Khi ông ngoại muốn… đi bước nữa

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần 80 tuổi, ông ngoại có… bạn gái. Với đám con cháu, chuyện đó cũng hơi bất ngờ nhưng chưa bất ngờ bằng chuyện mới đây, khi bước sang tuổi 89 và vừa trải qua một cơn bạo bệnh, ông ngoại đã ngỏ lời “rủ rê” bạn gái, là cụ bà ngoài 70 tuổi về sống cùng. “Bà về ở với tôi đi. Mỗi ngày, tôi cho bà một triệu”, cô con gái gần 50 tuổi nhắc lại lời cụ ông nói với cụ bà khi chuẩn bị về nhà sau 10 ngày nằm viện.
Khi ông ngoại muốn… đi bước nữa
Ảnh minh họa

Chị kể, ngay lúc đó chị “ngạc nhiên và hơi buồn cười”. Ngạc nhiên vì chưa bao giờ chị nghĩ đến chuyện một ngày nào đó, ở cái tuổi gần đất xa trời, bố mình lại muốn… đi bước nữa. Và buồn cười bởi vì lần đầu tiên trong đời, chị nghe lời cầu hôn lạ lùng như thế. Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua, còn lại là cảm giác thương bố đến nghẹn lời.

Chị hiểu rằng ông cụ không ổn như lời ông vẫn hay trấn an con cháu. “Ông buồn, muốn có người bầu bạn. Nhưng ở tuổi này, tương lai không có, sức lực cũng không thì lấy cớ gì để mà mời người khác về sống cùng”, chị nói.

Trước đây, mọi người hay gọi cụ là ông già vui vẻ. Tuy sống cùng gia đình con gái lớn nhưng trừ những trường hợp đặc biệt, ông gần như không làm phiền đến con cháu. Ông tự kiểm soát cuộc sống của mình và tận hưởng tuổi già bằng cách ở nhà đọc sách, đi ra ngoài tập thể dục, du lịch, giao lưu với bạn bè…

Thế nhưng, càng lớn tuổi thì cơ hội tự tìm niềm vui của ông càng ít đi. Bạn bè, người đồng trang lứa, thậm chí học trò cũng đã qua đời nên ông không còn nơi tâm sự. Những kết nối khác với xã hội bên ngoài gần như đứt đoạn vì ông phải chống gậy, thậm chí có lúc ngồi xe lăn nên không thể tự đi đây đó.

Nhóm bạn của tôi ai cũng có bố mẹ già nên câu chuyện này làm chúng tôi suy nghĩ mãi. Chúng tôi nhìn lại cuộc sống của bố mẹ mình và thấy rằng đang có vấn đề. Trong số các cụ, cũng có người coi tuổi già là hết nên chỉ đi ra đi vô cho qua những ngày còn lại. Cũng có người mong muốn tuổi già vui vẻ, muốn hòa nhập xã hội nhưng lại có những rào cản khiến các cụ không làm được.

Như bố chị bạn vừa kể trên, khi đã ngồi xe lăn thì ông cụ gần như mất khả năng tự ra phố, bởi đường sá, phương tiện giao thông công cộng không được thiết kế thân thiện với những người có khả năng vận động hạn chế như ông.

Như mẹ tôi, dù thích ra ngoài giao lưu, thích tập dưỡng sinh, nhưng cả chục năm nay bà ít khi ra khỏi nhà. Năm năm trước, các cụ trong xóm góp tiền thuê cô giáo về dạy dưỡng sinh nhưng sau khi cô giáo về thành phố sinh sống thì lớp tan. Hội người cao tuổi ở xã thì gần như không có sinh hoạt gì ngoài việc chúc thọ, chúc Tết và thăm bệnh.

Mẹ của cô bạn khác, 70 tuổi, rất năng động. Mấy năm trước, cụ tự mình đón xe buýt từ Đồng Nai lên TPHCM thăm con cháu, đi siêu thị, đi khám bệnh... nhưng sau mấy lần bị vấp ngã khi lên xuống xe buýt và lần trẹo chân mới đây thì bà quyết định ở hẳn trong nhà vì sợ nguy hiểm.

Rồi bố của anh kia, lúc còn khỏe hay đi du lịch nhưng nay sức yếu, không còn “đua” được với các đoàn đi du lịch nên ông chỉ ở nhà, đọc sách chán thì lại mở ti vi. Ông cũng ra phường tìm hội nhóm để sinh hoạt nhưng ở đó chỉ có mấy nhóm thi thoảng đi làm từ thiện hoặc đi chùa, trong khi nhu cầu của ông là chơi thể thao nhè nhẹ và truyền lại kiến thức về tiếng Pháp cho người khác.

Năm ngoái, hội thảo quốc tế thích ứng với già hóa dân số đã đưa ra một số thông tin đáng chú ý. Đó là, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Trong đó, số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Tỷ lệ người già sẽ còn cao hơn trong những năm tiếp theo. Điều này đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan, không chỉ là chăm sóc sức khỏe, đảm bảo cho họ không phải bươn chải mưu sinh khi đã lớn tuổi mà còn là những vấn đề liên quan đến hạ tầng, thiết kế xây dựng nhà ở, đường sá, các phương tiện, dịch vụ hỗ trợ... để người già có thể tiếp cận nhằm sống vui, sống có ích.

Vừa qua, báo chí đăng một câu chuyện đáng quan tâm. Chuyện nhà sinh thái học và thực vật học Úc David Goodall, 104 tuổi, đến Thụy Sỹ để lựa chọn “cái chết êm ái”. Cụ cảm thấy mình sống quá lâu và những hạn chế về sức khỏe, vận động khi đã lớn tuổi khiến cuộc sống gần như không có ý nghĩa. “Mỗi ngày, tôi thức dậy, ăn sáng rồi ngồi đến tận trưa. Rồi tôi ăn trưa và lại ngồi. Điều đó có ích gì?”. Nghe cụ nói mà bàng hoàng. Con người đâu chỉ sống với tuổi già trong vài năm mà đến vài chục năm, nếu mỗi ngày đều trôi qua như thế thì đâu có gì để mà lưu luyến.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật