Nắm bắt cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc đầu tư hơn nữa cho chất lượng, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng tới phân khúc cao cấp chính là những giải pháp hiệu quả để vượt qua các thách thức từ sự thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ.
Nắm bắt cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ
Nếu khai thác tốt phân khúc cao cấp, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể tăng lên 3 - 4 lần so với hiện nay. Ảnh: N.Hiền.

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ vừa được tổ chức cuối tuần qua, các DN cho hay, thời gian gần đây ngày càng có nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ bị áp thuế chống bán phá giá hoặc nâng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với hàng nhập khẩu. Không chỉ các ngành hàng xuất khẩu lớn bị kiện mà các mặt hàng nhỏ cũng nằm trong xu hướng này. Bất kỳ DN nào cũng có thể bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp khi xuất khẩu vào Mỹ.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, trong vài năm trở lại đây, Hoa Kỳ có xu hướng gia tăng các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Chỉ trong thời gian ngắn số lượng vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với nhiều mặt hàng của nhiều quốc gia khác nhau do Hoa Kỳ khởi xướng đã tăng lên gấp đôi (hơn 100 vụ). Trong đó, riêng với Việt Nam, Hoa Kỳ đã khởi kiện 25 vụ, liên quan đến nhiều ngành hàng khác nhau, từ các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như thủy sản đến ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu rất ít như túi dệt, đinh thép hay móc áo.

Theo ông Trung, các DN xuất khẩu của Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa, ít kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện thương mại, nên việc đáp ứng các yêu cầu từ phía Mỹ sẽ gặp khó khăn. Chưa kể, chi phí thuê luật sư cho các vụ kiện cao, thời gian khiếu kiện kéo dài dẫn đến nhiều thiệt hại cho DN, thậm chí có thể mất luôn thị trường do bị áp thuế cao và không thể cạnh tranh được.

Đầu tư cho chất lượng

Từ thực tế đó, các chuyên gia cho rằng, việc nâng cao chất lượng và giá trị của hàng hóa xuất khẩu là giải pháp mấu chốt để các DN Việt Nam vượt qua các rào cản và tận dụng tốt cơ hội từ thị trường Hoa Kỳ. Bà Đinh Thị Hương Nga, Ủy viên Ban thường vụ Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM cho biết, trong năm 2017, Việt Nam xuất khẩu hơn 3 tỷ USD sản phẩm đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ, chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam hiện đa phần có chất lượng trung bình, đồ gỗ ngoại thất, có giá trị không cao. Bà Nga cho hay, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm cao cấp tại Hoa Kỳ đang có xu hướng gia tăng. Nếu khai thác tốt phân khúc thị trường này, giá trị xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ có thể tăng lên 3 - 4 lần so với hiện nay.

Để làm được điều này, thời gian tới, các DN gỗ Việt Nam cần chú trọng đầu tư vào thiết kế, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, đồng thời có chiến lược sản xuất hợp lý. “Cần có sự hỗ trợ của Chính phủ hai nước để giúp DN có thêm thông tin và hiểu rõ hơn về thị hiếu, xu hướng thị trường Hoa Kỳ, qua đó DN có thể lên kế hoạch đầu tư, sản xuất phù hợp” – bà Nga nói.

Ông Đào Trần Nhân, nguyên Tham tán công sứ, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng một số cách thức để DN có thể đưa hàng vào siêu thị và đại siêu thị tại Hoa Kỳ. Theo đó, trước tiên DN phải có sản phẩm tốt, có mức giá cạnh tranh. Tiếp đến, DN phải có đủ năng lực để đáp ứng những đơn hàng lớn và rất lớn của đối tác Hoa Kỳ. Đặc biệt, DN phải có quyết tâm, có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ và phải kiên trì đeo bám để có thể thâm nhập vào thị trường này.

Liên quan đến đơn đặt hàng lớn và rất lớn, ông Nhân khuyến cáo DN phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào và phải có năng lực tài chính lớn. “Đừng nghĩ những tập đoàn lớn sẽ ứng tiền cho ta để sản xuất mà thậm chí họ còn nợ mình, vì vậy DN cần chuẩn bị kỹ càng về năng lực tài chính để có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn” – ông Nhân nhấn mạnh. Ngoài ra, các đối tác tại Hoa Kỳ rất chặt chẽ trong thời gian giao hàng, nên vấn đề tổ chức sản xuất là rất quan trọng, cùng với đó là các vấn đề về logistics, vận tải, giao nhận, kho vận, shipping… Đặc biệt, các DN cũng phải chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ liên quan, thể hiện rằng hàng hóa của mình đã đáp ứng các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ đối với mặt hàng đó để việc giao hàng, thông quan được thuận lợi.

Ông Chu Thắng Trung cũng lưu ý, khi muốn đưa hàng vào Hoa Kỳ, các DN cần tìm hiểu thông tin về chính sách thương mại và phải xác định chính xác bang, tiểu bang muốn tiếp cận để nắm được luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật Liên bang có liên quan. Ngoài ra, DN cũng cần có mối quan hệ tốt với các đối tác Hoa Kỳ để được cảnh báo, nhận biết sớm các nguy cơ về thương mại. Việc bị kiện tụng về thương mại không chỉ gây thiệt hại cho một vài doanh nghiệp mà sẽ tác động trực tiếp tới toàn ngành hàng, vì vậy các doanh nghiệp cùng ngành nghề cần liên kết chặt chẽ với nhau để phát huy tốt sức mạnh tổng hợp trong việc tận dụng cơ hội thị trường cũng như ứng phó với các sự cố về thương mại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật