Có một Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng

Billgate Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong những ngày qua, cả nước hướng về Hà Nội bằng tình yêu thiêng liêng của mỗi người con đất Việt đối với Thủ đô 1000 năm tuổi. Song, tổ chức “Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng“ mang đặc trưng bản sắc văn hóa Hà Nội xưa và nay như Lâm Đồng lại có nét độc đáo riêng bởi trên vùng đất Nam Tây Nguyên này có một Hà Nội...
Có một Hà Nội trên cao nguyên Lâm Đồng
Biểu diễn Thăng Long ngàn năm thương nhớ.

Lâm Đồng - Hà Nội

Huyện kinh tế mới Lâm Hà (Lâm Đồng) được thành lập ngày 28/10/1987. Song, nếu tính "lùi lại" 11 năm (năm 1976), khi đó những chàng trai, cô gái thanh niên xung phong Hà Nội đặt bước chân đầu tiên trong cuộc hành trình đi "khai thiên phá thạch" trên vùng đất hoang vu này thì đến nay đã 34 năm đi qua với biết bao khó khăn, thăng trầm gắn liền với những kỷ niệm một thời đi mở đất. Ngay cái tên "Lâm Hà" được ghép từ hai địa danh: Lâm (Lâm Đồng); Hà (Hà Nội) trở thành tên gọi thân thương như ngày hôm nay.

Tái hiện Phố ẩm thực Hà Nội xưa.

Sau 11 năm (1976 - 1987) đối diện với bao nhiêu thiếu thốn, gian nan vì đói khát, sốt rét, mưa rừng và bọn tàn quân Phun-rô ngày đêm chống phá, gây rối, giết chóc... dần dần, những đồi chè, cà phê, ruộng lúa và những xóm làng cứ mọc lên lấn dần rừng hoang, nước độc. Cùng với sự trỗi dậy đầy sức sống của một vùng đất mới, những tên xã, tên thôn của người Hà thành được đặt cho mỗi vùng đất mới màu mỡ (thị trấn Nam Ban, xã Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm...). Bên cạnh sự có mặt người Hà Nội rất sớm trên đất Lâm Hà, trong những năm sau giải phóng, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chủ trương giãn dân từ các vùng đông dân cư chuyển đến xây dựng các vùng kinh tế mới, trên cơ sở bố trí nhân dân tại chỗ và đón dân cư  từ nhiều tỉnh, thành phía Bắc vào đây lập nghiệp; tiếp tục hình thành nhiều xã, huyện mới... Đến nay, huyện Lâm Hà nói riêng, tỉnh Lâm Đồng nói chung là một tỉnh đa dân tộc (34 dân tộc anh em) hội tụ và bao đời sinh sống thuận hòa. Đây chính là nét đặt trưng làm cho Lâm Đồng trở thành một tỉnh đa dân tộc anh em, đa sắc thái văn hóa các vùng miền, góp phần làm cho đời sống tinh thần của nhân dân Lâm Đồng rất phong phú, đa dạng...

Liên hoan giọng hát hay.

Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng

Hiểu được nguyện vọng thiết tha của đông đảo những người con Hà Nội đang sinh sống trên cao nguyên giàu đẹp không có điều kiện tìm về nơi "chôn rau cắt rốn" trong những ngày diễn ra Đại lễ 1000 năm, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức "Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng". Liên tiếp 3 ngày đêm (từ 1-3/10/2010), tại  huyện Lâm Hà đã diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi mang bản sắc văn hóa Hà Nội xưa và nay, xen kẽ các hoạt động văn hóa của các dân tộc bản địa anh em đã tạo ra những ngày hội văn hóa đặc sắc phục vụ hàng chục ngàn lượt nhân dân trong tỉnh. Toàn bộ chương trình "Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng" gồm 5 nội dung chính: Triển lãm hình ảnh, hiện vật, sản phẩm văn hóa chủ đề "Hà Nội trái tim hồng" với trên 20 gian hàng tái hiện đời sống, lao động, sinh hoạt của người Hà Nội trên cao nguyên; Lễ hội ẩm thực "Hương vị Hà Nội trên cao nguyên", tái hiện không gian văn hóa Hà Nội xưa với hình ảnh gánh hàng rong, cô hàng nước và các món ăn, thức uống đặc trưng văn hóa ẩm thực Hà Nội (các loại bún ốc, bún riêu... bánh cuốn Thanh Trì, phở Hà Nội, miến gà, bánh tôm Tây Hồ...); Liên hoan giọng hát hay "Bài ca Hà Nội"; Lễ hội văn hóa cồng chiêng; các trò chơi dân gian... Đặc biệt, chương trình đêm khai mạc chủ đề "Thăng Long ngàn năm thương nhớ" được tổ chức rất hoành tráng với 5 cảnh diễn đã tái hiện một Hà Nội xưa và nay linh thiêng và hào hoa, niềm tự hào của cả dân tộc. Tham gia chương trình khai mạc có trên 500 nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghệ thuật Lâm Đồng, TP.HCM,  TP. Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên đài PT - TH địa phương và đài PT - TH các tỉnh lận cận phục vụ đông đảo khán thính giả trong và ngoài tỉnh. Dù xa xôi hơn 1.000km, nhưng dịp này TP. Hà Nội cũng đã cử Đoàn nghệ thuật Múa rối nước Thụy Lâm - Đông Anh và Đoàn nghệ thuật Ca trù của Hà Nội vào biểu diễn, phục vụ những người con Hà Nội trên đất Lâm Đồng và nhân dân địa phương, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, ủng hộ suốt 3 ngày hội, để lại nhiều ấn tượng và tình cảm sâu sắc trong nhân dân các dân tộc...

Biểu diễn múa cồng chiêng.

Ông Phan Hữu Giản, cựu thanh niên xung phong Hà Nội năm xưa, nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà là người có mặt trong suốt những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng đã xúc động tâm sự: Việc lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tổ chức Những ngày hội Văn hóa Hà Nội tại một huyện kinh tế mới của người Hà Nội có ý nghĩa vô cùng sâu sắc, giúp những người con Hà Nội được sẻ chia, gửi gắm tình cảm, hướng về cố hương trong những ngày Đại lễ; dù không có điều kiện về Hà Nội nhưng bà con được hòa mình vào không gian văn hóa Hà Nội, cảm nhận Hà Nội rất gần gũi, thân thương...

Có thể nói, "Những ngày hội văn hóa Hà Nội tại Lâm Đồng" là một trong những hoạt động mang nhiều ý nghĩa, thể hiện tình cảm của người Hà Nội trên đất Lâm Đồng và tình cảm của nhân dân các dân tộc Lâm Đồng hướng về Hà Nội - Thủ đô ngàn năm văn hiến, niềm tự hào thiêng liêng của cả dân tộc Việt Nam...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật