Dứt khoát phát triển nghề cá bằng “3 trụ cột”

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xuất phát điểm nghề khai thác biển của chúng ta thấp, trong khi đó, xu thế phát triển đòi hỏi phải hiện đại hoá lực lượng tàu đánh cá, công nghệ chế biến tiên tiến, tiếp cận thị trường ở thế chủ động… và từng bước tăng giá trị kinh tế cho mỗi chuyến đi biển. Đó là những vấn đề phóng viên (PV) Báo Biên phòng phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường.
Dứt khoát phát triển nghề cá bằng “3 trụ cột”
Những chiếc tàu đánh cá vỏ sắt được đóng theo chiến lược hiện đại hóa đội tàu xa bờ của Chính phủ. Ảnh: Hải Luận

Mở đầu cầu chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Về tài nguyên biển, Việt Nam có tiềm năng phát triển ngành hải sản ở qui mô lớn. Nước ta có 28/63 tỉnh, thành phố ven biển trải dài trên 3.260km. Biển của chúng ta thuộc vùng biển ấm, nằm kề cận các dòng hải lưu, rất đa dạng về nguồn lợi thủy sản. Trong suốt thời gian qua, chúng ta có cố gắng để chuyển đổi, phát triển trên 100.000 tàu thuyền, khai thác tốt 5 ngư trường lớn. Thủy sản nước ta đã xuất khẩu đến 160 nước, xếp thứ 3 trên thế giới. Đây là một cố gắng rất lớn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Hải Luận

PV: Năm 2017, giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt 8,3 tỉ đô-la Mỹ. So sánh với vùng biển lớn và lực lượng tàu thuyền khai thác nhiều, nếu “chia” theo đầu người thì chẳng được bao nhiêu. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân cơ bản?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Nghề cá chúng ta là nghề cá nhân dân, chủ yếu khai thác trên diện rộng, chưa hình thành ngành khai thác hiện đại như một số nước. Phương tiện nhiều, nhưng chỉ có 23% tàu có công suất máy trên 400CV, coi như có chút hiện đại. Còn đi sâu vào công nghệ thiết bị chuyên dụng trên tàu đánh cá của ta so với thế giới, còn khoảng cách khá xa, cần phải cố gắng rất nhiều. Công đoạn bảo quản hải sản chưa tốt, đặc biệt là khâu phân loại, bảo quản bước đầu ở trên tàu cá là khâu quan trọng nhất của chế biến. Nhưng phần nhiều số lượng sản phẩm đánh bắt được đều đổ vào 1 khoang, dẫn đến hao hụt 25-30%. Đó là chưa nói đến qui trình khai thác nghề câu cá ngừ đại dương. Nếu làm căn cơ, tất cả các khâu sẽ cho chuỗi giá trị lớn, nhưng do kỹ thuật khai thác, bảo quản chưa tốt nên giá trị rất thấp.

Còn chế biến, chúng ta mừng vì có nhiều cơ sở, mừng vì xuất được nhiều, nhưng vẫn đi theo chiều rộng. Chẳng hạn, cơ sở chế biến cá ngừ tốt nhất hiện nay chỉ làm ra được 10 mặt hàng, chủ yếu là sơ chế. Dẫn đến khâu cuối cùng thành tiền còn thấp, chưa đưa chuỗi giá trị sản phẩm lên cao nhất được. Phát triển thị trường nhanh ồ ạt, xuất đi 160 quốc gia nhưng tiền thu về ít. Trên thế giới có những tập đoàn họ chỉ cần làm 5 mặt hàng, nhưng thu về chục tỉ đô-la Mỹ. Ta cứ “cặm cụi” tạo ra 160 thị trường xuất khẩu, nhưng mỗi thị trường “bé tí”, xuất hiện nhiều rủi ro, rồi còn phải đối phó vấn đề quản lý cực kỳ khó khăn, hiệu quả đem lại không cao, thị trường luôn bất ổn.

PV: Lâu nay ta thường chú trọng thị trường xuất khẩu, còn “sân nhà” hình như họ “bỏ quên”. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Tất cả những vấn đề này suy cho cùng phải bắt nguồn từ cái gốc, mà gốc ở đây là thị trường... Mỗi năm, đất nước ta có 13 triệu khách du lịch quốc tế, 74 triệu khách nội địa, đa số họ đi du lịch biển thì thưởng thức ẩm thực thủy sản biển là đương nhiên. Chưa kể, gần 100 triệu dân nước ta ở các vùng miền khác nhau có xu hướng ăn thủy sản ngày càng nhiều. Phải phân tích rõ như thế, để thấy được nhu cầu của khách hàng. Từ đó, ngư dân, doanh nghiệp mới quay lại khai thác, phân loại hải sản và có cách bảo quản, chế biến đúng theo gu thị trường, không thể để khách vào quán có cái gì, bán cái nấy. Cũng từ cái gốc này mới đưa ra được định dạng phân khúc thị trường nội địa tốt nhất, đem lại nhiều lợi nhuận nhất.

PV: Nếu như áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến vào thai thác và chế biến thủy sản sẽ tăng giá trị kinh tế lên gấp nhiều lần. Trong chiến lược phát triển nghề cá bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai vào thực tiễn ở mức độ nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Một chuyên gia Nhật Bản góp ý với tôi: “Tại sao hàng rẻ? Vì chúng ta làm nhiều quá”. Làm vừa phải nhưng chất lượng cao nhất sẽ chi phối thị trường thì hiệu quả mới bền vững, mới gọi là tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bây giờ, chúng ta không phải cứ nai lưng làm thục mạng, cái gì cũng thật nhiều, nhưng giá trị không cao. Khi triển khai đóng tàu đánh cá theo Dự án 67 (Nghị định 67), quan điểm của Chính phủ là đóng tàu to, máy mới, có thiết bị dò cá, máy định vị... đồng bộ và hiện đại. Bộ đã chỉ đạo các cơ quan của Bộ phải nghiên cứu thật kỹ về phương pháp đánh bắt, cách phát triển thị trường, công nghệ chế biến thương mại và các loại máy móc, thiết bị hiện đại nhất thế giới. Từ đó tư vấn giúp các địa phương, doanh nghiệp áp dụng triệt để vào sản xuất. Công nghệ tiên tiến mới tạo ra những sản phẩm tốt nhất đủ sức cạnh tranh thị trường thế giới.

PV: Để phát triển khai thác thủy sản bền vững cần tập trung vào những nội dung nào?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Dứt khoát phải coi 3 trụ cột để xây dựng một nghề cá hiện đại, hiệu quả và phát triển bền vững:

Thứ nhất, khai thác có tổ chức theo chuỗi khép kín ở giới hạn cho phép. Không thể khai thác một cách vô tội vạ, rồi theo kiểu cứ năm sau báo cáo sản lượng phải cao hơn năm trước. Riêng vấn đề này, năm sau phải giảm hơn năm trước về sản lượng nhưng tăng về giá trị. Tới đây, chúng ta công bố chỉ số tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản, mình phải khai thác đến một mức độ nhất định, để nguồn lợi còn đủ khả năng tái tạo. Làm được trụ cột thứ nhất này, có một loạt các vấn đề đặt ra: Cơ cấu lại tàu thuyền, phương thức đánh bắt nào hiệu quả, cách quản lý Nhà nước như thế nào sát với thực tiễn, chế biến ra làm sao, tổ chức thị trường thế nào...? Bày bán chục cái mẹt thì bao giờ giá cũng rẻ, nhưng chỉ có một cái mẹt thì giá mới đắt, đó là cả một nghệ thuật.

Thứ hai, phải tăng cường công tác chế biến, đây là một nội hàm sâu sắc phải làm. Có lần, tôi đi về Phú Yên, một con cá ngừ vằn tươi ngon, mà chưa biết cách chế biến ra nhiều món hấp dẫn. Họ chỉ xẻ thịt ra, hấp lên và bỏ vào cái hộp sắt đóng lại, rồi gọi là chế biến. Nếu con cá ngừ vằn được chế biến tốt sẽ cho du khách thưởng thức đặc sản tại quê hương mình, tiền ở đây chứ ở đâu nữa! Do đó, giá trị trụ cột thứ hai là phải tăng cường khâu chế biến.

Thứ ba, tập trung phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, chứ không thể khai thác mãi như hiện nay. Không chỉ nuôi ở bờ, mà phải nuôi ở vùng biển xa bờ, bằng công nghệ hiện đại nhất. Phải quy hoạch vùng nào thuộc đối tượng nuôi nào, khoa học, công nghệ nghiên cứu các chỉ số rõ ràng, quản lý dựa trên thực tiễn...

Để xây dựng một nghề cá hiện đại, hiệu quả, hội nhập là một việc làm rất khó, nhưng chúng ta làm được, nếu có sự vào cuộc quyết liệt của cả 3 cấp: Chính phủ - Doanh nghiệp - Toàn dân.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật