Sản phẩm du lịch Huế chưa tương xứng với tiềm năng

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại hội nghị “Phát triển sản phẩm du lịch (DL) TT-Huế” được tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế vào ngày 26-4; các nhà quản lý, chuyên gia, đại diện các hãng lữ hành ở nhiều tỉnh, thành phố như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội... đã chỉ ra rằng, dù là ngành kinh tế mũi nhọn song sản phẩm du lịch ở Huế vẫn còn thiếu, có sự phân tán, chưa tương xứng...
Sản phẩm du lịch Huế chưa tương xứng với tiềm năng
Huế cần xây dựng khu ẩm thực thường xuyên để du khách được trải nghiệm, thưởng thức. Trong ảnh: Lễ hội ẩm thực “hút” khách tại Festival Huế 2018.

Sản phẩm du lịch còn thiếu, phân tán

DL được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn ở TT-Huế. Những năm qua, lượng khách trong nước và quốc tế đến Huế tăng theo hàng năm với khoảng 3-4 triệu lượt khách/năm, lượng khách tăng trung bình 12%/năm. Riêng năm 2017, doanh thu từ du lịch đạt 3.520 tỷ đồng. Tại buổi đối thoại trực tuyến với chủ đề “Festival và DL Huế”, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở DL tỉnh TT-Huế cho biết, tỉnh đang hình thành thêm một số sản phẩm DL mới, nhất là những sản phẩm du lịch về đêm. Mới nhất và đang được nhiều người quan tâm là hệ thống chiếu sáng Kỳ Đài hàng đêm, tái hiện cảnh khai hỏa súng thần công định kỳ 2 lần/tuần và vào các ngày lễ lớn của đất nước. Đặc biệt, chương trình “Văn hiến kinh kỳ”, phiên bản nâng cấp của hoạt động mở cửa về đêm, sau khi thực hiện trong dịp Festival Huế 2018 sẽ được triển khai thường xuyên tại Đại Nội với quy mô, hình thức và dịch vụ được chọn lọc cho phù hợp hơn. Hay cầu đi bộ trên sông Hương đang được triển khai dự kiến sẽ hoàn thành vào quý III-2018. Hay không gian văn hóa nghệ thuật trên trục đường Lê Lợi gồm các hệ thống bảo tàng, nhà trưng bày văn hóa nghệ thuật...

Theo Sở DL tỉnh TT-Huế, trong 5 tháng đầu năm 2018, Huế đón khoảng 2 triệu lượt khách. Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở DL thừa nhận, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng DL Huế vẫn còn một số hạn chế như: việc xây dựng sản phẩm giải trí về đêm còn nan giải; lữ hành yếu với 91 công ty lữ hành nhưng chỉ đưa hơn 41% lượng khách đến Huế; chưa có sự kết nối hoàn thiện giữa các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng... Các chuyên gia, đại diện các hãng lữ hành đều cho rằng, sản phẩm DL Huế chưa đa dạng, chưa níu chân lượng khách đến lưu trú dài ngày. Vì vậy, chi tiêu của du khách tại Huế ở mức tương đối thấp. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục DL cho rằng: “Thời gian qua, Huế đã tập trung vào công tác bảo tồn di sản và tài nguyên DL, tuy nhiên hệ thống sản phẩm DL ở địa phương này vẫn còn hạn chế. DL TT-Huế dù ổn định nhưng chưa đổi mới, sản phẩm có sự phân tán, tốc độ tăng trưởng của DL Huế chậm hơn so với các địa phương DL trong nước...

Để DL Huế phát triển mạnh và thu hút được nhiều du khách hơn, theo Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn, tỉnh TT-Huế cần tập trung vào định hướng phát triển sản phẩm, trong đó cần làm mới các sản phẩm đã có gắn với các di sản, văn hóa nghệ thuật và xây dựng các sản phẩm mới gắn với Bạch Mã, Lăng Cô và mua sắm. Đồng thời, xây dựng các sản phẩm DL về đêm, các hoạt động vui chơi - giải trí. Ông Tuấn cho rằng, Huế là điểm đến về di sản văn hóa, khác với các địa phương khác nên việc kết nối lực lượng hướng dẫn viên là rất quan trọng. Đồng thời, ngành du lịch cũng cần quan tâm kết nối với các điểm đến du lịch trong khu vực như: Mỹ Sơn, Hội An (Quảng Nam) - Đà Nẵng - Quảng Trị - Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình)... để kéo khách ở các điểm du lịch này về với Huế.

Sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu thị trường

Đại diện một hãng lữ hành cho rằng, Huế cần xây dựng một khu vực trưng bày sản phẩm quà lưu niệm đặc trưng và ẩm thực thường xuyên, để du khách trải nghiệm và mua sắm. Chỉ cần một du khách đưa về một sản phẩm lưu niệm, thì vài triệu khách mỗi năm cũng đưa về không ít sản phẩm lưu niệm của Huế, vô tình họ cũng sẽ làm marketting giúp cho DL Huế. Theo các hãng lữ hành DL, Huế cần kết nối các sản phẩm làng nghề, khu ẩm thực để du khách dễ tiếp cận, trải nghiệm và mua sắm; tập trung khai thác sản phẩm DL di sản, tăng thêm sản phẩm dịch vụ đẳng cấp; chú trọng phát triển sản phẩm ẩm thực theo hướng tinh tế, sang trọng từ cung đình đến dân dã... Huế cũng cần tạo ra một số sản phẩm DL sôi động, hấp dẫn hơn để thu hút du khách trẻ.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiếm có địa phương nào vừa có DL văn hóa và tài nguyên DL biển như Huế. Do đó, ngành DL cần hướng đến một thành phố phát triển đậm nét về DL văn hóa kết hợp với DL biển, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, cần phát triển hai bờ sông Hương trở thành điểm nhấn DL lãng mạn nhất của cả nước cũng như thế giới. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị UBND tỉnh TT-Huế và ngành DL địa phương cần tiếp thu các ý kiến đóng góp để có những quyết định cho phát triển DL. “Huế cái gì cũng có, nhưng không có nhiều, đây là hạn chế khi xây dựng sản phẩm DL cho Huế. Không phải cái gì có cũng bắt tay làm, mà phải biết cái gì đáp ứng được nhu cầu thị trường mới xây dựng được sản phẩm. Thế nên, lãnh đạo tỉnh phải định vị được sản phẩm DL chiến lược của Huế trong dài hạn”- ông Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật