai thác tài nguyên mà không hành động theo nhu cầu của mình, không tính tới việc gìn giữ môi trường.

Ông Phong cho rằng sẽ không muộn nếu mọi người cùng chung tay đóng góp một phần nhỏ vì môi trường để "tạo nên sự thay đổi lớn" vì "sống vì môi trường là sống vì chính mình". "Chúng ta không cần tìm đâu xa, chỉ cần làm theo các mô hình hướng dẫn cách bảo vệ môi trường tại các gian hàng ở ngày hội này đã là sự thành công lớn" - ông Phong nhấn mạnh.

Còn ông Nguyễn Toàn Thắng - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM - cũng nhìn nhận: Vấn đề ô nhiễm môi trường và những vấn đề do biến đổi khí hậu toàn cầu là điều TP.HCM đang đối đầu. Do đó, chương trình giảm ô nhiễm môi trường là một trong bảy chương trình đột phá mà TP quyết tâm thực hiện tới năm 2020.

Cụ thể, TP đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với mục tiêu củng cố hành vi tiêu dùng xanh trong cộng đồng; xanh hóa sản xuất, đặc biệt là hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ tiến đến nền kinh tế carbon thấp, giảm phát thải, giảm mức tiêu hao các loại năng lượng (điện, than, dầu, khí đốt) và tăng tỉ lệ sử dụng năng lượng tái tạo...  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật