Chủ nhân Nobel Văn học 1911 dành 20 năm cuộc đời để nuôi ong

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Cuộc đời tác giả Bỉ Maurice Maeterlinck gắn bó mật thiết với loài ong, từ đó, ông viết nên các tác phẩm trứ danh.
Chủ nhân Nobel Văn học 1911 dành 20 năm cuộc đời để nuôi ong
Nhà văn Nhật Chiêu (trái) tại buổi giao lưu ra mắt sách “Đời ong“.

Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu và dịch giả Nguyễn Trí Dũng có buổi giao lưu ra mắt sách Đời ong (tác giả Maurice Maeterlinck) hôm 18/5 tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TP HCM).

Maurice Maeterlinck là nhà thơ, kịch tác gia, triết gia người Bỉ. Ông được vinh danh giải Noel Văn chương năm 1911 cho sự nghiệp văn chương, gồm cả các tác phẩm tiêu biểu trong lĩnh vực kịch như: Công chúa Maleine (1889), Những người mù (1890), Aglavaine và Sélysette (1896) và Con chim xanh (1909).

Nhà nghiên cứu nhận xét dường như trời phú cho Maurice Maeterlinck khả năng viết về loài ong, về thế giới thực vật cũng xuất sắc như khi viết về loài người. Tác giả người Bỉ viết kịch cũng xuất sắc như vậy khi viết tiểu luận, khảo luận triết học. Maurice Maeterlinck có khả năng hiểu biết khoa học không thua bất cứ nhà khoa học chân chính nào, có thi pháp không thua nhà thơ lớn nào, có khả năng viết kịch không thua một kịch gia lớn nào. Những tố chất này không phải tác giả nào cũng có được.

Tác giả người Bỉ - Maurice Maeterlinck (1862-1949). Ông đoạt giải Nobel Văn chương năm 1911.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đánh giá Maurice Maeterlinck là nhà văn lý tưởng - người có thể thám hiểm những thế giới khác nhau trong cuộc sống. Maurice Maeterlinck dùng ngòi bút để nói về ngọn lửa tâm linh, không chỉ cháy lên trong đời sống con người mà còn ở thế giới thực vật: những loài hoa, loài rong dưới nước hay trên bờ, loài kiến, mối, để từ đó kể những câu chuyện về sức sống bí ẩn, truyền từ đời này sang đời khác của vạn vật.

Bìa sách "Đời ong".

Tiếp lời nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dịch giả Nguyễn Trí Dũng bày tỏ sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ về nhà văn Maurice Maeterlinck. "Maurice Maeterlinck là người làm vườn rất giỏi. Ông dành 20 năm nuôi ong và nghiên cứu về loài ong không khác gì các nhà ong học. Trong cuốn sách Thông thái và số phận, ông mở đầu bằng một câu cũng về loài ong: ’Loài ong làm việc trong bóng tối mà đức hạnh thì không phô trương’. Kiến thức về ong của ông không thua các nhà nghiên cứu”, dịch giả cho biết.

Đời ong là một tác phẩm thú vị nhưng không dễ đọc. Cuốn sách là sự cộng hưởng giữa tinh thần khoa học, cảm hứng thơ ca và tư duy triết học. Cuốn sách mang đến những phát hiện thú vị, chẳng hạn Maurice Maeterlinck chỉ ra "sự kiên nhẫn của đàn ong còn nhanh cạn hơn sự kiên nhẫn của con người rất nhiều".

Đôi khi, ông cũng có những trang văn đẹp, nên thơ gợi nên sự đối sánh giữa loài ong và loài người: "Phần lớn các sinh vật sống đều mơ hồ cảm thấy còn có một cái gì đó hết sức không chắc chắn, một cái gì đó tựa như một lớp màng mong manh trong suốt ngăn cách miền chết với miền yêu. Có một quy luật sâu xa của tự nhiên đòi hỏi cái chết của bất kể một sinh vật sống nào vào chính thời điểm nhờ nó một sự sống mới nảy sinh".

Đời ong là một trong những tác phẩm xuất sắc của Maurice Maeterlinck, ra mắt vào năm 1901 và được đón nhận từ lúc ra đời cho đến nay. Cuốn sách là một khảo luật triết học về đời sống loài ong, nhưng tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như ballet, xiếc, thơ, nhạc…

Buổi ra mắt sách của nhà văn Maurice Maeterlinck nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Sách châu Âu lần thứ ba tại TP HCM (từ ngày 12 đến 20/5).

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật