Báo Hồng Kông: Cổ phiếu nhỏ Việt Nam “lấp lánh” dù thị trường lao dốc

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại diện của Asia Frontier Capital cho rằng cổ phiếu của nhiều công ty vốn hóa nhỏ của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn nhờ định giá thấp và triển vọng tăng trưởng kinh tế.
Báo Hồng Kông: Cổ phiếu nhỏ Việt Nam “lấp lánh” dù thị trường lao dốc
Trụ sở HNX tại Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn/BizLIVE

Nhiều nhà quản lý quỹ vẫn lạc quan với lợi nhuận từ chứng khoán Việt Nam ngay cả khi thị trường lặng sóng sau giai đoạn tăng mạnh năm 2017, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi Sáng (Hồng Kông) đưa tin.

Các nhà đầu tư đang đặt câu hỏi liệu thị trường chứng khoán Việt Nam có thể vượt mức tăng 48% đạt được trong năm ngoái hay không, sau khi VN-Index giảm 12% trong tháng 4/2018 – tháng đáng buồn nhất từ đầu năm đến nay dù nền kinh tế tăng trưởng tốt và thị trường IPO đang sôi động.

Tăng trưởng GDP quý I/2018 của Việt Nam đạt gần 7,4%, cao nhất trong vòng một thập kỷ qua.

Vinhomes, công ty phát triển nhà ở cao cấp của tập đoàn Vingroup, đã thu về 1,35 tỷ USD trong đợt IPO hồi đầu tháng này, đánh dấu vụ IPO lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, cao hơn cả mức 922 triệu USD Techcombank thu được từ đợt IPO hồi tháng 4/2018.

Gần đây lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 3% – mức cao nhất trong 4 năm qua. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng các quỹ săn tìm lợi nhuận trước đó ở những thị trường mới nổi, bao gồm cả chứng khoán Việt Nam, có thể bắt đầu rút lui.

Ngay cả khi bỏ qua các yếu tố bên ngoài đó, điều làm một số nhà đầu tư lo ngại là cổ phiếu của Việt Nam đang bị định giá cao. Hiện cổ phiếu đang giao dịch ở mức P/E 17,86 lần.

Andreas Vogelsanger, Giám đốc điều hành của Asia Frontier Capital (Việt Nam), cho biết giá cao cổ phiếu Việt Nam cao là mối quan tâm chính đáng, nhưng hiện tượng này chỉ tập trung ở 12 đến 14 công ty có vốn hóa lớn nhất.

Vị chuyên gia này vẫn nhận thấy cơ hội ở các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và trung bình, hiện đang giao dịch ở mức P/E 9,5 lần và có lợi suất cổ tức 7%.

“Thị giá của 12-14 cổ phiếu lớn nhất đã trở nên không thực tế [trong suốt 9 tháng] trước khi thị trường điều chỉnh vào tháng 4”, Vogelsanger nói. Việc định giá đó không dựa trên kết quả kinh doanh của các công ty.

“Nhưng ngoài 12-14 cổ phiếu lớn đã đẩy chỉ số VN-Index tăng, nhiều cổ phiếu khác không tham gia vào đợt tăng mạnh đó”, ông Vogelsanger chỉ ra.

Nhà đầu tư này cho biết việc chuyển dịch sản xuất từ các nước khác như Trung Quốc sang Việt Nam đã đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên mức cao kỷ lục trong ba năm qua.

Giải ngân FDI đạt mức cao kỷ lục 17,5 tỷ USD vào năm 2017. Trong quý I/2018, giải ngân FDI tăng 9% so với cùng kỳ.

Ví dụ, Samsung Electronics của Hàn Quốc có nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất tại Việt Nam và sử dụng hơn 100.000 nhân công.

Dòng vốn ngoại đổ vào ngành sản xuất cũng như cơ sở hạ tầng góp phần đưa tầng lớp trung lưu phát triển mạnh, nhờ đó người tiêu dùng sẽ chi nhiều hơn cho các dịch vụ tài chính như bảo hiểm, Vogelsanger cho biết thêm.

Theo Ngân hàng Thế giới, tầng lớp trung lưu của Việt Nam chiếm 13% trong tổng số 95 triệu dân và sẽ tăng lên 26% vào năm 2026.

Tất cả những yếu tố kinh tế vĩ mô tích cực này đều tốt cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa, Vogelsanger nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật