Công khai trong tuyển chọn cán bộ

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trao đổi với PV về vấn đề công khai trong tuyển chọn cán bộ, ông Lê Nam - nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, phải công khai minh bạch trong thi tuyển cạnh tranh, và đây là một trong những yếu tố cần thiết để chọn được người tài.
Công khai trong tuyển chọn cán bộ
Ông Lê Nam.

Ví dụ bây giờ tỉnh này cần 1 phó chủ tịch tỉnh vậy tại sao không chọn 5 bí thư Huyện ủy hay giám đốc sở để cạnh tranh chọn lấy 1 người làm phó chủ tịch tỉnh? Theo ông Nam nếu làm được như vậy sẽ thay đổi được công tác cán bộ, vẫn phát huy được dân chủ, bởi khi đã công khai minh bạch mọi thứ sẽ “bật” ra hết.

Trao đổi với PV, ông Lê Nam - nguyên Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, công tác tổ chức cán bộ phải được làm triệt để, cương quyết với quyết tâm và kỷ luật cao, không thể “đẽo cày giữa đường”.

PV: Thưa ông, tiêu chuẩn của cán bộ là điều quan trọng nhất, vậy theo ông cán bộ cấp chiến lược cần phải có những tiêu chuẩn, điều kiện nào?

Ông Lê Nam: Hội nghị Trung ương 7 bàn đến xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp là vấn đề rất cần thiết. Trong bài phát biểu khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói đến thực trạng trong tổ chức cán bộ, trong đó có chuyện rất gay go là chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi... Hậu quả tệ hại trong công tác cán bộ trong những năm qua bây giờ đã bộc lộ qua những vụ án tham nhũng. Các cán bộ cấp cao được giao nhiệm vụ rất lớn, giữ cương vị đứng đầu ở các bộ ngành, địa phương nhưng lại mắc khuyết điểm, khiến lòng tin của người dân đối với cán bộ bị suy giảm. Ngay cán bộ ở nơi tôn nghiêm nhất là cơ quan bảo vệ Pháp Luật như trong ngành Công an cũng mắc sai phạm. Từ đó cho thấy bức tranh chất lượng và thực trạng về cán bộ cấp chiến lược đang nghiêm trọng.

Cán bộ có nhiều đối tượng nhưng bây giờ tập trung bàn về cán bộ cấp chiến lược là rất cấp bách. Bởi các biện pháp về công tác cán bộ đã có từ 10 năm nay, từ Trung ương 3 khóa VIII đã bàn về đổi mới nâng cao chất lượng cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Những giải pháp đã được đặt ra rất hay nhưng thực chất không đi vào cuộc sống, không ngăn chặn được tình trạng suy thoái mà mức độ ngày càng trầm trọng hơn.

Điều đó cho thấy, quyết tâm cao nhưng đến khi thực hiện lại không làm được, bắt mạch đúng nhưng đến khi cho đơn thuốc, đường lối trị bệnh thì không đúng. Do đó, bây giờ phải thay đổi cách thức lãnh đạo của Đảng về công tác tổ chức cán bộ. Bao lâu nay, công tác xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ gần như vẫn duy trì cách thức, phương thức trong thời kỳ chiến tranh, quan liêu, bao cấp. Tới nay công tác cán bộ phải đáp ứng điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Để lựa chọn cán bộ chúng ta đã có các hình thức thi tuyển nhưng lại chưa chọn được người tài, đức. Theo ông nguyên nhân là do đâu?

- Trước hết phải công khai, minh bạch, dân chủ. Đó là “liều thuốc” chung của nhân loại để đảm bảo một bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao một cách xứng đáng, đúng đắn, và phải giám sát người được trao quyền lực trong quá trình thực thi quyền lực. Quyền lực là quyền lực của nhân dân, Đảng phân công cũng là do dân ủy nhiệm cho Đảng. Vì vậy Đảng phải thực hiện đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Cho nên dân chủ, công khai minh bạch là vấn đề quan trọng, trước hết là dân chủ, công khai minh bạch trong Đảng.

Phải công khai minh bạch trong thi tuyển cạnh tranh, và đây là một trong những yếu tố tuyệt vời để chọn được người tài. Ví dụ bây giờ tỉnh này cần 1 phó chủ tịch tỉnh vậy tại sao không chọn 5 bí thư Huyện ủy hay giám đốc sở để cạnh tranh chọn lấy 1 người làm phó chủ tịch tỉnh?

Theo tôi nếu làm được như vậy chúng ta sẽ thay đổi được công tác cán bộ, vẫn phát huy được dân chủ nhưng không còn chạy nữa, bởi khi đã công khai minh bạch mọi thứ sẽ “bật” ra hết. Dựa trên trình bày đề án, ai giỏi hơn sẽ được dân bầu thông qua những người đại diện cho dân là HĐND. Còn ở cấp cao là Quốc hội bầu.

Chính vì vậy phải đảm bảo việc thi cử để tuyển chọn cán bộ. Trong hàng nghìn năm, cha ông ta đã lựa chọn quan chức bằng con đường thi cử, vì thi cử là lựa chọn trình độ. Nếu không đủ năng lực, chúng ta có thể thuê tổ chức nước ngoài độc lập chấm. Còn nếu chúng ta tự chấm sẽ khó khắc phục được tình trạng chạy. Như thế mới đảm bảo việc thi cử được khách quan, minh bạch.

Một trong những giải pháp trong công tác cán bộ được đưa ra là Bí thư cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương để ngăn chặn tình trạng cục bộ nhưng thực tế thì giải pháp trên lại chưa phát huy được hiệu quả. Và lần này vấn đề trên lại tiếp tục được Trung ương cho ý kiến, thưa ông?

- Từ thời nhà Lê đã có chuyện quan không phải là người địa phương, vì ở tại chỗ dễ “dây mơ rễ má”. Nay có chuyện “thường vụ họ ta”. Chuyện này Đảng đã thấy và bàn nhưng đến khi chỉ đạo thực hiện lại “đẽo cày giữa đường”. Bàn thì rất hay nhưng đến khi thực hiện lại không thực hiện được. Câu chuyện Bí thư, Chủ tịch, rồi trưởng một số ngành không phải người địa phương Trung ương đã bàn lâu rồi nhưng đến giờ vẫn theo kiểu “đẽo cày giữa đường”, “thui chó hết rơm”. Cho nên cuối cùng thế nào cũng chạy được, người ta không muốn đi, muốn ở lại địa phương nên có tình trạng chạy để ở lại.

Mà cán bộ chiến lược phải chạy Trung ương thì mới được ở lại địa phương chứ. Cho nên phải làm thế nào để nghị quyết hay những chỉ đạo thực hiện duy trì được kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Tổng Bí thư cho đến các cơ quan lãnh đạo của Đảng phải kiên quyết. Đây là cái Trung ương cần rút ra những bài học, không thể để nghị quyết ghi rồi nhưng đến lúc thực hiện lại không nghiêm túc.

Trong cán bộ cấp chiến lược thì đội ngũ cán bộ chiến lược của chiến lược là quan trọng nhất. Vậy ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Bác Hồ đã căn dặn, cán bộ phải có đức và tài. Cho nên cán bộ chiến lược thì tài năng phải ở tầm chiến lược, xuất chúng được đúc kết và thừa nhận trong từng lĩnh vực. Thứ hai là phải có đạo đức tốt, và trong họ có tố chất phẩm chất mà người khác không có được trong quá trình thực hiện trọng trách được Đảng phân công, giao cho họ. Nếu ai cũng làm được thì không phải là tầm chiến lược.

Vì thế người đứng đầu tỉnh phải là người tiêu biểu, không phải do chạy, bè phái, hay được lòng người này người kia mà lên. Nghĩa là đủ 2 yếu tố là đức và tài. Nếu giải quyết được vấn đề này sự nghiệp của đất nước sẽ thuận lợi. Không làm được công tác tổ chức cán bộ thì Đảng đã nói 4 nguy cơ vẫn còn nguyên như thế. Đây chính là gốc gác của vấn đề nguy cơ. Giải quyết được cái này, theo tôi 4 nguy cơ cũng giải quyết được.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lâu nay công tác xây dựng Đảng về tổ chức cán bộ gần như vẫn duy trì cách thức, phương thức trong thời kỳ chiến tranh, quan liêu, bao cấp. Nay phải thay đổi để đáp ứng điều kiện kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền, và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trước hết phải công khai, minh bạch, dân chủ. Đó là “liều thuốc” chung của nhân loại để đảm bảo một bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao một cách xứng đáng, đúng đắn, và phải giám sát người được trao quyền lực trong quá trình thực thi quyền lực. Phải công khai minh bạch trong thi tuyển cạnh tranh, và đây là một trong những yếu tố tuyệt vời để chọn được người tài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật