Mỹ đánh tan ảo tưởng Nga?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ làm tiêu tan hy vọng của Nga về bình thường hóa quan hệ song phương và gây thiệt hại đáng kể đối với Moscow.
Mỹ đánh tan ảo tưởng Nga?
Nga vẫn hy vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ và khả năng cải thiện quan hệ song phương?

thiệt hại không nhỏ

Từ đầu tháng 4, Mỹ đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới khắt khe hơn đối với Nga, bao gồm 24 cá nhân và 14 công ty: các đầu sỏ chính trị Nga, các doanh nghiệp do họ điều hành, các quan chức chính phủ cấp cao và những người đứng đầu các tập đoàn nhà nước và (một lần nữa là) công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport.

Mỹ tiếp tục trừng phạt Nga với lý do các hoạt động thù địch mà Moscow đã thực hiện trong những năm gần đây và vẫn đang tiếp diễn: những nỗ lực can thiệp theo hướng gây bất lợi vào công việc nội bộ của các nước phương Tây (trong đó có Mỹ), gây hấn với Ukraine, sáp nhập Crimea và ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.

Mỹ tiếp tục tung đòn trừng phạt chống Nga

Theo quyết định ngày 6/4 của Bộ Tài chính Mỹ, 4 nhóm thực thể của Nga chịu sự trừng phạt gồm:

1. 7 cá nhân, trong đó có những người đáng chú ý là Oleg Deripaska, Suleiman Kerimov và Kirill Shamalov (từng là con rể của Tổng thống Putin).

2. 12 công ty có chủ sở hữu chính là các cá nhân được đề cập ở trên; 7 công ty trong số này do Oleg Deripaska kiểm soát. Những thực thể này tiến hành một loạt rộng rãi các hoạt động ở nước ngoài, bao gồm cả trên thị trường Mỹ.

3. 17 quan chức cấp cao của Nga và lãnh đạo các công ty nhà nước, trong đó có Viktor Zolotov (Chỉ huy Vệ binh quốc gia), Nikolai Patrushev (Thư ký Hội đồng an ninh) và Aleksei Miller (Tổng giám đốc tập đoàn Gazprom).

4. Các thực thể khác cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt vì ủng hộ chính phủ Syria: Công ty xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport (từng phải chịu các biện pháp trừng phạt vào năm 2014 vì bị cáo buộc có liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine) và Ngân hàng Tập đoàn tài chính Nga (RFK) là bên cung cấp dịch vụ cho công ty này.

Rusal là một trong những công ty chịu thiệt hại nặng nề ngay sau công bố quyết định trừng phạt của Mỹ hôm 6/4

Giới phân tích đánh giá, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ gây ra những hậu quả cả về kinh tế lẫn chính trị đối với Nga trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

Về các hậu quả kinh tế ngắn hạn, bị ảnh hưởng trầm trọng nhất là các cá nhân được phương tây gọi là "đầu sỏ chính trị" Nga cũng như các thành viên khác trong nhóm những người giàu có nhất nước Nga.

Theo tính toán của Forbes, do giá trị cổ phiếu trong công ty của họ sụt giảm riêng trong ngày 9/4 mà Deripaska mất 1,3 tỷ USD, Viktor Vekselberg mất hơn 900 triệu USD và Suleiman Kerimov mất hơn 800 triệu USD.

Tổng số 50 người giàu có nhất nước Nga (bao gồm cả những người thuộc và không thuộc danh sách trừng phạt của Mỹ) mất tổng cộng là 12 tỷ USD vào hôm đó.

Thị trường chứng khoán Nga bị ảnh hưởng trầm trọng khi lao dốc khoảng 9%-11% vào hôm 9/4. Nhiều công ty của Nga đã chứng kiến giá cổ phiếu của họ sụt giảm đáng kể trên các thị trường chứng khoán cả ở Moscow lẫn London.

Đồng rúp của Nga cũng đột ngột mất giá sau các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ

Những công ty tổn thất nặng nề nhất có thể kể đến như Rusal mất khoảng 46%, Mechel khoảng 30%, Norilsky Nikel khoảng 17%, Polyus khoảng 13%, ngân hàng VTB 11%).

Trước đó ở Hong Kong, cổ phiếu của Rusal đã giảm khoảng 50%. Đồng rúp của Nga cũng đột ngột mất giá, khoảng 15% so với đồng USD và đồng euro vào sáng 11/4.

Đánh tan ảo tưởng Nga?

Giới chức Nga đã chỉ trích gay gắt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ. Thủ tướng Dmitry Medvedev cảnh báo rằng Nga “bảo lưu quyền” trả đũa, còn thư ký báo chí của Tổng thống Vladimir Putin, ông Dmitri Peskov phản ứng một cách ôn hòa hơn khi nhấn mạnh rằng Nga sẽ hành động theo các lợi ích của riêng mình.

Giới phân tích cho rằng những hậu quả hơn nữa về kinh tế sẽ phụ thuộc vào cả phản ứng của giới chức Nga đối với các biện pháp trừng phạt lẫn các bước đi tiếp theo của Washington, cũng như phản ứng của các đối tác kinh tế quan trọng khác của Nga (Liên minh châu Âu-EU, Trung Quốc).

Moscow lo ngại những ảnh hưởng gián tiếp của các biện pháp trừng phạt: ngăn chặn các thực thể nước ngoài (chủ yếu từ phương Tây) có bất kỳ sự hợp tác nào với các công ty lớn của Nga vì lo ngại các phản ứng tiêu cực từ phía Mỹ.

Giới chức Nga (Thủ tướng Dmitry Medvedev, Phó Thủ tướng Arkady Dvorkovich, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Denis Manturov) đã tuyên bố Chính phủ Nga sẽ hỗ trợ các công ty bị ảnh hưởng. Nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau có thể đang được cân nhắc như:

Các tập đoàn lớn của nhà nước có thể mua lại phần nào cổ phiếu của các công ty tư nhân bị ảnh hưởng. Vấn đề nằm ở chỗ Nga phải có được nguồn tài trợ cho những giao dịch được đánh giá là rất tốn kém này.

Hình thức hỗ trợ tiếp theo có thể tính tới là giảm thuế nhưng sẽ gây thất thu cho nguồn ngân sách.

Giới phân tích phương Tây cho rằng Nga có thể tạo ra các “thiên đường thuế” trên lãnh thổ của Nga và chuyển trụ sở chính đã được đăng ký của các công ty toàn cầu của Nga, mà bằng cách nào đó sẽ duy trì hình thức pháp lý trước đó của họ, đến những nơi này.

Chiếc áo phông trong một cửa hàng ở Crimea in hình ảnh với câu chú thích bằng tiếng Nga "Câu trả lời của chúng ta đối với các biện pháp trừng phạt của Mỹ"

Theo tờ Vedomosti, Chính phủ Nga đã đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các hoạt động pháp lý để thành lập các khu đặc biệt trên đảo Oktyabrsky thuộc vùng Kaliningrad, và trên đảo Russky gần Vladivostok thuộc vùng Primorsky.

Những thực thể thuộc diện được hỗ trợ sẽ được đối xử như các thực thể nước ngoài và sẽ chỉ phải trả thuế cho phần hoạt động kinh doanh được thực hiện trên lãnh thổ của Nga.

Trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ và vẫn cần tiền để tài trợ cho chương trình tái vũ trang, Nga khó có khả năng chịu thêm gánh nặng trợ cấp tài chính có tính hệ thống và ở mức độ đáng kể cho các doanh nghiệp tư nhân.

Ngược lại, chính các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang giúp Chính phủ Nga có cơ hội buộc hàng loạt "ông lớn" mang tiền từ nước ngoài về đầu tư trong nước, qua đó thu hồi một số vốn bị "thất thoát".

Hoạt động của cơ chế này sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ đi xa đến đâu trong chính sách trừng phạt của mình, thái độ của EU đối với vấn đề này, cũng như phản ứng của các đối tác không ở châu Âu của Nga (đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ).

Việc Mỹ mở rộng các biện pháp trừng phạt hôm 6/4 là hành động trừng phạt nghiêm trọng nhất thuộc kiểu này của Mỹ đối với Nga kể từ tháng 7/2014 (thời điểm chứng kiến EU đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine).

Những biện pháp trừng phạt mới nhất này đã được đưa ra một ngày sau khi 60 nhà ngoại giao Mỹ bị trục xuất khỏi đại sứ quán tại Moscow và lãnh sự quán tại Yekaterinburg (và một tuần sau khi lãnh sự quán Mỹ tại St. Petersburg bị buộc phải đóng cửa). Trước đó Mỹ đã trục xuất số lượng tương tự các nhà ngoại giao Nga hôm 26/3 và đóng cửa lãnh sự quán Nga tại Seattle.

Những động thái này khiến cho mối quan hệ Nga-Mỹ vốn đã ở trong tình trạng tồi tệ trở nên tồi tệ hơn.

Theo giới phân tích phương Tây, khủng hoảng leo thang không có lợi cho Điện Kremlin, vốn có vẻ vẫn nuôi hy vọng rằng cuộc gặp nữa giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ có thể là khởi đầu cho tiến trình bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ.

Măt khác, vì những lý do liên quan đến hình ảnh của mình, Điện Kremlin có thể sẽ thực hiện một kiểu trả đũa có giới hạn nào đó nhằm vào Mỹ để chứng tỏ với Washington khả năng gây thiệt hại của mình. Tất cả những điều này đồng nghĩa với một cuộc khủng hoảng kéo dài trong quan hệ Nga-Mỹ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật